Theo Cục Hàng không Việt Nam, năm 2024, hoạt động vận tải hàng không dân dụng Việt Nam đã có sự phục hồi tích cực, đặc biệt là hoạt động vận tải hành khách quốc tế cũng như sản lượng vận chuyển hàng hoá. Hoạt động hàng không về cơ bản bảo đảm an toàn, đặc biệt trong các dịp cao điểm lễ, Tết và cao điểm mùa hè, các chỉ số an toàn được cải thiện và duy trì tốt. Nổi bật là đợt cao điểm Tết Nguyên đán 2025, ngành hàng không đã điều hành an toàn 25.328 chuyến bay với tổng sản lượng đạt hơn 2,5 triệu hành khách (tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2024). Năm 2024, Đoàn Thanh sát an toàn hàng không toàn cầu (USOAP) của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã thực hiện đánh giá tổng thể năng lực bảo đảm an toàn của ngành hàng không Việt Nam và ghi nhận điểm trung bình chỉ số thực hiện hiệu quả (EI) trong công tác này đạt 78,14%, tăng 12,58% so với kết quả đánh giá năm 2016 (65,56%). 

Kiểm tra an ninh hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: PHAN CÔNG 

Dự báo năm 2025, thị trường hàng không dân dụng Việt Nam tiếp tục phục hồi và phát triển, tuy nhiên, ngành hàng không vẫn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu máy bay khai thác. Nguyên nhân do ảnh hưởng bởi lệnh triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt & Whitney khiến đội máy bay A321NEO phải dừng bay, nguồn cung ứng thiết bị máy bay vẫn khó khăn và chậm trễ, giá nhiên liệu tăng cao. Đặc biệt, vấn đề uy hiếp an toàn hàng không có nguyên nhân từ yếu tố con người như: Không tuân thủ quy trình bảo dưỡng, quy trình khai thác tiêu chuẩn; phương thức điều hành bay... đã được Hội đồng Kiểm soát rủi ro an toàn hàng không (ASRMC) chỉ ra. Hội đồng ASRMC cũng yêu cầu triển khai các nội dung nhằm giảm thiểu lỗi do yếu tố con người trong năm 2025.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Uông Việt Dũng nhấn mạnh, để bảo đảm an toàn tuyệt đối trong hoạt động hàng không dân dụng, tuân thủ nguyên tắc không đánh đổi an toàn bằng bất cứ lý do gì, các hãng hàng không, các tổ chức bảo dưỡng, huấn luyện, khai thác cảng hàng không, điều hành bay, cung cấp dịch vụ hàng không cần nghiêm túc thực hiện các giải pháp, khuyến cáo, hướng dẫn, triệt để loại bỏ tư tưởng chủ quan, lơ là, tự mãn trong công tác bảo đảm an toàn hàng không. Bên cạnh đó, chủ động rà soát cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị nhằm kịp thời cập nhật, tuân thủ theo yêu cầu của quy chế, quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Rà soát, cập nhật, bổ sung chính sách, tiêu chuẩn, kinh nghiệm của nhân viên hàng không trong từng vị trí... Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nội bộ, nhận diện và đánh giá rủi ro nhằm kịp thời phát hiện tồn tại, hạn chế trong hệ thống, các yếu tố ảnh hưởng đến an toàn để chủ động khắc phục kịp thời, hiệu quả. 

MẠNH HƯNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.