Đây thực sự là diễn đàn sinh hoạt chính trị có ý nghĩa thiết thực theo tinh thần Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 của Quân ủy Trung ương về “Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới”.

leftcenterrightdel
 Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân phát biểu đề dẫn tại tọa đàm. Ảnh: TUẤN HUY

Dự tọa đàm có các đồng chí: Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ; PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; Trung tướng Phùng Khắc Đăng, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; PGS, TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương); GS, TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương; Đại tá, GS, TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Bá Dương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự Bộ Quốc phòng; nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; TS văn học Nguyễn Thị Hậu, giảng viên cao cấp, cán bộ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam... Cùng dự có đại diện Vụ Báo chí-Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; các cơ quan chức năng Tổng cục Chính trị.

Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo QĐND chủ trì tọa đàm.

Một sinh hoạt chính trị thiết thực, ý nghĩa

Sáng tháng ba, không khí Hà Nội có phần dịu mát bởi những cơn gió nhẹ ùa về trên phòng họp của Tòa soạn Báo QĐND ở số 7, phố Phan Đình Phùng. Ngay từ sáng sớm, chúng tôi đã bắt gặp những gương mặt thân quen của các đồng chí cán bộ lão thành, các nhà khoa học có uy tín của đất nước và quân đội về dự cuộc tọa đàm. Trong cuộc đời của mình, đã rất nhiều lần GS, TS Hoàng Chí Bảo được nói chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh, thế nhưng đến với tọa đàm lần này, dù bận nhiều chương trình, hoạt động khác, nhưng ông vẫn dành thời gian dự trực tiếp để được sẻ chia những lời tâm huyết, mà đúng như ông từng nói: “Học tập Bác bao nhiêu cũng không đủ”.

Không khí mở đầu tọa đàm diễn ra sâu lắng, bởi sự hiện diện của một vị khách đặc biệt, đó là đồng chí Vũ Khoan. Vì tuổi cao, sức khỏe không cho phép nhưng ở một điểm cầu trực tuyến, ông vẫn tham gia tọa đàm và đóng góp những lời tâm huyết, trách nhiệm, gửi gắm tình yêu và niềm tin cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam.

Xúc động và bày tỏ lòng trân trọng, biết ơn các đại biểu đã quan tâm, tham gia tọa đàm dưới nhiều hình thức, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ nhấn mạnh: “Đây không chỉ là tình cảm các đại biểu dành cho Báo QĐND, mà cao hơn là tâm huyết, trách nhiệm đối với quân đội, với Đảng, Nhà nước ta. Đó chính là sự đảm bảo cho cuộc tọa đàm thêm thành công, chất lượng, thiết thực”.

Cùng với đó, các đại biểu đều đánh giá rất cao ý nghĩa của cuộc tọa đàm, xem đây như sự kiện sinh hoạt chính trị của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các nhà báo trong và ngoài quân đội. Là người có nhiều năm nghiên cứu về quân đội, gắn bó với hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ qua những năm tháng quân ngũ, PGS, TS Đào Duy Quát chia sẻ với phóng viên trước thềm tọa đàm: "Cùng với kế thừa, phát huy những giá trị Bộ đội Cụ Hồ được khẳng định theo thời gian, thì chúng ta còn phải có trách nhiệm tô thắm phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ. Đó là trách nhiệm của không chỉ riêng ai!".

Với tinh thần đó, các đại biểu ghi nhận, với sự chủ động, sáng tạo, ngay sau khi có Nghị quyết 847, Báo QĐND đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức Chuyên mục “Tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ”; tổ chức nhiều chuyên trang, tuyến bài tuyên truyền sâu đậm về các chủ trương, nội dung cơ bản, cốt lõi; góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về nghị quyết quan trọng này. Đây là tiền đề để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu ngoài quân đội biết về Nghị quyết 847; thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều đại biểu, mà minh chứng sinh động là chỉ trong một thời gian ngắn, tọa đàm đã đón nhận gần 40 tham luận của các đại biểu, bạn đọc gửi về Ban tổ chức.

Bộ đội Cụ Hồ - danh hiệu cao quý

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ nhấn mạnh: Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là rất thiêng liêng, cao quý, là giá trị văn hóa Việt Nam. Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là niềm tự hào của Quân đội ta, nhân dân ta. Ẩn chứa trong danh hiệu đó là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Quân đội ta do Đảng, Bác Hồ sáng lập, rèn luyện; chiến đấu, hy sinh để lập ra Nhà nước ta. Nhân dân đã lấy tên Cụ Hồ để gắn cho đội quân cách mạng-Bộ đội Cụ Hồ. Do đó, Bộ đội Cụ Hồ vừa là phần thưởng, vừa là niềm tin, là mong ước, gửi gắm của nhân dân đối với quân đội. Đây cũng là nhiệm vụ rất cao cả, thiêng liêng mà nhân dân giao cho quân đội.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước mở cửa, hội nhập sâu rộng đã xuất hiện những mặt trái và hệ lụy tiêu cực-là điều kiện để chủ nghĩa cá nhân bùng phát. Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ cho rằng, những vụ việc tiêu cực của một số sĩ quan quân đội cấp cao thời gian qua là những “con sâu làm rầu nồi canh”; có nguyên nhân chủ quan là bởi lòng tham, thiếu tu dưỡng rèn luyện, buông lỏng quản lý, bất chấp nguyên tắc tổ chức, nguyên tắc lãnh đạo trong sinh hoạt Đảng... Bởi thế, “Nghị quyết 847 đã đặt vấn đề rất rộng, sâu, chiến lược, mang tính định hướng để quân đội tiếp tục vững mạnh về chính trị một cách cơ bản và lâu dài; đồng thời cũng có ý nghĩa điều chỉnh những vấn đề cấp bách xảy ra trong thời gian vừa qua. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, để tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thì cần nhiều giải pháp mạnh mẽ, thực chất, trong đó một điều chắc chắn là phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân”-Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu dự buổi tọa đàm "Tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ". Ảnh: TUẤN HUY

Ủng hộ quan điểm đó, đồng chí Vũ Khoan làm sâu sắc thêm: “Trên thế giới, không có một dân tộc nào giống dân tộc ta, trong 77 năm qua, kể từ ngày giành lại độc lập đã phải tiến hành tới 3 cuộc chiến tranh vệ quốc với mục tiêu cao quý là giành độc lập cho Tổ quốc, thống nhất cho giang sơn, hạnh phúc cho dân tộc. “Làm thế nào mà một dân tộc nghèo nàn, lạc hậu lại có thể đánh thắng các thế lực ngoại xâm có tiềm lực vật chất hùng hậu gấp bội như vậy? Đó là vì dân tộc ta có quân đội anh hùng!"-đồng chí Vũ Khoan khẳng định.

GS, TS Hoàng Chí Bảo tiếp nối nhận định đó bằng nhiều minh chứng thực tiễn sinh động. Ông cho rằng, tình cảm của Bác với quân đội và tình cảm của quân đội với Bác là một mẫu mực hiếm thấy về mối quan hệ giữa lãnh tụ với cán bộ, chiến sĩ quân đội cách mạng, chỉ thấy ở Bác Hồ, ở danh xưng cao quý mà nhân dân dành cho Bộ đội Cụ Hồ. Đó là điều thiêng liêng và duy nhất có.

Trung tướng Phùng Khắc Đăng cũng nhấn mạnh, việc giữ gìn và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội kế tục xứng đáng và phát triển qua các thời kỳ cách mạng. Hiện nay, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thể hiện ở những tấm gương hy sinh tính mạng cứu dân trong bão lũ, dịch bệnh, hỏa hoạn; hay thực hiện nhiệm vụ quốc tế, tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở những nơi xa Tổ quốc, điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn...

Tại tọa đàm, TS Ngữ văn Nguyễn Thị Hậu, cán bộ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có những chia sẻ rất xúc động về hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ. Bản thân được sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương của những người thân là Bộ đội Cụ Hồ nên từ tuổi ấu thơ, chị luôn tự hào và cảm phục cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam. TS Nguyễn Thị Hậu trải lòng: “Có thể nói, trong bất kỳ giai đoạn nào thì người lính vẫn là nòng cốt, giữ một trọng trách to lớn, cao cả trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dù là trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ hay khi hòa bình, Bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn là niềm tin yêu và hy vọng của toàn dân tộc, là đứa con thân yêu của Tổ quốc Việt Nam”.

Làm đẹp thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ

Tại tọa đàm, các đại biểu thống nhất cho rằng, để tiếp tục phát huy truyền thống quân đội anh hùng, tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong hoàn cảnh mới, đòi hỏi toàn quân phải chấp hành nghiêm mệnh lệnh và kỷ luật của quân đội, thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương, Quân ủy Trung ương, trong đó có Nghị quyết 847.

Khẳng định về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết 847, Trung tướng Phùng Khắc Đăng đánh giá cao tính kịp thời của những nội dung nghị quyết đề cập, sát với thực tiễn tình hình mới, nhất là trong bối cảnh mặt trái kinh tế thị trường có sự tác động đối với LLVT nói chung, QĐND Việt Nam nói riêng. Theo Trung tướng Phùng Khắc Đăng, nghị quyết đã thể hiện tính lý luận, tính khoa học, tính thực tiễn, những yêu cầu cấp thiết và giải pháp cơ bản nhằm củng cố sức mạnh cho quân đội phát triển lâu dài. Đồng thời, nghị quyết cũng đề cập rất rõ những đặc trưng cơ bản của Bộ đội Cụ Hồ, có bổ sung nhiều ý mới, làm phong phú, đầy đủ hơn nội hàm và đặc trưng Bộ đội Cụ Hồ.

Trong tình hình mới, nhiệm vụ xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc đặt ra những yêu cầu ngày càng cao. Để tiếp tục giữ vững, phát huy phẩm chất cao đẹp, danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ, các ý kiến thống nhất cho rằng: Cần tăng cường công tác lãnh đạo tư tưởng, giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng để không ngừng nêu cao trách nhiệm, quyết tâm phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Trong đó, cần giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, tạo dựng niềm tin vào Đảng, vào chế độ, gắn chặt với việc giáo dục, rèn luyện kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước cho cán bộ, chiến sĩ trong LLVT nói chung, quân đội nói riêng. Trong số gần 40 tham luận gửi về Ban tổ chức có đến 26 tham luận đề cập đến vấn đề phải thực hành kỷ luật tự giác nghiêm minh; giáo dục chính trị gắn với giáo dục kỷ luật và pháp luật.

Tiếp cận ở góc độ khác, GS, TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh quan điểm “phải tiến tới”. Để tiến tới cần phải học tập và rèn luyện suốt đời, học văn hóa và kỹ thuật quân sự, học chính trị để trau dồi lập trường tư tưởng vững vàng, học trong thực tiễn cuộc sống, rút kinh nghiệm trong chiến dịch, chiến trường, không chủ quan khinh địch. Công việc này không chỉ tự nguyện, tự giác mà còn phải có nghị lực, nêu cao trách nhiệm, nhất là ở người chỉ huy. GS, TS Hoàng Chí Bảo cũng nhắc đến việc phải làm sao để cán bộ, chiến sĩ toàn quân phải gắn bó mật thiết, máu thịt với nhân dân, nghĩa là phải làm tốt công tác dân vận. Quân với dân phải như cá với nước, nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội, Quân đội ta là QĐND, do dân mà ra, vì dân mà chiến đấu, yêu nước, yêu dân. Cán bộ, chiến sĩ toàn quân, từ tướng lĩnh đến các binh sĩ phải luôn gần dân, sát dân, bám dân, giúp đỡ dân và hy sinh để bảo vệ dân. Phải thực sự gương mẫu về dân vận, sao cho đi dân nhớ, ở dân thương, dân tin, dân phục, dân yêu.

Dù tiếp cận ở nhiều góc độ, lăng kính khác nhau, nhưng các đại biểu đều cho rằng: Trong điều kiện hiện nay, cán bộ, chiến sĩ toàn quân vừa có nhiều thời cơ thuận lợi, cũng vừa phải đối mặt với những khó khăn, thách thức và nguy cơ phải nỗ lực vượt qua. Đảng, Nhà nước, Quân đội ta đang nêu cao quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, trong đó hệ thống tổ chức đảng trong quân đội có vai trò đặc biệt quan trọng, phải thật sự trong sạch vững mạnh, chống được mọi biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Sâu xa hơn là ra sức nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, đủ sáng suốt, tỉnh táo và bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ của tiền bạc, danh, lợi, để giữ trọn lòng trung thành với Đảng, Tổ quốc, nhân dân.

Nhắc đến nhiều khó khăn trong phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ hiện nay, đồng chí Hồ Quang Lợi nhấn mạnh chủ nghĩa cá nhân ngày càng tinh vi, một số vụ việc nghiêm trọng xảy ra trong quân đội đã làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và hình ảnh tốt đẹp của quân đội. Đồng chí đề xuất 6 nhóm giải pháp quan trọng và khẳng định: Trong bối cảnh hiện nay, cần mở một đợt sinh hoạt chính trị trong toàn quân; gắn việc học tập Nghị quyết 847 với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhằm tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân. Đồng chí cũng nhấn mạnh đến việc xây dựng môi trường văn hóa quân sự bằng các chương trình sinh động, phong phú; đề nghị nâng cao hơn nữa chất lượng của các cơ quan văn hóa, báo chí, truyền thông, thể thao quân đội...

Với cách tiếp cận trực diện, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, khi ta nói tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ có nghĩa là làm đẹp hơn hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Và để làm được điều đó, cần tập trung cho nhiệm vụ “xây”; đồng thời coi trọng nhiệm vụ “chống” những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong quân đội, kiên quyết đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân. Muốn vậy, cần phát huy tính gương mẫu, nêu gương, đẩy lùi và chiến thắng mảng tối, mảng tiêu cực để quân đội thực sự vững mạnh, tiến tới chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; bảo vệ vững chắc thành quả của cách mạng, của công cuộc đổi mới, xây dựng thành công CNXH và bảo vệ Tổ quốc. Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Bá Dương nhấn mạnh quan điểm phải đẩy lùi cho bằng được chủ nghĩa cá nhân bằng sức mạnh tập thể. Chủ nghĩa cá nhân là “giặc nội xâm” vô cùng nguy hiểm, một loại “virus” gây hại cho sự nghiệp cách mạng. Bác Hồ dạy rằng, chừng nào còn tồn tại chủ nghĩa cá nhân thì chừng ấy nó còn “ngăn trở”, “kìm hãm” người cán bộ, đảng viên phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng cách mạng.

Đại tá, GS, TS Đinh Xuân Dũng đề xuất, phải tổng hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị mới có thể tô thắm được phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ. “Tô thắm” là phải làm sống dậy tình cảm của những con người đang sống, nhất là thế hệ trẻ, giáo dục thế hệ trẻ không được lãng quên quá khứ, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng, giá trị và những đặc trưng cơ bản của văn hóa Bộ đội Cụ Hồ, thấm nhuần sâu sắc giá trị phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới. Trong khi, PGS, TS Đào Duy Quát hiến kế: Để tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, các phóng viên, nhà báo, nhất là Báo QĐND cần đi đầu trong tuyên truyền nội dung Nghị quyết 847 đến với cán bộ, chiến sĩ, bạn đọc trong và ngoài quân đội, giúp cán bộ, chiến sĩ hiểu sâu, nắm chắc tinh thần của nghị quyết quan trọng này.

Tại tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng, cần thực hiện nghiêm túc pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của quân đội, quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị và các nguyên tắc sinh hoạt Đảng: “Tập trung dân chủ”, “Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, “tự phê bình và phê bình”... Đấy chính là cơ sở vững chắc để tạo ra sức mạnh tập thể, kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân.

Phát biểu kết thúc tọa đàm, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ gửi lời cảm ơn chân thành đến các vị khách mời đã dành thời gian quý báu đến dự và chia sẻ những ý kiến tâm huyết; đồng thời khẳng định: Báo QĐND sẽ nghiên cứu, tiếp thu, lan tỏa, phát huy vai trò của báo chí cách mạng trong công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội; bảo đảm cho báo chí quân đội vừa là tấm gương soi chiếu thực tiễn; vừa dẫn dắt, tổ chức hoạt động rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.

Nhóm phóng viên Báo QĐND