Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra các vụ va chạm, tai nạn trên tuyến đường sắt quốc gia vẫn hiện hữu khi còn hàng nghìn lối đi tự mở giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.
Theo Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), tình hình TNGT đường sắt trong 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục giảm sâu (từ 4 đến 16%) ở cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người chết, số người bị thương. Cụ thể, trong nửa đầu năm 2022, trên cả nước xảy ra 80 vụ TNGT đường sắt; làm chết 36 người, bị thương 45 người. Đáng chú ý, 42,5% số vụ TNGT đường sắt xảy ra tại các lối đi tự mở. Trên các tuyến đường sắt quốc gia hiện vẫn còn gần 3.670 vị trí lối đi tự mở, chiếm 71% tổng số điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt.
 |
Lối đi tự mở giao cắt với đường sắt trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Ảnh: KỲ NAM |
Ngành đường sắt và các địa phương đã có nhiều nỗ lực để bảo đảm ATGT tại các điểm giao cắt, trong đó, năm 2022 đã xóa bỏ gần 140 vị trí lối đi tự mở nguy hiểm. Với các lối đi tự mở hiện có, đã và đang thực hiện cắm biển “Chú ý tàu hỏa”; hạn chế phương tiện cơ giới, thu hẹp lối đi, cảnh giới, xây dựng gồ, gờ giảm tốc... Đồng thời, không để phát sinh lối đi tự mở trên các tuyến đường sắt. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm hành lang an toàn đường sắt đang có diễn biến phức tạp, chủ yếu là do người dân xây dựng nhà ở, công trình, đường liên thôn, xóm... ảnh hưởng đến vận hành của đoàn tàu. Đáng chú ý, vi phạm hành lang an toàn tập trung phổ biến tại các khu vực đông dân cư, khu vực đô thị tại những địa phương có đường sắt đi qua như: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Đồng Nai, Bình Thuận, Quảng Trị...
Để nâng cao hơn nữa công tác bảo đảm ATGT đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban ATGT Quốc gia ưu tiên kinh phí đầu tư cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và xây dựng hàng rào, đường gom để xóa bỏ lối đi tự mở trên địa bàn đông dân cư thuộc khu vực có tốc độ, mật độ chạy tàu cao, các vị trí tiềm ẩn nguy hiểm. Các địa phương cần lập phương án, kế hoạch tổng thể để xóa bỏ các vị trí lối đi tự mở qua đường sắt hiện có trên địa bàn, tập trung xây dựng đường gom-hàng rào, đường ngang, hầm chui theo quy định của Luật Đường sắt và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Bên cạnh đó, cần giải tỏa các công trình vi phạm hành lang an toàn đường sắt. Cơ quan chức năng cũng cần rà soát, bổ sung đầy đủ biển báo hiệu, vạch dừng, gờ, gồ giảm tốc còn thiếu tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Đẩy nhanh việc kết nối tín hiệu đường bộ, đường sắt tại các đường ngang giao cắt quốc lộ. Việc tiến tới xóa bỏ lối đi tự mở, các điểm giao cắt trên đường sắt sẽ là giải pháp căn cơ để bảo đảm tốt hơn ATGT, tạo điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.
MẠNH HƯNG