Trên phố Hoàng Văn Thái thuộc địa bàn phường Khương Trung, quận Thanh Xuân (Hà Nội) từ lâu đã tồn tại một điểm tập kết rác ở đầu ngõ 71. Nơi đây có khá nhiều xe thu gom, vận chuyển rác thải trong tình trạng không che phủ bạt và bốc mùi hôi thối. Vào giờ cao điểm, việc tập trung nhiều xe rác đã gây cản trở giao thông, khiến các phương tiện ùn tắc kéo dài tại vị trí ngã ba đường. Bà Nguyễn Thị Hồng (người dân sống trên địa bàn phường Khương Trung) phản ánh: “Ngày nào xe rác cũng tập kết rất nhiều ở đây; rác thải chất thành đống, bốc mùi hôi thối; nhiều xe bị rò rỉ nước bẩn, rác rơi xuống đường. Xung quanh khu vực này là các quán ăn, chợ. Bên cạnh việc lo ngại về vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm thì xe thu gom rác tập kết từ lòng đường đến vỉa hè cũng là nguy cơ gây mất an toàn cho người tham gia giao thông”.

Điểm tập kết rác ở phố Hoàng Văn Thái (Hà Nội) gây ảnh hưởng đến khả năng lưu thông của phương tiện. 

Sinh sống trong khu vực ngõ 71, phố Hoàng Văn Thái, anh Nguyễn Anh Vũ cho biết, dù nhân viên vệ sinh môi trường tiến hành thu dọn sạch sẽ thì chỉ ngày hôm sau rác thải lại xuất hiện tràn lan. Tình trạng này gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, là điều kiện để mầm bệnh sinh sôi, phát tán. Người dân ở khu vực này rất mong chính quyền địa phương có biện pháp xử lý triệt để, mang lại môi trường trong sạch và bảo đảm an toàn giao thông.

UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 242/UBND-ĐT về rà soát quy hoạch xử lý chất thải rắn của Thủ đô; công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, việc duy trì vệ sinh môi trường và đôn đốc các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Liên quan đến công tác vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, công văn yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã trên cơ sở hồ sơ các gói thầu duy trì vệ sinh môi trường, hướng dẫn của các sở, ngành chuyên môn và tình hình thực tế của địa phương, phải chịu trách nhiệm tăng cường vai trò quản lý, giám sát.

Cụ thể, UBND TP Hà Nội yêu cầu các địa phương rà soát, xây dựng phương án thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phù hợp; bố trí các thùng thu, chứa rác, điểm tập kết hợp lý, hạn chế ảnh hưởng đến giao thông, nghiên cứu bố trí quỹ đất thực hiện đầu tư các trạm trung chuyển, chuyển tải phù hợp với phương thức thu gom theo hướng tăng cường cơ giới hóa; kiểm tra, xử lý nghiêm theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm (đổ trộm, trộn lẫn chất thải...) gây mất vệ sinh môi trường. Bảo đảm chỉ tiêu thu gom 100% chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị vệ sinh môi trường; đồng thời xem xét giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc liên quan đến gói thầu duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn, bảo đảm đủ kinh phí triển khai thực hiện theo quy định.

Bài và ảnh: HỒNG ANH