Trả lời: Khoản 1, Điều 7, Hiến pháp và Điều 1, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đều quy định: Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Theo quy định tại Điều 8, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền dự kiến cơ cấu, thành phần người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội; số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội để bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội. Khoản 2, khoản 3, Điều 8, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cũng quy định rõ phải bảo đảm ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số; ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ. Ngoài ra, cơ cấu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cũng được quyết định theo nhiều loại cơ cấu khác để bảo đảm đại biểu Quốc hội được bầu đại diện cho đầy đủ các tầng lớp nhân dân, các thành phần trong xã hội...

Việc dự kiến cơ cấu, thành phần người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND không vi phạm nguyên tắc bình đẳng trong bầu cử. Trái lại, điều đó là cần thiết để bảo đảm bình đẳng giữa các dân tộc, giới tính, tầng lớp, thành phần xã hội trong việc lựa chọn người đại diện tại các cơ quan dân cử.

Báo Quân đội nhân dân trân trọng cảm ơn bạn đã quan tâm, gửi câu hỏi.

QĐND