Cụ Bằng ở đất này cũng dễ đến 50 năm có dư, khi ấy nơi đây còn hoang vắng lắm, phải băng rừng cả cây số từ ngoài đường đất mới đến nhà cụ, còn bây giờ thì đường nhựa đến nơi, đông vui và nhộn nhịp, đất đai ngày càng có giá trị.
- Cụ đã làm “sổ đỏ” cho mảnh đất này chưa? - tôi hỏi cụ Bằng.
Nhìn tôi, cụ mỉm cười, chậm rãi:
- Ông luật sư hỏi có khác, vợ chồng tôi ở đây bao nhiêu năm rồi có sao đâu! Có ai đuổi mình ra khỏi nhà được đâu mà lo làm sổ sách gì cho thêm việc.
 |
Ảnh minh họa: Báo Tuổi trẻ |
Biết cụ tuổi già ngại việc lo thủ tục giấy tờ, tôi nói khéo:
- Việc làm "sổ đỏ" vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi cụ ạ! Cụ làm “sổ đỏ” không chỉ để cho các cụ mà còn để cho con cháu sau này.
Cụ Bằng thấy vậy nói với cha tôi nhưng cũng để cho tôi nghe:
- Thì bao giờ vợ chồng già này chết đi các con làm cũng được, có sao đâu ông hè?
Tôi giải thích:
- Thưa cụ, như vậy sẽ thiệt thòi cho cụ. Mà làm "sổ đỏ" cũng là đề phòng trường hợp có tranh chấp. Chưa có "sổ đỏ" đồng nghĩa với việc chưa có ranh giới rõ ràng và chưa được Nhà nước công nhận...
Nghe vậy, cụ Bằng không nói gì thêm mà đăm chiêu suy nghĩ. Lát sau, cụ nói với cha tôi:
- Cháu nó nói nghĩ cũng phải. Đấy, ngay như anh em nhà Bảo đối diện bên kia đường, tuy đã có “sổ đỏ” mà vẫn tranh chấp với nhau mỗi bức tường rào, ai cũng nhận là của nhà mình, mấy năm rồi có giải quyết được đâu.
Quay sang tôi, cụ hỏi:
- Bây giờ làm "sổ đỏ" thì cần những thủ tục gì hả cháu? Tôi không có giấy tờ gì về mảnh đất này, như vậy có làm được không?
- Theo quy định tại Điều 138 Luật Đất đai năm 2024 thì trường hợp của cụ là hộ gia đình sử dụng đất trước ngày 18-12-1980, được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất ("sổ đỏ") và trường hợp như cụ sẽ không phải nộp tiền sử dụng đất, chỉ phải nộp lệ phí trước bạ nhưng không nhiều. Khi làm thủ tục đề nghị cấp “sổ đỏ”, cơ quan chức năng có trách nhiệm kiểm tra, xác minh và quyết định theo đúng quy định pháp luật về đất đai.
Nghe tôi nói, cụ Bằng cười bảo:
- Tôi sẽ làm “sổ đỏ” ngay. Việc này tôi sẽ giao cho anh con cả thực hiện vì lần trước nó cũng nói với tôi cần làm “sổ đỏ” nhưng tôi còn chần chừ.
Nói xong, cụ Bằng lấy điện thoại gọi ngay cho anh Lương-con trai cả của cụ để "giao nhiệm vụ". Cụ còn hỏi thêm:
- Cháu nè, nhân tiện tôi muốn viết di chúc để lại tài sản cho các con, để sau này khi bố mẹ mất đi, phòng trường hợp anh em thắc mắc, tranh giành. Hay là khi làm "sổ đỏ" thì kết hợp làm luôn di chúc để khỏi phải viết di chúc có được không?
Tôi giải thích:
- Theo Luật Đất đai năm 2024 và Bộ luật Dân sự năm 2015 thì chỉ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng ổn định. Như vậy là phải làm "sổ đỏ" đứng tên vợ chồng cụ, sau đó các cụ làm thủ tục tặng cho các con hoặc lập di chúc để lại di sản, như vậy mới hợp pháp cụ ạ!
Cụ Bằng cười móm mém:
- Kể ra cũng phức tạp cháu nhỉ, nhưng cứ phải thực hiện cho đúng quy định của Nhà nước.
Tiễn bố con tôi ra về, cụ Bằng nói:
- Cảm ơn cháu đã giải thích cho cụ hiểu rõ một số nội dung của pháp luật về đất đai. Đúng là thực hiện pháp luật vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi của công dân, cháu nhỉ!
Luật sư ĐĂNG TÂM
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.