QĐND Online - Tôi biết về đơn vị C5 cách đây 5 năm khi còn công tác tại Bảo tàng Hải quân, sau khi có bài viết về chiến công oanh liệt thuyền trưởng anh hùng Nguyễn Phan Vinh và con tàu 235 huyền thoại được đăng trên báo An ninh Thế giới. Hôm đó, tôi nhận được cú điện thoại: "Chú là Hải, nguyên chiến sĩ C5, đơn vị đã làm nhiệm vụ trinh sát chiến lược trên vùng biển Hòn Hèo, đơn vị đã từng chờ đón chuyến tàu 235 ...".

Tôi mừng lắm, cũng vì cái máu nghề nghiệp, từ lâu rất muốn tìm hiểu thêm về sự kiện tàu 235 chở vũ khí vào Hòn Hèo. Theo địa chỉ, tôi đã tìm gặp ông Đặng Văn Hải, khi đó là Trưởng phòng của Sở Kế hoạch Đầu tư Thành phố Hải Phòng. Ông Hải nguyên là Chủ tịch thị xã Đồ Sơn. Ông vui vẻ đón tôi trong căn phòng làm việc bộn bề hồ sơ, giấy tờ. Và câu chuyện về "một tốp Việt cộng Hải quân Bắc Việt trên vùng biển Hòn Hèo" như lời địch đã từng nhận định, thực sự để lại ấn tượng trong tôi về chiến công thầm lặng của một đơn vị làm nhiệm vụ trinh sát đặc biệt, 7 năm liền bám trụ tại chiến khu Hòn Hèo.

Đầu năm 1967, Đội trinh sát chiến lược tại vùng biển Hòn Hèo bí mật được thành lập với phiên hiệu K67, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu. Lúc đầu, đơn vị chỉ có 5 người, chủ yếu là một số thuyền trưởng Hải quân chuyển sang như anh Kim, Huỳnh Hường, Đặng Đức Hạnh... sau được bổ sung thêm, khoảng hơn 30 người. Nhiệm vụ của đơn vị là trinh sát từ khu vực Đầm Môn- Bãi Giếng (Vạn Ninh) đến bán đảo Cam Ranh. Mật danh hoạt động bí mật của K67 mang tên HB19. Địa hình hoạt động trải dài gần 200 km bờ biển và núi non. K67 sau đó đổi tên thành C5.

Hòn Hèo là khu vực hiểm trở, thuộc hai xã Ninh Phước và Ninh Vân, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, ngoài đơn vị C5 còn một số đơn vị bộ đội của tỉnh Khánh Hòa và khoảng hai mươi hộ dân địa phương sinh sống (phần lớn là người già và trẻ em), đây là những người không chịu vào sống trong vùng địch tập trung.

- Làm nhiệm vụ trinh sát chiến lược, anh em C5 luôn phải chịu sự tàn khốc, hủy diệt của máy bay và pháo địch. Tôi là chiến sĩ báo vụ, hàng tuần phải liên lạc, báo tin cho Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân về tình hình địch trên vùng biển Hòn Hèo - Ông Hải nhớ lại.

Thăm hòn đá nơi C5 chờ đón tàu 235. Ảnh tư liệu.

Do thường xuyên sử dụng điện đài liên lạc nên đơn vị luôn bị địch phát hiện, phải di chuyển nơi ở liên tục. Thường thì cứ sau 3, 4 ngày phát sóng là đơn vị bị dội bom ngay. Có lần, chỉ sau vài giờ... Sau này mới biết vị trí phát sóng của ta cùng nằm trên trục đường thẳng với hệ thống ra đa của Mỹ ở Hòn Tre - Nha Trang, do vậy địch đã xác định chính xác tọa độ...

“Nhưng chính sự truy tìm gắt gao của địch đã tạo cho các chiến sĩ C5 sự nhạy cảm, ứng xử linh hoạt, kịp thời, nhiều khi thoát chết ngay trước họng súng kẻ thù. "Chúng tôi đã nhiều lần thoát chết nhờ sự "nhạy cảm" đó, có khi "nhờ" cả lũ chim rừng "che chở, báo tin"... Ông Hải kể.

Về điều "kỳ diệu" này tôi may mắn được trò chuyện với ông Lê Đình Kiến- nguyên Đội trưởng Đội trinh sát đặc nhiệm C5 hiện ở phường An Khê, thành phố Đà Nẵng. Ông Kiến đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn còn rất nhanh nhẹn và minh mẫn. Ông Lê Đình Kiến đã kể cho tôi nghe nhiều chuyện về C5, từ ngày đầu thành lập đến những trận đánh nhau với biệt kích khi chúng tàn phá nương rẫy, truy tìm đơn vị, cả sự cưu mang, đùm bọc của bà con Đầm Vân (Ninh Phước). Ông còn kể về những gì "không thể quên" trong những cánh rừng đã "che chở, nuôi dưỡng C5", cả chuyện lũ chim rừng "đã cứu" cả đội trinh sát thoát chết như thế nào: "...giờ đây trong tôi vẫn văng vẳng tiếng con chim bồ chao (cùng họ khướu), loài chim này thường kêu khi gọi đàn đi kiếm ăn, hót gọi bạn tình, hay báo hiệu gặp một loại thức ăn như nấm rừng, kêu sợ hãi khi gặp thú dữ hay gặp người... Hôm đó,  linh tính báo cho tôi không mắc võng nghỉ trưa, từ tiếng kêu trên đỉnh đồi đến chỗ chúng tôi nghỉ ngơi cách khoảng 100 m đường chim bay. Nghe tiếng kêu hốt hoảng của lũ chim, tôi nghi ngờ, liền báo cho anh em rời khỏi vị trí... Hôm sau phát hiện thấy dấu vết địch phục kích gần chỗ mình, nó bỏ lại một cái mùng chống muỗi rừng...".

Theo lời ông Kiến, cuộc sống anh em C5 ngày đó hoàn toàn nhờ vào "thiên nhiên vùng rừng núi Hòn Hèo". Đơn vị có chế độ tài chính, lương thực nhưng phải nửa năm hoặc một năm mới cắt cử nhau về tỉnh lấy. Bởi mỗi lần đi về như vậy là một lần phải đối mặt với kẻ thù. Địch phục kích ngày đêm trên đường đi, lối về. Cũng may, sống trên núi Hòn Hèo, anh em được bà con địa phương đùm bọc nên có lưới để đánh cá, có cuốc, thuổng trồng khoai, ngô, sắn nên cũng tự túc được lương thực.

Ngoài làm nhiệm vụ trinh sát, C5 còn có nhiệm vụ cùng bến bãi địa phương đón nhận, cất giấu vũ khí tàu không số chuyển vào. Về sự kiện con tàu 235 chở vũ khí vào bến Hòn Hèo, theo ông Kiến "đó là ngày định mệnh của con tàu 235 huyền thoại".

...Tết Mậu Thân, ngày 1-3-1968, tàu 235 trên đường đi đã bị địch phát hiện từ ngoài hải phận. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và đồng đội đã tìm mọi cách điều khiển con tàu bám sát gần bờ khu vực Bãi Chướng đến Đầm Vân rồi thả vũ khí xuống biển với hy vọng sẽ được người của bến vớt sau. Các anh đã chiến đấu, hủy tàu, bơi vào bờ, rồi lại tiếp chiến đấu... Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và hơn mười đồng đội đã hy sinh anh dũng, chỉ còn 7 chiến sĩ sống sót... Sau đó một người bị địch bắt khi đi kiếm nước. Một người nữa bị mất tích. 5 người còn lại đã dìu nhau suốt 13 ngày đêm vòng vo trên núi Hòn Hèo. Không một giọt nước uống, không một củ rừng cầm hơi...

Chiến sĩ C5 bên mảnh xác tàu 235. Ảnh tư liệu.

- Suốt mấy ngày liền, đơn vị trực đón tàu 235 tại 3 điểm, có nơi sát bến Đầm Vân. Vậy mà đúng hôm đó, cái ra-go-nô động cơ quay tay để phát ra dòng điện cho đài 15w phát truyền tín hiệu mật mã lại hỏng. Máy phát điện phát nhát gừng, đứt quãng, anh em tháo ra sửa chữa. Không may, hỏng luôn! Anh em trạm gác nhìn thấy tàu mình vào mà không sao liên lạc được... Thế rồi, đánh nhau dữ dội phía sau Hòn Một... Sáng hôm sau địch đổ quân càn. Một trung đội địch bao vây ta. C5 đã tỏa ra khắp Hòn Hèo tìm kiếm anh em tàu không số mà không thấy. 13 ngày sau Phong, Long, Thật, An, Tuyến mình đầy thương tích và đói khát được bà con đưa về đơn vị. Chúng tôi đã chăm sóc chu đáo và chuẩn bị về mọi mặt cho anh em vượt Trường Sơn ra Bắc an toàn...". Ông Kiến bùi ngùi kể.

Trong Nhật ký của liệt sĩ Huỳnh Hường mà tôi đã sưu tầm được năm 2006, có nhiều đoạn rất cảm động về sự kiện đón tàu 235. Cuốn nhật ký dành nhiều đoạn kể về thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh. Đó là sự day dứt, tiếc thương, cảm phục của Huỳnh Hường đối với người đồng đội, người bạn một thời học tập, rèn luyện, chiến đấu cùng nhau. “Tai nạn thì gặp nhau mà mình đã bất lực không làm được gì, chỉ đứng đó mà ngó và tự đào mồ để chôn cất người bạn thân của mình... Vinh là người được biết từ cái ngày 14 anh em F324 được tuyển ra Bộ Tổng đi học (8-1955). Rồi gặp nhau cùng học ở trường Cao chuyên Hải quân Trung Quốc. Vinh sang trước một năm, tôi sang sau cùng nhập lại ở Thanh Đảo, nhiều bữa hai đứa rủ nhau đi dạo biển, dạo phố....

Day dứt, xót xa, tiếc thương trong những trang viết của Huỳnh Hường là người tự tay đào mồ chôn cất người bạn thân mà không biết đó là bạn mình.

“Sáng 10-3-1968, không ngờ tay tôi lại đặt nơi yên nghỉ cuối cùng của người bạn thân- Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh, anh đã hy sinh rất anh dũng. Xung quanh Vinh, Thứ đã xảy ra một trận kịch chiến. Trên người Vinh mặc một áo bu-dông vải Trung Quốc rất đẹp, có kéo phéc-mơ-tuya, quần đùi, 2 chân có 2 vết thương đã được băng lại, người chết đã lâu, khô nước, chỉ còn da bọc xương nên không nhận ra người bạn mình. Sau này kể lại cho các đồng chí còn sống: An, Phong, Tuyến, Thật và Mai mới biết đấy là Phan Vinh- người thuyền trưởng thân yêu của họ, người bạn thân thiết của tôi...”.

Huỳnh Hường đã khâm phục, tự hào: “Vinh ơi! Vinh đã làm tròn nghĩa vụ của một người con đối với Tổ quốc. Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh- Tổ quốc và nhân dân đời đời biết ơn bạn. Mình sẽ nhớ mãi và sau này nếu còn sống mình sẽ kể lại chiến công anh hùng, sự hy sinh dũng cảm của Vinh cho các bạn cũ cùng nghe”...

Nhưng thật tiếc, 3 năm sau, Huỳnh Hường cũng hy sinh trong chuyến công tác bị địch phục kích.

Bia tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ tàu 235 hy sinh. Ảnh tư liệu.

Sau 7 năm kiên cường bám trụ, bí mật làm nhiệm vụ tại chiến khu Hòn Hèo, gần 10 cán bộ, chiến sĩ C5 đã hy sinh anh dũng. Năm 1973, sau Hiệp định Pa-ri, tình hình chiến trường thay đổi, đơn vị C5 được giải thể.

Đất nước thống nhất, cái tên C5 tuy không được nhiều người biết đến, nhưng những chiến công thầm lặng của chiến sĩ C5 vẫn còn in đậm, là niềm tự hào của người dân Ninh Phước, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Năm 2003, xã Ninh Phước vinh dự được đón nhận danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân", 13 chiến sĩ C5 ở khắp mọi miền được mời về tham dự, thăm lại chiến trường xưa, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm... Họ rất hạnh phúc vì được coi như là những "đứa con" của mảnh đất anh hùng này.

Niềm vui nữa đến với chiến sĩ C5 khi năm 2006, cán bộ, chiến sĩ đơn vị được Bộ Tư lệnh Hải quân tặng Kỷ niệm chương "Đường Hồ Chí Minh trên biển". Đó là sự ghi nhận công lao của những người đã góp phần làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển...

 

 

 

Thu Hương