Giảm tầng nấc, tinh gọn bộ máy, phục vụ hiệu quả
Theo Quyết định số 1898/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, từ ngày 1-7-2025, Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ được tổ chức lại thành Cục Quản lý thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp, với 7 đơn vị chuyên môn theo hướng tinh gọn, chuyên sâu, hiện đại.
Đặc biệt, các cơ quan thi hành án dân sự ở địa phương được tổ chức theo mô hình một cấp. Theo đó, cả nước có 34 cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh (thay thế cho các cục thi hành án dân sự cấp tỉnh trước đây), đồng thời chấm dứt hoạt động của các chi cục thi hành án dân sự cấp huyện, thay bằng 355 phòng thi hành án dân sự khu vực trực thuộc các cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh.
 |
Quang cảnh một cuộc cưỡng chế thi hành án dân sự. Ảnh do Cục Quản lý thi hành án dân sự cung cấp
|
Điểm đáng chú ý là các phòng thi hành án khu vực chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ, không còn chức năng quản lý hành chính, tài chính hay quyền ban hành quyết định thi hành án. Mô hình mới giúp giảm một tầng nấc trung gian, phân tách rõ chức năng quản lý và chuyên môn, giúp chỉ đạo tập trung, toàn diện.
Gần dân, sát dân
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi, mô hình mới là đột phá trong tư duy tổ chức bộ máy nhằm trao quyền thực chất, tăng tính chủ động và linh hoạt cho cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh.
Đồng chí Mai Lương Khôi nhấn mạnh: “Điểm nổi bật của mô hình là đưa hệ thống thi hành án dân sự gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân tốt hơn. Người dân không còn phải xác định cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền như trước đây, mà có thể trực tiếp yêu cầu thi hành án tại bất kỳ phòng thi hành án dân sự khu vực nào trong phạm vi tỉnh, thành phố một cách thuận tiện, nhanh chóng, minh bạch, công bằng”.
Cục trưởng Cục Quản lý thi hành án dân sự Nguyễn Thắng Lợi khẳng định, việc tổ chức lại hệ thống thi hành án dân sự theo mô hình mới không chỉ là sự sắp xếp, tinh gọn bộ máy bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược về tư duy quản lý, chỉ đạo, điều hành cho sự phát triển dài hạn; tạo động lực và nguồn lực mới, tận dụng sức mạnh cộng hưởng để xây dựng hệ thống thi hành án dân sự “liêm chính, chuyên nghiệp, kỷ cương, hiệu quả”.
Cùng với mô hình tổ chức mới, toàn ngành cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số. Theo đó, các cơ quan thi hành án dân sự được vận hành trên nền tảng công nghệ thống nhất, dữ liệu xuyên suốt, quy trình điện tử.
Thứ trưởng Mai Lương Khôi nhấn mạnh: “Việc vận hành hệ thống thi hành án dân sự trên nền tảng công nghệ như vậy giúp công dân ở bất kỳ đâu, vào bất cứ thời điểm nào cũng có thể thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong thi hành án thông qua các cổng dịch vụ công và ứng dụng số”.
Vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Mai Lương Khôi, việc sắp xếp lại bộ máy chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn, từ điều chuyển nhân sự, đồng bộ hạ tầng công nghệ, đến ổn định tổ chức, tâm lý cán bộ. Đồng chí Mai Lương Khôi kỳ vọng toàn ngành sẽ đoàn kết, đồng lòng, quyết liệt, tận tâm để hoàn thành nhiệm vụ.
 |
Quang cảnh một cuộc cưỡng chế thi hành án dân sự. Ảnh do Cục Quản lý thi hành án dân sự cung cấp
|
Thực tế từ Cơ quan Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh cho thấy, các phần mềm nghiệp vụ đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công. Song, theo Trưởng thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hòa, phạm vi, địa bàn rộng, quy mô lớn, nhiều khu vực khác nhau, khối lượng công việc tăng lên nhiều lần do ghép các địa bàn đơn vị... nên yêu cầu quản lý và điều hành cũng tăng lên. Áp lực đối với người đứng đầu lớn hơn, nhất là trong bối cảnh quản lý địa bàn lớn, bộ máy quản lý trực tiếp mở rộng hơn, thể chế, điều kiện vật chất chưa được hoàn thiện... Đó là những khó khăn, thách thức rất lớn với các cơ quan thi hành án dân sự ở địa phương như TP Hồ Chí Minh.
Trước thực tế đó, Cục trưởng Nguyễn Thắng Lợi khẳng định sẽ cùng toàn hệ thống vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội vận hành hệ thống thi hành án dân sự hiệu lực, hiệu quả; quyết liệt tập trung mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ công việc trong những tháng cao điểm cuối năm để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; tăng cường mạnh mẽ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong các hoạt động thi hành án dân sự, bảo đảm gần dân, sát dân và kịp thời phục vụ, giải quyết các yêu cầu của người dân.
Trưởng thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hòa cho biết, Cơ quan Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh đã đặt ra hàng loạt giải pháp cụ thể. Trong đó, cơ quan sẽ chú trọng rà soát, xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kịp thời báo cáo cấp trên tháo gỡ vướng mắc; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, coi đây là nhân tố quyết định để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ.
Mô hình hệ thống cơ quan thi hành án dân sự mới đã cho thấy rõ sự thay đổi tư duy sâu sắc về cách phục vụ người dân, hướng tới sự đơn giản, minh bạch, hiệu quả và hiện đại. Hy vọng, với sự thay đổi mạnh mẽ như vậy, ngành thi hành án dân sự sẽ đạt hiệu quả công tác cao hơn, góp phần bảo đảm công lý phải được thực thi đến cùng, bảo vệ tới cùng quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân.
CHIẾN THẮNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.