Trung tá Siêng Lăng Sử, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đăk Blô cho biết: Đơn vị trực tiếp quản lý đoạn biên giới dài 20km bao gồm đất liền và sông, suối; tiếp giáp với khu vực cụm Đăk Ba, huyện Đăk Chưng, tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào. Trên địa bàn xã có 4 thôn, làng, 7 dân tộc chung sống, có 373 hộ, 1.375 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là người Giẻ Triêng. Những năm qua, ngoài nhiệm vụ bảo vệ biên giới, đồn tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã xây dựng, củng cố hệ thống chính trị; tuần tra bảo vệ biên giới, vận động đồng bào các dân tộc tự nguyện giao nộp các loại vũ khí tự chế, vật liệu nổ… góp phần giữ gìn an ninh, trật tự địa bàn.
Vũ khí, vật liệu nổ được người dân địa phương tự nguyện giao nộp cho Đồn Biên phòng Đăk Blô.
Đến giao nộp khẩu súng kíp tự chế cho Đồn Biên phòng Đăk Blô, anh A Dựa (56 tuổi, dân tộc Giẻ Triêng) cho biết: "Khẩu súng này do bố mình làm để bắn con thú rừng, vừa bảo vệ mùa màng, vừa kiếm thịt ăn. Thế nhưng khi nghe BĐBP tuyên truyền, vận động, mình hiểu được sử dụng súng tự chế là vi phạm pháp luật, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người khác, nên mình tự nguyện giao lại cho bộ đội. Làng mình cũng có rất nhiều người sử dụng súng tự chế nhưng giờ giao nộp hết rồi!".
Vùng biên giới Đăk Blô trước đây là căn cứ kháng chiến nên còn sót lại một số vũ khí, vật liệu nổ từ những năm chiến tranh. Bà con dân tộc thiểu số có thói quen dùng các loại súng tự chế để săn bắn nên thường thu nhặt vũ khí, vật liệu nổ và mang về cất giữ để sử dụng. Nhiều vụ việc đau lòng xảy ra từ những loại vũ khí này. Trước tình hình đó, Đồn Biên phòng Đăk Blô đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành các văn bản hướng dẫn việc giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đồng thời phát động phong trào toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ. Đồn còn vận động 10 hộ dân tham gia 4 tổ tự quản an ninh biên giới, phối hợp với các bộ phận nghiệp vụ tổ chức nắm, rà soát, phân loại đối tượng sử dụng súng tự chế và vật liệu nổ. Sau khi xác định rõ các đối tượng, đơn vị lập danh sách, cử cán bộ đến tận gia đình tuyên truyền, thuyết phục, vận động người dân giao nộp vũ khí. Từ đầu năm 2017 đến nay, người dân trên địa bàn tự nguyện giao nộp 35 khẩu súng tự chế các loại mà trước đó họ đã cất giấu, sử dụng trái phép. Những kết quả trên góp phần đưa Đồn Biên phòng Đăk Blô trở thành một trong những đơn vị điển hình của BĐBP tỉnh Kon Tum về việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện phong trào vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ.
Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI