Ông Yúi cho biết, sự giáo dục, động viên của cán bộ chính quyền các cấp, lực lượng công an và tình cảm chân thành của bà con làng xóm đã giúp ông nhận ra sai lầm, quyết tâm làm lại cuộc đời. Hiện ông Yúi cùng vợ chăm sóc 4ha cà phê, 1,5ha điều, 1ha cao su, 500 trụ tiêu và vườn rau gần 1.000m2 cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. “Tin lành Đề ga chỉ là sự dối trá, lừa bịp của bọn phản động. Công dân nước Việt Nam thì phải chấp hành nghiêm Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Trước đây tôi đã tin theo FULRO, vi phạm pháp luật, phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc, giờ nghĩ lại thấy rất xấu hổ. Cũng may được pháp luật khoan hồng, đồng bào tha thứ để làm lại từ đầu”, ông Siu Yúi nói.
 |
Ông Nay Ku (bên phải) chí thú làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. |
Anh Kpă Thu ở thôn Plei Kia, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai cũng trải lòng: “Tôi từng nghe và tin theo những luận điệu lừa bịp, dụ dỗ, kích động của bọn FULRO, tham gia biểu tình đòi thành lập cái gọi là “Nhà nước Đề ga”, rồi vượt biên sang Campuchia để đến nước thứ 3 với mong muốn được tận hưởng cuộc sống đủ đầy, sung sướng. Gần hai năm sống trong trại tị nạn ở Campuchia tôi thấm thía sự cơ cực, tủi nhục và hiểu rõ bản chất xấu xa, thâm độc của bọn phản động FULRO”. Cũng theo anh Thu, trái ngược với sự thâm độc, dối trá của bọn phản động FULRO, khi trở về quê hương, anh được cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân trong thôn bao dung, động viên, tạo mọi điều kiện để ổn định cuộc sống. Nhờ đó, anh bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình và tham gia các hoạt động xã hội. Hiện nay, không những kinh tế khá hơn mà anh Thu còn được bà con và chính quyền tín nhiệm bầu giữ chức chi hội trưởng nông dân.
Còn ông Nay Ku, ở thôn Glung, xã Ia Ke, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai từng theo “Tin lành Đề ga”, kích động người dân biểu tình, vượt biên trái phép khẳng định: “Không ở đâu bằng quê hương, đất nước mình. Đặc biệt là sự quan tâm, chăm lo phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương. Tạo cơ sở, tiền đề cho mọi tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc phát triển toàn diện, bình đẳng”.
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng tỉnh Gia Lai đã triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, giáo dục đối tượng FULRO tại cộng đồng như: Kiểm điểm đối tượng trước quần chúng nhân dân; thành lập các tổ công tác và phân công cán bộ giúp đỡ các đối tượng; hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật để những người từng lầm lỡ trở về cộng đồng phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; tranh thủ sự giúp đỡ của già làng, trưởng thôn, chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền, giáo dục các đối tượng... Qua đó giúp phần lớn đối tượng nhận thức rõ bản chất phản động của FULRO, “Tin lành Đề ga” và từ bỏ chúng. Từ năm 2015 đến nay, số đối tượng trong diện quản lý, giáo dục tại cộng đồng đã giảm hơn 43%; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được bảo đảm tốt.
Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN