Là một trong những hành khách thường xuyên sử dụng đường sắt đô thị, anh Ngô Minh Hoàn (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, đi lại hằng ngày trên tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông, anh nhận thấy đây là phương tiện giao thông công cộng có nhiều tiện ích, tàu chạy theo đường ray cố định, không có sự chen lấn của các phương tiện khác như ô tô, xe máy nên không chỉ nhanh mà còn an toàn. Việc tiếp cận nhà ga dễ dàng, sử dụng thuận tiện, phù hợp với đại đa số người dân. Tàu Cát Linh-Hà Đông không chạy bằng xăng hay dầu mà bằng điện nên góp phần bảo vệ môi trường, đặc biệt phù hợp sử dụng ở những đô thị đông đúc như Hà Nội.

Theo ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), đơn vị quản lý, vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, hiện nay, mỗi ngày có hơn 30.000 lượt hành khách sử dụng tuyến đường sắt này. Trong đó, 47% hành khách là những người đi làm, 45% là người đi học và 8% cho các mục đích khác. "Nếu như thời gian đầu hành khách đi lại trên tuyến chủ yếu là để trải nghiệm thì hiện tại đã trở thành khách hàng thường xuyên. Tỷ lệ bình quân trong ngày hành khách sử dụng vé tháng chiếm 70%, trong giờ cao điểm chiếm hơn 85%. Điều này thực sự đã góp phần giảm thiểu mật độ phương tiện trên các hành lang giao thông trong giờ cao điểm, từng bước giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường", ông Vũ Hồng Trường chia sẻ.

leftcenterrightdel

Hành khách đi tàu điện trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. Ảnh: KIỀU ANH

Trong giai đoạn đầu, người dân chủ yếu sử dụng phương tiện cá nhân để tiếp cận các nhà ga của tuyến, nhưng hiện nay, người dân đã chấp nhận đi bộ đến các nhà ga, thậm chí có người đi hơn 2km. Bên cạnh đó, có thể sử dụng xe buýt cũng như các phương tiện công cộng khác để tiếp cận nhà ga. Theo khảo sát của Hanoi Metro, hơn 60% hành khách có xe máy và 18% có ô tô nhưng vẫn sử dụng đường sắt đô thị để đi lại. Phương tiện vận tải công cộng nói chung, đặc biệt với đường sắt đô thị được đánh giá là thân thiện và an toàn. Việc thay đổi thói quen từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông, nhất là tại các thành phố, nơi sử dụng xe máy là phương tiện đi lại chủ yếu.

Việc sử dụng đường sắt đô thị thường xuyên cũng góp phần hình thành văn hóa giao thông. Trong giai đoạn đầu khi tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông mới đưa vào hoạt động, vẫn còn những hành vi chưa đẹp trên các nhà ga và trên tàu như: Vứt rác bừa bãi, nói chuyện ồn ào, không nhường ghế cho người già, phụ nữ, trẻ em... Đến nay, nhiều hình ảnh đẹp đã được ghi nhận khi hành khách tự giác chấp hành nội quy đi tàu, thái độ thân thiện, niềm nở của nhân viên quản lý, vận hành ở nhà ga. Từ tuyến đường sắt đô thị đầu tiên, hệ thống đường sắt đô thị của Hà Nội sẽ còn mở rộng thêm nữa. Cùng với đó, văn hóa tham gia giao thông cũng từng bước lan tỏa sang các phương tiện công cộng khác.

MẠNH HƯNG