Nhân dân ta thực hiện quyền làm chủ đất nước thực sự của mình như thế nào? Việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong điều kiện Đảng độc tôn lãnh đạo ra sao? Chúng ta phải làm gì để tạo ra một cơ chế khoa học và hữu hiệu giải phóng được sức lao động sáng tạo sung mãn của con người Việt Nam?
Từ nhiều năm nay, những câu hỏi đó vẫn luôn trăn trở trong tâm trí ta và giờ đây dường như chúng đã mang nội hàm lớn hơn nhiều. Biết bao nguồn lực quí giá của đất nước đang bị tắc nghẽn, bị tước đoạt, hủy hoại làm lòng ta đau thắt. Làm gì để chặn đứng tình trạng nguy hại đó, làm gì để khơi mở các nguồn lực cho đất nước có thể cất cánh?
Chưa bao giờ thế và lực của nước ta mạnh như bây giờ, nhưng đó là khi chúng ta so sánh với chính mình, còn với thế giới thì Việt Nam vẫn đang ở trong "vùng trũng" về trình độ phát triển, đang đứng trước nguy cơ tụt hậu ngày càng xa hơn. Chúng ta đã xác lập cơ chế đúng đắn Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, nhưng việc vận hành cơ chế này sao cho khoa học, nhịp nhàng, thông suốt và có hiệu quả là cả tổng thể một loạt vấn đề rất hệ trọng vì nó liên quan, tác động trực tiếp đến những khía cạnh nhạy cảm, phức tạp và căn cốt nhất của thể chế, của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Vận mệnh của chế độ XHCN, tương lai của đất nước đòi hỏi chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, vừa thấy được thành tựu, vừa nhận diện thật rõ những bất cập, những sai lầm, thiếu sót, những trở lực để hóa giải, khắc phục với những bước đi phù hợp. Chúng ta không có sự lựa chọn nào khác!
Thực tiễn xây dựng Nhà nước trong hơn 60 năm qua đã chứng tỏ dân chủ XHCN là bản chất của chế độ mới ở nước ta. Điều gì đã giúp cho Nhà nước ta vượt qua tất cả những thử thách cam go, tình thế hiểm nghèo “ngàn cân treo sợi tóc” trong các cuộc chiến tranh cứu nước trước đây cũng như ở thời điểm “chuyển dời dâu bể” sau khi chế độ XHCN sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu? Một trong những nhân tố quan trọng nhất, đó chính là sự gắn bó của toàn dân ta với Nhà nước XHCN của mình. Dù chưa hoàn thiện và còn mang trong mình nhiều khuyết tật, nhưng đó là Nhà nước do chính dân ta gây dựng nên và Nhà nước đó lại phục vụ chính dân ta.
Dân chủ là bản chất xã hội tiến bộ, là thước đo trình độ phát triển của mỗi xã hội. Cách đây vài chục năm, có người nói, chúng ta đang “tập sự dân chủ”. Còn bây giờ, có lẽ cũng chưa thể nói chúng ta đã hoàn toàn ra khỏi tình trạng đó. Vì vậy, xây dựng nền dân chủ XHCN vẫn là một trong những nhiệm vụ lâu dài và trọng yếu.Vấn đề cốt yếu là phải xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Không có gì khác hơn là dân chủ phải được thể hiện và thực hiện chủ yếu và trực tiếp nhất qua Nhà nước, bằng Nhà nước, hay nói cách khác, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chính là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân chủ đã là một thực tiễn sống động và đang trên đà phát triển với các thành tựu của sự nghiệp đổi mới. Khí sắc Việt Nam hôm nay không chỉ biểu hiện ở tỷ lệ tăng trưởng 8,4% GDP, không chỉ là bộ mặt các khu công nghiệp, đô thị mới, các công trình lớn... mà còn lắng sâu trong sự bình yên xã hội, yên ấm dưới những nếp nhà. Đổi mới không phải là một khẩu hiệu chính trị khô khan mà đã trở thành cây đời ăn sâu bén rễ trong lòng người. Dù đất nước còn nghèo, người dân còn phải sớm tối bươn chải, lo toan, nhưng nhịp sống khẩn trương, lành mạnh thường nhật và sự gắn kết của khối đại đoàn kết dân tộc xung quanh hạt nhân lãnh đạo là Đảng Cộng sản Việt Nam đang thắp lên niềm hy vọng lớn về tương lai tươi sáng của dân tộc. Có thể khẳng định, ở nước ta, dân chủ đang được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, văn hoá, chính trị, tư tưởng. Rõ ràng, việc bảo đảm quyền tự do dân chủ của công dân trong Nhà nước pháp quyền XHCN không chỉ phụ thuộc vào việc các quyền tự do dân chủ được quy định trong pháp luật như thế nào, mà phụ thuộc rất nhiều vào việc trong Nhà nước đó, các quyền tự do dân chủ được thực hiện trên thực tế ra sao.
Nhưng không thể không nhận thấy rằng trong xã hội ta vẫn còn tồn tại tình trạng "mù mờ luật pháp", người dân không biết thật sự mình có quyền gì, còn không ít người trong bộ máy công quyền thì lợi dụng sự "mù mờ luật pháp" đó của người dân cũng như những khe hở của luật pháp để tự cho mình quyền hành xử sai trái. Bên cạnh đó, tình trạng “phép vua thua lệ làng” đã và đang trở thành một lề thói nghiêm trọng tại nhiều ngành, địa phương- nơi mà họ tự đặt ra nhiều qui định trái khoáy, nhiều loại “giấy phép con”, vô hiệu hóa các văn bản luật định, gây cản trở, đảo lộn trật tự pháp lý. Vì thế, một đòi hỏi cấp bách là Nhà nước pháp quyền XHCN cần sớm xây dựng hệ thống quy định đầy đủ, minh bạch các quyền và nghĩa vụ công dân cũng như trách nhiệm của Nhà nước trong việc quản lý xã hội, tôn trọng và bảo vệ quyền tự do dân chủ của công dân. Trong xã hội mà pháp luật có vị trí tối thượng thì công dân có quyền được biết một cách công khai, rõ ràng mình có quyền gì và phải thực hiện nghĩa vụ gì. Đặc biệt, trong Nhà nước pháp quyền XHCN, hoạt động lập pháp về quyền, nghĩa vụ công dân cần hướng tới nguyên tắc quan trọng: công dân được phép làm những gì pháp luật không cấm; còn trong quan hệ với công dân thì cơ quan Nhà nước, công chức chỉ được làm những gì pháp luật quy định.
Báo cáo chính trị Đại hội X của Đảng ta khẳng định: Dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới. Xây dựng một xã hội dân chủ, trong đó cán bộ, đảng viên và công chức phải thực sự là công bộc của nhân dân. Xác định các hình thức tổ chức và có cơ chế để nhân dân thực hiện quyền dân chủ trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.
Mặc dù Đảng luôn xác định dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực của chế độ ta, nhưng trên thực tế, hiện tượng hạn chế, vi phạm quyền dân chủ của người dân không phải là cá biệt, thậm chí có những nơi tình trạng này diễn ra rất nhức nhối. Cần phải khẳng định tình trạng đó không bắt nguồn từ bản chất của nền dân chủ XHCN, từ “chế độ độc đảng” như các thế lực thù địch vẫn rêu rao, mà trước hết do sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức và những sơ hở, bất cập của cơ chế, chính sách cùng những thiếu sót trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo. Mặt khác, có một thực trạng nữa không kém phần nghiêm trọng là trong khi “mở rộng dân chủ” thì nhiều nơi lại kéo theo sự buông lỏng quản lý, coi thường kỷ cương, phép nước. Nhận rõ điều này, trong văn kiện Đại hội X, Đảng đã gắn kết 2 vấn đề căn cốt nhất của chế độ ta: Phát huy dân chủ XHCN phải gắn chặt với xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.
Đã từng có một thời, không ít người ngộ nhận rằng Nhà nước pháp quyền là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản, nên nếu có ai đó quá nhấn mạnh đến pháp quyền thì đôi khi khó tránh khỏi bị qui kết là nhiễm “đầu óc tư sản”, “pháp lý đơn thuần”. Phải thấy rõ, thực hiện pháp quyền là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của Nhà nước XHCN. Còn Nhà nước XHCN khác về bản chất với nhà nước tư sản ở chỗ: pháp quyền dưới chủ nghĩa xã hội là công cụ thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Nhà nước pháp quyền quản lý xã hội bằng pháp luật, điều đó có nghĩa là việc sử dụng bất cứ công cụ nào cũng phải trong khuôn khổ pháp luật.
Một vấn đề đích thực thuộc bản chất Nhà nước pháp quyền là xây dựng cơ chế bảo vệ Hiến pháp, đồng thời định rõ cơ chế, cách thức bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp và pháp luật trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước. Tính “tối thượng” của pháp luật là điều cốt lõi nhất của Nhà nước pháp quyền. Không có bất cứ cơ quan nào, không có bất cứ ai được phép đứng trên, hoặc đứng ngoài pháp luật. Đảng ta lãnh đạo xã hội, đất nước, nhưng Đảng ta hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Vì thế, Đảng không đứng trên, đứng ngoài pháp luật. Đại hội X đã chỉ rõ, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhà nước pháp quyền quản lý xã hội bằng pháp luật và các công cụ khác, nhưng việc sử dụng bất cứ công cụ nào cũng phải trong khuôn khổ pháp luật.
Trên thực tế, ở bất cứ ngành nào, địa phương nào ta cũng thường dễ nhận ra sự chồng chéo, vướng víu giữa lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành. Khâu mấu chốt cần tập trung hiện nay là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội bằng Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương công tác; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức kiểm tra và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Đảng giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ phẩm chất và năng lực vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể. Đảng không làm thay công việc của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị.
Để mọi quyền lực của Nhà nước đều thuộc về nhân dân thì vấn đề nhân dân thực hiện giám sát hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước là một vấn đề đặc biệt quan trọng. Có một thực tế là từ trung ương đến địa phương, vẫn còn tình trạng lúng túng trong việc làm sao để tránh chồng chéo cũng như tránh lạm quyền trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong việc xác lập và thực hiện cơ chế bảo đảm quyền kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với hoạt động của Nhà nước. Đã từng có ý kiến cho rằng chừng nào cán bộ và tổ chức vẫn do cấp uỷ quyết định, kinh phí hoạt động do Nhà nước cấp thì các thiết chế này khó phát huy được vai trò kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội. Nhưng lại không thể không thấy rằng, trong chế độ ta, các thiết chế này nằm trong hệ thống chính trị, nằm trong cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, do Đảng lập ra để phục vụ sự nghiệp của Đảng, của nhân dân thì Đảng phải tăng cường lãnh đạo, còn Nhà nước thì phải bảo đảm điều kiện cho các thiết chế này hoạt động là một yêu cầu tất yếu. Tuy nhiên, trên thực tế, phương thức tổ chức, phong cách hoạt động của các tổ chức, đoàn thể xã hội nhìn chung vẫn chưa thoát khỏi tình trạng bị “hành chính hoá”, còn các thành viên của các tổ chức, đoàn thể ăn lương Nhà nước này lại bị “công chức hoá”.
Vì vậy, việc xác lập mối quan hệ hợp lý giữa Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể chính trị-xã hội thông qua hệ thống cơ chế thích hợp, để tránh chồng chéo, tăng cường được tính chủ động của từng tổ chức và cả hệ thống chính trị là một đòi hỏi ngày càng cấp thiết.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội là các tổ chức đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân, vừa tượng trưng cho khối đoàn kết toàn dân tộc, vừa thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thực tiễn cho thấy, trong điều kiện Đảng cộng sản độc tôn lãnh đạo, nếu kết hợp tốt giữa nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng với nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong hệ thống Mặt trận thì sẽ làm phong phú thêm sinh hoạt dân chủ trong xã hội, làm phong phú thêm nền dân chủ ở nước ta. Trong nhiều năm qua, không chỉ đảng viên, mà nhân dân thuộc mọi thành phần xã hội, trong nước cũng như ngoài nước, đã được nghiên cứu, thảo luận, góp ý các văn kiện quan trọng của Đại hội Đảng X. Nhiều ý kiến đóng góp xác đáng của nhân dân, trong đó có các nhân sĩ, trí thức, đã được đưa vào văn kiện chính thức của Đảng. Rõ ràng, đây là một sự khảo nghiệm, phản biện và đóng góp trí tuệ rộng rãi, cầu thị và dân chủ, và nó đã được Đảng ta tiến hành nghiêm túc. Thử hỏi: Các đảng tư sản và thiết chế dân chủ tư sản - vốn có truyền thống dân chủ và đang tự coi mình là tấm gương dân chủ - đã bao giờ làm được một điều tương tự?
Có một thực trạng là không ít những người nắm quyền lực thường dễ rơi vào tình trạng “không muốn nghe lời ngược”. Khi họ thuyết giáo thì luôn đúng đạo lý, nhưng đến khi làm thì lại tìm cách thoái thác trách nhiệm, chỉ nghĩ đến lợi ích bản thân. Vì thế, ngoài quy chế dân chủ ở cơ sở đang thực hiện, hiện nay việc xây dựng đề án phản biện xã hội của MTTQ là nhằm tạo ra một cơ chế hiệu lực đối với các cấp có quyền lực. Các tổ chức, đơn vị, cán bộ, nhân viên chính quyền phải làm theo luật định, chứ không thể làm theo kiểu “ban ơn”, không ai giám sát được. Khi đã có một cơ chế phản biện rõ ràng thì MTTQ và các đoàn thể đủ điều kiện để phản biện lại trước các quyết định không phù hợp, đưa ra những chứng lý có sức thuyết phục cao. Như thế cũng có nghĩa là không phải đợi khi chính sách đã đưa vào cuộc sống, thấy sai rồi mới phản biện.
Mặc dù chúng ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, nhưng không thể không vạch ra rằng vẫn còn nhiều bất cập, nhiều căn bệnh trầm kha đang huỷ hoại và làm tắc nghẽn những nguồn lực quí giá của đất nước. Việc cải cách nền hành chính quốc gia đã được tiến hành từ mấy năm nay nhưng kết quả còn rất hạn chế. Bộ máy hành chính cồng kềnh, nhiều tầng nhiều nấc không hợp lý làm cho việc quản lý các hoạt động kinh tế-xã hội chậm trễ và kém hiệu quả. Tệ quan liêu, tham nhũng, thói nhũng nhiễu, đặc quyền đặc lợi, sự tù đọng trong tư duy và hành động... đang là những mầm bệnh cực kỳ nguy hại. Những năm qua, một loạt kẻ phạm tội không kể ở cấp nào đã bị đưa ra xét xử nghiêm minh trong một số vụ án lớn. Những biện pháp chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực được triển khai một cách mạnh bạo, tích cực ở một số ngành, địa phương, dù được dư luận cả nước đồng tình ủng hộ, nhưng cũng chỉ như những chồi non mới nhú cần được tiếp tục bảo vệ, cổ vũ, khích lệ mạnh mẽ hơn nữa để dần dần trở thành một hiện thực sống động và vững chắc lan rộng ra nhiều vùng miền, như ánh sáng xua tan dần bóng tối.
Coi tham nhũng là quốc nạn, đe doạ sự tồn vong của chế độ và Nhà nước XHCN, tại Đại hội X, Đảng ta khẳng định: Các cán bộ lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, của từng đơn vị, tổ chức cơ sở đảng và từng đảng viên trực tiếp tham gia và đi đầu trên mặt trận phòng ngừa và chống tham nhũng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong hai bài phát biểu trước và sau khi được bầu vào cương vị mới, đã cam kết “kiên quyết, kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xem đây là một trọng tâm công tác của Chính phủ thời gian tới”. Nói đi đôi với làm, ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng đã chỉ đạo tập trung làm rõ trách nhiệm, cũng như đình chỉ chức vụ của một số cán bộ cấp cao thuộc Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ. Như vậy, tân Thủ tướng đã liên tiếp ra tay vào những vụ bùng nhùng suốt thời gian qua. Ý nghĩa lớn nhất của việc này không phải chỉ là nó có tác dụng thúc đẩy việc giải quyết dứt diểm các vụ nhạy cảm có liên quan đến cán bộ cấp cao, mà hơn thế, đang tiếp tục tạo niềm tin sâu sắc trong nhân dân về quyết tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước tuyên chiến với tệ nạn tiêu cực và tham nhũng, được thể hiện trước hết bằng việc loại bỏ dứt khoát “vùng cấm” trong xử lý tiêu cực cho dù liên quan đến ai, ở bất cứ cương vị nào. Tại Hội nghị lần thứ 3 BCHTƯ Đảng khóa X, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã nhấn mạnh cần đẩy mạnh cuộc đấu tranh toàn diện chống tham nhũng, lãng phí.
Tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN không tách rời cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu. Có thể nói, tệ quan liêu đang bao trùm lên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Nó không chỉ diễn ra trong bộ máy Nhà nước mà đã lan sang cả bộ máy Đảng, bộ máy các tổ chức chính trị-xã hội. Không khó gì để vạch ra vô số biểu hiện của chủ nghĩa quan liêu: đưa ra các quyết định bốc đồng, không tưởng; quy hoạch tràn lan; quá nhiều văn bản, thủ tục rườm rà; thông tư, chỉ thị lấn át, vô hiệu hoá các đạo luật, pháp lệnh; chỉ đạo, điều hành chung chung, đại khái; cấm đoán tràn lan; đùn đẩy, ngâm việc, trả lời lấy lệ; tính cục bộ; thói hám danh lợi, chức tước; bệnh thành tích chủ nghĩa; mệnh lệnh chính thức thì không có hiệu lực, nhưng mệnh lệnh không chính thức thì lại có hiệu lực lớn; che giấu sự thật; bóp nghẹt, đàn áp phê bình…
Chúng ta đã quen sống với chủ nghĩa tập thể, nhưng đáng buồn thay, ở nhiều nơi, đó không phải là chủ nghĩa tập thể lành mạnh đích thực mà là chủ nghĩa tập thể hình thức, đồng nghĩa với cào bằng mọi thứ, đồng nghĩa với "cha chung không ai khóc". Chế độ trách nhiệm cá nhân không rõ ràng trong một cơ chế bùng nhùng là cái nôi nuôi dưỡng thói vô trách nhiệm, đố kỵ ghen ăn tức ở. Chính là trong cái vỏ của chủ nghĩa tập thể hình thức mà chủ nghĩa cá nhân tìm được đất sống lý tưởng.
Cuộc đấu tranh chống tệ quan liêu là một bộ phận của quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cải cách bộ máy nhà nước, đổi mới phương thức tổ chức và hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội. Đại hội X đã chỉ rõ: Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng hệ thống cơ quan hành pháp thống nhất, thông suốt, hiện đại… Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức và đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu nâng cao chất lượng về năng lực và phẩm chất đạo đức. Có cơ chế đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những công chức không xứng đáng, kém phẩm chất và năng lực.
Quốc hội thường được coi như biểu tượng của dân chủ và quyền lực của một nước. Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội để cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất này thực hiện tốt hơn chức năng lập pháp, nhiệm vụ quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và chức năng giám sát tối cao là một trong những khâu quan trọng bậc nhất trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.
Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XI vừa bầu một loạt chức danh vào các cơ quan lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ. Trên một nghĩa nào đó, kỳ họp Quốc hội này có khía cạnh “không thông thường” khi mà một số chức danh chủ chốt của Nhà nước được thay đổi sớm hơn nhiệm kỳ của Quốc hội hơn một năm. Có người nói cái “không thông thường” này lại biểu thị một mức tiến bộ rõ ràng của cơ quan lập pháp, quyền lực cao nhất nước, tức không theo thông lệ cũ mà lấy điểm chốt từ yêu cầu xử lý việc nước trong những điều kiện cần linh hoạt. Điều đáng ghi nhận nữa như một bước tiến dân chủ trong sinh hoạt của Quốc hội về đổi mới phong cách lề lối làm nhân sự, đó là khi miễn nhiệm một số thành viên Chính phủ, Quốc hội đã không đồng tình “cào bằng” giữa miễn nhiệm người thôi nhiệm vụ vì lý do tuổi tác hay thay đổi vị trí công tác với những người thực sự có khuyết điểm…
Chỉ còn hơn hai tháng nữa (tháng 10-2006), nước ta sẽ chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đây là bước hội nhập sâu rộng chưa từng có, mở ra những triển vọng to lớn và đồng thời đặt nước ta trước những thách thức hết sức gay gắt. Có nhà nghiên cứu đã nói rằng WTO là một cỗ xe thiết kế không có số lùi, tốc độ hội nhập chỉ ngày càng tăng lên, không cho phép một ai chần chừ hay thoái lui. Toàn thể hệ thống cần được nâng cấp lên trình độ mới. Hiệu quả và năng lực cạnh tranh ngày càng phụ thuộc vào sự vận hành nhịp nhàng của từng bộ phận trong toàn bộ guồng máy: từ Giáo dục-Đào tạo, tổ chức cán bộ để đất nước có những nhà quản lý năng động, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, quyết đoán chứ không phải những người trì trệ, dựa dẫm, luồn lọt, tiến thân bằng chạy chức chạy quyền, bằng rởm. Chúng ta không thể thắng trong cuộc chiến chống tụt hậu nếu bộ máy của ta quá rườm rà, đủng đỉnh, nếu chúng ta không loại bỏ được những kẻ tham ô hám lợi, vô trách nhiệm, vô cảm đang chốt chặt trong các mắt xích của bộ máy công quyền.
Công cuộc đổi mới đã trải qua chặng đường 20 năm đầy thách đố và sáng tạo. Chặng đường đó một lần nữa làm ngời sáng thêm những phẩm giá Việt Nam. Đổi mới đang trở thành sức mạnh lan tỏa trong lòng mỗi con người, được nhân lên và cộng hưởng trong cộng đồng dân tộc. Sức mạnh Việt Nam sẽ được nhân lên nếu chúng ta xây dựng được một Nhà nước pháp quyền XHCN vững mạnh. Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam cần được huy động ở mức cao nhất để tạo ra một cơ chế giải phóng và phát huy được sức lao động, sáng tạo sung mãn của con người Việt Nam. Đó chính là cái chốt của cuộc chạy đua trong thời đại hội nhập để trước hết tránh nguy cơ tụt hậu ngày càng xa hơn, từ đó đưa nước ta dần sánh vai với các nước trong khu vực và năm châu. |