Trên thế giới, nhiều quốc gia buộc phải dùng đến biện pháp “cực chẳng đã” để giải quyết những xung đột tôn giáo, sắc tộc. Trong nhiều trường hợp, người ta đã không lường trước được mức độ nguy hiểm của âm mưu tạo cớ gây xung đột tôn giáo, sắc tộc của các thế lực thù địch thông qua các vụ việc cụ thể. Khi tình hình đã khó kiểm soát, hiệu quả của các “biện pháp mạnh” rất dễ gây phương hại không đáng có trong các mối quan hệ đa phương quốc tế, ảnh hưởng đến tiến trình bảo vệ và phát triển của một quốc gia.
Thế giới từng chứng kiến những xung đột giữa Ấn Độ giáo, Ki-tô giáo và Phật giáo với Hồi giáo tại Ấn Độ; giữa Ki-tô giáo và Hồi giáo tại Ni-giê-ri-a và In-đô-nê-xi-a; giữa các tín đồ Tin lành (một nhánh của Ki-tô giáo) với chính Ki-tô giáo ở Bắc Ai-len (Ireland); giữa những kẻ nổi loạn người Hồi giáo với cảnh sát chính quyền ở miền Nam Thái Lan; xung đột giữa sắc tộc Lou Nuer và Murle ở miền Nam Xu-đăng... Riêng ở Trung Quốc, xung đột tôn giáo, sắc tộc cũng đã từng xảy ra, phá hoại sự thống nhất và ổn định phát triển đất nước. Nổi bật nhất là xung đột giữa Phật giáo Tây Tạng (phương Tây gọi là Lạt-ma giáo), giữa Hồi giáo Tân Cương... với chính quyền địa phương và Trung ương.
Ở một số quốc gia vừa đề cập, ảnh hưởng tiêu cực của các xung đột có đặc thù tôn giáo riêng, làm mất ổn định nghiêm trọng xã hội. Đặc biệt ở Trung Quốc, các xung đột tôn giáo, sắc tộc có cả màu sắc tôn giáo lẫn chính trị. Ở nước ta, cũng từng xảy ra vụ bọn phản động lưu vong bịa đặt ra cái gọi là Nhà nước Đề-ga độc lập và Tin Lành Đề-ga ở Tây Nguyên nhằm tuyên truyền, kích động, gây xung đột sắc tộc, tạo tiền đề cho sự chia rẽ, li khai, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Gần đây, lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của Nhà nước, một số phần tử phản động nhân danh những người Công giáo chân chính đã tìm cách tạo ra sự hiềm khích lương - giáo, giữa đa số người dân không theo đạo với giáo dân ở một số khu vực, vùng miền. Thường là chúng dùng chiêu bài đòi lại đất cũ của nhà thờ, hay cố tình tạo ra biến cố xung đột với chính quyền địa phương bằng những hành động vi phạm pháp luật, nội quy, trật tự nơi công cộng. Sở dĩ một số kẻ cố tình gây rối, bất chấp pháp luật như vậy vì chúng tin rằng, có thể thông qua việc tạo ra những xung đột tôn giáo, sắc tộc để những thế lực đứng đằng sau mượn cớ “tự do, nhân quyền” lên án cái gọi là “đàn áp tôn giáo, sắc tộc” của Nhà nước ta. Bất chấp đạo lý, bất chấp pháp luật, một số kẻ ngang nhiên dựng nhà trái phép trên khu bảo tồn chứng tích tội ác chiến tranh khu tháp chuông nhà thờ Tam Tòa (Đồng Hới - Quảng Bình); tụ tập trái phép gây mất trật tự công cộng và đập phá tài sản một số cơ quan ở khu vực 42 Nhà Chung, phá hoại tài sản của Công ty may Chiến Thắng ở Thái Hà (Hà Nội). Gần đây nhất là vụ xây dựng trái phép cây thánh giá bằng bê tông, cốt thép trên đỉnh núi Chẽ (còn gọi là núi Thờ) thuộc huyện Mỹ Đức (Hà Nội), mục đích gây rối, cố tình tạo xung đột với chính quyền địa phương... Rõ ràng, đó là những hành động không phù hợp với tôn chỉ của bất cứ tôn giáo nào, đặc biệt là của những người Công giáo chân chính với mong ước “sống phúc âm trong lòng dân tộc”, cùng với cộng đồng xã hội xây dựng một cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”. Đó cũng chỉ là hành vi của một số phần tử phản động, cố tình làm theo sự giật dây của các thế lực thù địch, nhằm tạo ra những bất ổn xã hội.
Nếu xâu chuỗi, đánh giá những tác động thứ phát mà những xung đột tôn giáo, sắc tộc có thể gây ra, kèm theo sự kiên trì đeo đuổi âm mưu, sự kết hợp với nhiều thủ đoạn khác… thì chúng ta sẽ thấy được mức độ nguy hiểm của “chiến thuật gây mất ổn định xã hội” này trong toàn bộ chiến lược diễn biến hòa bình. Bởi vậy, việc phân tích đánh giá mức độ thâm hiểm, những âm mưu gây rối thông qua xung đột tôn giáo, sắc tộc của các phần tử phản động để tuyên truyền đến mọi tầng lớp xã hội là một công việc hết sức cần thiết, góp phần tích cực làm thất bại chiến lược diễn biến hòa bình. Mặt khác, chúng ta cũng cần đi trước một bước trong việc xử lý kiên quyết, nghiêm minh (nhưng hết sức linh hoạt, mềm mỏng) các vụ việc theo đúng đường lối của Đảng và pháp luật Nhà nước; thực hiện tốt phương châm "phòng để chống" một cách hữu hiệu, nhằm làm giảm thiểu những tác động xấu đến khối đoàn kết dân tộc và ảnh hưởng đến các mối quan hệ quốc tế
Đối với mỗi người dân, “phòng để chống” chính là bằng cách chủ động tìm hiểu, nắm vững chủ trương chính sách tôn giáo, dân tộc để kịp thời vạch trần những chiến thuật tinh vi nhất trong chiến lược "diễn biến hòa bình". Qua đó, mỗi người chúng ta cần tự trang bị cho mình hiểu biết về chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, ý thức chấp hành pháp luật, chủ động đấu tranh phòng, chống, làm thất bại mọi mưu toan chống phá chế độ của các thế lực thù địch. Đó cũng là cách để mỗi người góp phần cùng cả nước tạo dựng một xã hội ổn định, yên bình, phồn vinh và hạnh phúc.
Đại tá, thạc sĩ PHẠM NGỌC HÙNG