Cụ thể, UBND huyện Bảo Lâm giao UBND các xã, thị trấn (có rừng) khẩn trương thành lập mỗi địa phương 2 đội tuần tra, kiểm tra quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.

leftcenterrightdel

 Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đích thân đến hiện trường kiểm tra vụ hàng trăm cây thông bị cưa hạ. Ảnh: Thanh Niên

Mỗi đội sẽ có 12 người gồm: Đại diện Ban Lâm nghiệp, kiểm lâm địa bàn, chủ rừng, Công an, dân quân xã, thị trấn. Nhiệm vụ chính của các đội là hằng ngày thực hiện tuần tra, kiểm tra quản lý, bảo vệ rừng; lập biên bản, giải tỏa cây trồng, vật kiến trúc lấn chiếm trái phép trên đất lâm nghiệp (nếu có); kịp thời phát hiện khu vực nguy cơ  xảy ra vi phạm Luật Lâm nghiệp; có giải pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời với các vi phạm, không để diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về rừng.

Kinh phí hoạt động của các đội được trích từ nguồn kinh phí quản lý, bảo vệ rừng đã phân bổ cho UBND, Ban Lâm nghiệp cấp xã từ đầu năm 2023 hoặc đề xuất cấp bổ sung trong trường hợp thiếu kinh phí.

Trước đó, chỉ chưa đầy một tháng, trên địa bàn hai xã Lộc Ngãi và Lộc Phú (huyện Bảo Lâm) xảy ra các vụ khoan lỗ vào thân cây rồi đổ hóa chất, đầu độc hơn 250 cây thông tự nhiên hàng chục năm tuổi. Diện tích rừng thông bị thiệt hại tại khoảnh 3, khoảnh 4, tiểu khu 613 (xã Lộc Phú, lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri quản lý bảo vệ) và khoảnh 5, khoảnh 6, tiểu khu 614 (xã Lộc Ngãi, thuộc lâm phần do Công ty cổ phần Hà Phong quản lý bảo vệ).

Ngày 21-7, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc đã ký văn bản hỏa tốc yêu cầu UBND huyện Bảo Lâm tạm đình chỉ công tác đối với 2 Chủ tịch UBND xã Lộc Phú và Lộc Ngãi để kiểm tra, xem xét, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân theo quy định.

TTXVN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.