Vào giờ cao điểm buổi sáng, theo hướng từ ngã tư đường Trường Chinh-Giải Phóng đi về phía Ngã Tư Sở, phần đường dưới thấp ken đặc dòng xe cộ nên nhiều xe máy bất chấp nguy hiểm để đi lên đường trên cao. Khi bị lực lượng chức năng xử phạt, người dân biện minh bằng nhiều lý do. Anh Tường Duy Anh (quận Long Biên, TP Hà Nội) phân trần, đường từ nhà đến cơ quan xa, ùn tắc kéo dài, vội đi làm, sợ muộn nên đành đi lên đường trên cao.
Trung tá Từ Ngọc Minh, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 4 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội) cho biết, lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn khi làm nhiệm vụ, không ít trường hợp xe máy khi bị phát hiện đi vào đường cấm sẵn sàng quay đầu, lao thẳng vào tổ công tác và người cùng tham gia giao thông. Khi làm nhiệm vụ phải đặt mục tiêu an toàn cho người dân lên trên hết nên lực lượng chức năng phải cảnh báo và ra hiệu lệnh từ xa. Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra, xử lý, tổ công tác đã yêu cầu người vi phạm xuất trình giấy phép lái xe, đăng ký phương tiện qua ứng dụng VNeID.
|
|
Xe máy đi ngược chiều để lên đường Vành đai 2 trên cao (Hà Nội). |
Một tuyến đường khác cũng thường xuyên bắt gặp người đi xe máy vi phạm quy định về an toàn giao thông, đó là Đại lộ Thăng Long. Được phân chia các làn đường riêng biệt cho ô tô, xe máy, nhưng nhiều người điều khiển xe máy vẫn vô tư đi vào khu vực cấm. Tuyến đường này cho phép phương tiện lưu thông với tốc độ cao, do vậy, việc xe máy đi vào đường cấm tiềm ẩn rất lớn nguy cơ xảy ra va chạm, tai nạn giao thông. Khi nhìn thấy lực lượng chức năng, có trường hợp xe máy còn đánh võng, lạng lách để né chốt.
Nhằm tăng cường công tác tuần tra, xử lý vi phạm, bảo đảm an toàn giao thông, tổ công tác của Phòng Cảnh sát giao thông đã lập chốt tại điểm cuối Đại lộ Thăng Long, đặt hàng cọc tiêu và biển thông báo chốt kiểm tra từ xa. Đồng thời, Công an TP Hà Nội chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông phối hợp với các phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện, thị xã triển khai nhiều biện pháp, đặc biệt là tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến người dân. Để chấm dứt tình trạng vi phạm an toàn giao thông, vấn đề nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân vẫn là gốc rễ. Do đó, cần có nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho người tham gia giao thông.
Bài và ảnh: PHẠM HƯNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.