Để chấn chỉnh và dần giải quyết dứt điểm vấn đề này, kể từ đầu tháng 9-2024, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an TP Hà Nội cùng với việc ra quân tăng cường xử lý vi phạm, thì cũng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông tại các nhà trường trên địa bàn Thủ đô.

Muôn hình, vạn trạng lỗi vi phạm của học sinh tham gia giao thông

Theo Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, từ đầu tháng 9-2024, các tổ công tác đã phát hiện, xử lý 785 trường hợp học sinh vi phạm, tạm giữ 427 phương tiện các loại, phạt tiền khoảng 400 triệu đồng. Các vi phạm điển hình là không đội mũ bảo hiểm, chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện và giao xe cho người chưa đủ điều kiện… Trong đó, 10 tổ công tác đặc biệt xử lý 425 trường hợp học sinh vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tạm giữ 161 phương tiện.

leftcenterrightdel
Lực lượng chức năng xử lý trường hợp phụ huynh điều khiển phương tiện chở học sinh vi phạm an toàn, trật tự giao thông tại ngã tư giao giữa phố Phan Đình Phùng - Hùng Vương.
leftcenterrightdel

Lực lượng chức năng xử lý trường hợp học sinh vi phạm giao thông. 

Cụ thể, các vi phạm giao thông của học sinh thường xảy ra vào các khung giờ cao điểm chuẩn bị vào học và khi tan trường, nhất là tại các khu vực gần các trường học. Trong một ngày cao điểm xử lý trật tự giao thông cuối tháng 9-2024, tại khu vực ngã tư Phan Đình Phùng - Hùng Vương (địa bàn quận Ba Đình), Đội CSGT đường bộ số 2 trong thời gian ngắn đã xử lý hàng chục trường hợp vi phạm giao thông của phụ huynh chở học sinh và học sinh điều khiển phương tiện tham gia giao thông sai quy định.

Tại chốt kiểm tra, em N.H.H (quận Ba Đình), học sinh lớp 10 cho biết, do được bạn đến đón, em không chuẩn bị mũ bảo hiểm. “Em biết bản thân đã vi phạm, gây nguy hiểm cho cả bản thân và người tham gia giao thông khác. Em xin rút kinh nghiệm và không tái phạm”, em N.H.H nói.

Đối với phụ huynh thì lý do phổ biến nhất chính là… vội. Nhiều phụ huynh lấy lý do tiện đi làm về đón con hay “do cháu nó muộn học”. Thậm chí, nhiều trường hợp cả phụ huynh và học sinh đều đội mũ sai quy cách.

Chia sẻ về các trường hợp phụ huynh và học sinh vi phạm an toàn giao thông, Thiếu tá Nguyễn Đức Tuyến, cán bộ Đội CSGT đường bộ số 2, cho biết, việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đối với các phương tiện gắn máy như: Xe máy, xe đạp điện là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, hiện tượng học sinh khi đến trường điều khiển xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm không chỉ nguy hiểm, mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Và thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp tai nạn đáng tiếc thời gian qua.

Cần thay đổi từ gốc

Trong tháng 9-2024, Phòng CSGT Hà Nội đã phối hợp với địa phương và nhà trường trên địa bàn Thủ đô tổ chức 18 buổi học ngoại khóa, tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho gần 23.000 học sinh các cấp và đội ngũ giáo viên tại các nhà trường.

Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội cho biết, thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới", đơn vị đã và đang chỉ đạo các đơn vị tăng cường phối hợp với các cơ sở giáo dục, gia đình trong công tác quản lý, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho các em học sinh.

leftcenterrightdel
Đội CSGT đường bộ số 2 tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn giao thông tại Trường Tiểu học Chu Văn An A.

"Nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh, Phòng CSGT sẽ bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, và xử lý nghiêm những trường hợp học sinh, sinh viên, phụ huynh điều khiển phương tiện vi phạm. Từ đó, phòng ngừa tai nạn giao thông, góp phần hình thành ý thức chấp hành pháp luật cho các em khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Công tác này sẽ được thực hiện thường xuyên, liên tục các ngày trong tuần và xuyên suốt năm học", Đại tá Trần Đình Nghĩa nhấn mạnh.

Mới đây, Đội CSGT đường bộ số 2 tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn giao thông cho hơn 1.000 cán bộ, giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An A. Tại buổi tuyên truyền, cán bộ Đội CSGT đường bộ số 2 đã trực tiếp chia sẻ và tuyên truyền một số nội dung cơ bản của Luật Giao thông đường bộ; đồng thời hướng dẫn đội mũ bảo hiểm bảo đảm chất lượng đúng quy cách và độ tuổi bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông...

leftcenterrightdel
Để ngăn ngừa tình trạng học sinh vi phạm pháp luật giao thông cần sự chung tay của nhà trường, gia đình và lực lượng chức năng.

Cùng với đó, cán bộ tuyên truyền giải thích, hướng dẫn các tình huống, câu hỏi thực tế gặp phải khi tham gia giao thông hằng ngày, từ đó cập nhật thêm nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích cho học sinh và các giáo viên.

Trong khi chờ đợi các ban, ngành chức năng triển khai các mô hình giảm tai nạn tại khu vực trường học, giải pháp tốt nhất để ngăn ngừa tình trạng học sinh vi phạm pháp luật giao thông là kết hợp giữa giáo dục, quản lý, xử lý giữa nhà trường, gia đình và lực lượng chức năng.

Bài, ảnh: TUẤN SƠN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.