Các đối tượng phạm tội hết sức liều lĩnh, manh động, nhất là tội phạm ma túy thường sử dụng "vũ khí nóng" chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ.
Để giải quyết tình trạng này, cơ quan chức năng cần ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí; cơ quan công an triển khai rà soát, vận động, thu hồi vũ khí trong dân. Tuy nhiên, tại các tỉnh miền núi phía Bắc, số lượng lớn súng săn, súng tự chế của đồng bào dân tộc thiểu số không đủ điều kiện, tiêu chuẩn về an toàn, song do phong tục tập quán nên người dân sử dụng mà chưa có chế tài thu hồi. Bên cạnh đó, công tác quản lý nghiệp vụ về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ còn nhiều bất cập, như: Công tác đăng ký, quản lý chưa được chú trọng đúng mức, hiệu quả thấp, còn nặng về hành chính đơn thuần.
 |
Cán bộ Đồn Biên phòng Na Cô Sa (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) tiếp nhận vũ khí, vật nổ do người dân giao nộp (tháng 12-2020). Ảnh: TÚ ANH |
Để khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng vũ khí, một trong những giải pháp rất quan trọng đó là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân. Đây là một trong các hoạt động nghiệp vụ quan trọng trong phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, lực lượng cảnh sát quản lý hành chính (QLHC) về trật tự xã hội (TTXH) đã tiến hành hơn 3,8 triệu lượt tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân giao nộp vũ khí trên loa truyền thanh, tổ chức các cuộc họp tổ dân phố, các đội sản xuất; tuyên truyền, vận động tại các cơ quan, đơn vị, trường học và tại các địa bàn công cộng.
Trong quá trình tổ chức tuyên truyền, lực lượng cảnh sát QLHC về TTXH đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân nắm vững các văn bản pháp luật quy định về quản lý vũ khí, như: Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017; Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Nghị định số 71/2018/NĐ-CP ngày 15-5-2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ.
Đến nay, lực lượng cảnh sát QLHC về TTXH đã triển khai nhiều biện pháp hiệu quả trong tuyên truyền, tổ chức, vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí nói chung và nâng cao tinh thần trách nhiệm của nhân dân trong việc giao nộp vũ khí nói riêng. Các tổ công tác đã hướng dẫn cho nhân dân cách phát hiện vi phạm trong việc tàng trữ, vận chuyển, mua bán vũ khí; cung cấp thông tin về những trường hợp nghi vấn, đối tượng không được trang bị sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích các loại vũ khí; kịp thời phát hiện các loại vũ khí đang tồn tại, tàng trữ, sử dụng trái phép giao nộp cho cơ quan chức năng...
Đặc biệt, lực lượng cảnh sát QLHC về TTXH đã chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào vận động quần chúng giao nộp vũ khí. Điển hình là lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã tham mưu cho Ban giám đốc Công an tỉnh xây dựng mô hình “Xã an toàn về an ninh trật tự”, “Cụm liên kết bảo đảm an ninh trật tự”. Nhờ triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân giao nộp vũ khí, từ năm 2010 đến nay, công an các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận hơn 15.290 khẩu súng các loại; 112.472 viên đạn các loại và 17.734 vũ khí thô sơ các loại.
Thời gian tới, lực lượng cảnh sát QLHC về TTXH sẽ bám sát địa bàn, xây dựng, củng cố các lực lượng quần chúng nòng cốt bảo vệ an ninh trật tự. Đây là nội dung quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc vận động quần chúng nhân dân, bởi họ là cầu nối giữa lực lượng công an với nhân dân, là người đi đầu, trực tiếp tổ chức, hướng dẫn quần chúng nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chính vì thế, lực lượng cảnh sát QLHC về TTXH cần xác định việc lựa chọn, tổ chức, xây dựng, bồi dưỡng, hướng dẫn lực lượng nòng cốt hoạt động có hiệu quả để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân giao nộp vũ khí.
Đồng thời, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, bảo đảm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, từng địa bàn, từng lĩnh vực cụ thể. Trong đó, cần chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục để quần chúng nhân dân thấy rõ hệ lụy của vấn nạn tội phạm sử dụng vũ khí gây án, từ đó giúp nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa tội phạm.
Cùng với đó, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các lực lượng trong tổ chức triển khai thực hiện. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng cảnh sát QLHC về TTXH với các lực lượng khác trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân giao nộp vũ khí, cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng.
Lực lượng cảnh sát QLHC về TTXH cần phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, như: Chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc, các đơn vị vũ trang, đoàn thanh niên, ngành văn hóa thông tin... trong tuyên truyền pháp luật, quy định của Nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ cho nhân dân từng khu vực dân cư, từng phường, xã. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như đài phát thanh, truyền hình, các chuyên đề pháp luật; tuyên truyền bằng hình thức trực quan sinh động như băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích để nhân dân hiểu và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ.
CHU MINH DÂN, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I