Những mốc son lịch sử

Đại thắng mùa xuân 1975 đã kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đưa Việt Nam bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong bối cảnh mới, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc cũng đặt ra những yêu cầu mới cao hơn. “Vấn đề xây dựng Quân đội chính quy và hiện đại, xây dựng LLVT cách mạng hùng mạnh, vấn đề củng cố nền quốc phòng trong điều kiện chiến tranh hiện đại, không phải chỉ là vấn đề quân sự mà còn là vấn đề chính trị”(1). Vì thế, Đảng ta đã chủ trương: “Ra sức xây dựng LLVT cách mạng hùng hậu, có lực lượng thường trực mạnh, lực lượng hậu bị to lớn được huấn luyện tốt; có QĐND chính quy, hiện đại, có lực lượng dân quân tự vệ rộng khắp và vững chắc”(2).

Thực hiện chủ trương của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã cụ thể hóa vào điều kiện thực tiễn, tích cực nghiên cứu, triển khai xây dựng Quân đội nói chung, nhà trường Quân đội nói riêng ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Hướng tới mục tiêu đào tạo toàn diện, chuyên sâu đội ngũ cán bộ các cấp trong Quân đội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định thành lập Trường Sĩ quan Chính trị trực thuộc Bộ Quốc phòng, có nhiệm vụ đào tạo chính trị viên đại đội cho toàn quân (Quyết định số 18/QĐ-QP, ngày 14-1-1976). Hệ thống tổ chức, biên chế của nhà trường bao gồm: Ban giám hiệu, 3 phòng, 2 ban, 4 khoa, 2 tổ giáo viên và 4 tiểu đoàn học viên. Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam đã quyết định giao địa bàn đóng quân của nhà trường là Thành cổ Bắc Ninh, tỉnh Hà Bắc (nay Thành cổ thuộc thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) theo Quyết định số 104/QĐ-TM, ngày 10-5-1976.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, nhà trường đã chủ trương: “Ổn định một bước các tổ chức lãnh đạo, chỉ huy, tổ chức quần chúng, xây dựng các nền nếp sinh hoạt; tăng cường chỉ đạo huấn luyện, nâng cao chất lượng quản lý, dạy, học đối với các lớp đã có; khẩn trương chuẩn bị cho các lớp mới và xúc tiến nghiên cứu phương hướng giáo dục mới”. Từ đầu năm 1977, nhà trường thực hiện phương hướng “Cơ bản, toàn diện, hệ thống, thống nhất” trong giáo dục và đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng dạy học. Năm 1977, Thượng tướng Chu Huy Mân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam nói chuyện với cán bộ, giáo viên, học viên nhà trường đã nhấn mạnh: “Học viên phải phấn đấu tốt nghiệp ở nhà trường; tốt nghiệp trên thao trường và tốt nghiệp ngoài chiến trường”.

Các đại biểu tham quan gian trưng bày sách tại Tọa đàm "Nâng cao chất lượng dạy học thực hành công tác Đảng, công tác chính trị ở các nhà trường Quân đội hiện nay" do Khoa Công tác Đảng, công tác chính trị, Trường Sĩ quan Chính trị và Phòng Khoa học quân sự, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp tổ chức, tháng 3-2023. Ảnh: Minh Huyền 

Ngày 3-10-1978, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 28/QĐ-TW, xác định: “Trường Sĩ quan Chính trị là trường Đảng tập trung giảng dạy theo chương trình lý luận trung cấp của Đảng nằm trong hệ thống đại học Mác-Lênin”. Nội dung, chương trình đào tạo từng bước được chuẩn hóa, đối tượng đào tạo dần được mở rộng. Theo đó, mục tiêu đào tạo của nhà trường được phát triển thành đào tạo cơ bản, toàn diện, chuyên môn hóa, lấy chuyên môn hóa làm đích; kết hợp đào tạo về khoa học Mác-Lênin, khoa học xã hội với đào tạo về quân sự.

Từ đầu năm 1980, nhà trường thực hiện cải cách giáo dục để cụ thể hóa Nghị quyết của Thường vụ Quân ủy Trung ương về thực hiện chế độ thủ trưởng trong toàn quân (Nghị quyết số 172/QUTW, ngày 29-5-1979) theo hướng đổi mới nội dung, chương trình từ đào tạo chính trị viên đại đội sang đào tạo phó đại đội trưởng về chính trị. Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường xác định phải tập trung mọi nỗ lực, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo và cải tiến công tác điều hành huấn luyện. Để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, ngày 16-12-1981, Bộ Quốc phòng đã ra Quyết định số 418/QP đổi tên Trường Sĩ quan Chính trị thành Trường Sĩ quan Chính trị-Quân sự, trực thuộc Bộ Quốc phòng kể từ ngày 1-1-1982.

Hòa chung trong công cuộc đổi mới đất nước, nhà trường triển khai thực hiện đổi mới toàn diện, đồng bộ công tác đào tạo cán bộ chính trị phù hợp với quy luật giáo dục hiện đại, bám sát thực tế, theo phương châm cơ bản, thiết thực, vững chắc. Đáp ứng yêu cầu chung của nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng giai đoạn mới, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 867/QĐ-QP, ngày 8-8-1995 hợp nhất Trường Sĩ quan Chính trị-Quân sự với Học viện Chính trị Quân sự. Thực hiện Nghị quyết số 51/NQ-TW, ngày 20-7-2005 của Bộ Chính trị khóa IX, Nghị quyết số 513/NQ-ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương, ngày 17-11-2005, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Học viện, Cơ sở II (Trường Sĩ quan Chính trị sau khi hợp nhất vào Học viện Chính trị-Quân sự) đã đẩy mạnh đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội phù hợp với từng đối tượng và loại hình cụ thể.

Hướng tới mục tiêu bảo đảm nguồn lực cán bộ chính trị, góp phần tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định số 69/2008/QĐ-BQP, ngày 22-5-2008 về việc thành lập Trường Sĩ quan Chính trị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Theo đó, chức năng, nhiệm vụ, đối tượng, quy mô, loại hình đào tạo của nhà trường được mở rộng. Ngày 2-7-2009, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 2080/QĐ-BQP công nhận ngày 14-1-1976 là Ngày truyền thống của Trường Sĩ quan Chính trị. Ngày 23-12-2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2344/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Chính trị. Đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tháng 3-2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định cho phép nhà trường đào tạo trình độ thạc sĩ, nâng cao vị thế, uy tín của nhà trường trong khối các học viện, trường đại học của Quân đội và quốc gia. Từ đây, quy mô, trình độ, đối tượng đào tạo của nhà trường càng được mở rộng; chất lượng giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng nhà trường chính quy, tiên tiến, mẫu mực không ngừng nâng cao, đáp ứng hiệu quả yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực cán bộ chính trị cấp phân đội chất lượng cao cho toàn quân.

Thành quả nổi bật, danh hiệu cao quý

Ra đời, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Trường Sĩ quan Chính trị đã lập nhiều thành tích tiêu biểu trên các mặt công tác. Nổi bật trong đó là những chiến công xuất sắc trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc (tháng 2-1979) của đoàn cán bộ, học viên thực tập đã trở thành mốc son và góp phần tạo dựng truyền thống vẻ vang của nhà trường. Chỉ tròn 4 năm sau ngày thành lập (14-1-1976 / 14-1-1980), Trường Sĩ quan Chính trị đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất; 3 tập thể được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất; 72 cá nhân được tặng Huân chương Quân công và Chiến công; Trung úy Phan Đình Linh được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và Huân chương Quân công hạng Nhì.

Những thành quả nổi bật của nhà trường trong cải cách giáo dục, nghiên cứu khoa học và các mặt công tác khác là cơ sở để nhà trường vinh dự được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và thực hiện tốt các mục tiêu của Cuộc vận động “Phát huy bản chất tốt đẹp, nâng cao sức mạnh chiến đấu của các LLVT nhân dân" (năm 1983); Hội đồng Bộ trưởng tặng cờ luân lưu (năm 1983). Với nhiều thành tích đạt được, nhà trường được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì (năm 1986).

Giảng viên Bộ môn Khoa học xã hội, Khoa Văn hóa, Ngoại ngữ và học viên Lớp CT30E cùng trò chuyện trao đổi sau giờ giảng Lý luận văn học, tháng 8-2024. Ảnh: Nguyễn Hải 

Năm 2010, nhà trường được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba vì thành tích xuất sắc trong huấn luyện, phục vụ chiến đấu, xây dựng lực lượng QĐND, củng cố quốc phòng từ năm 2005 đến năm 2009, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Năm 2015, nhà trường được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì vì thành tích đặc biệt xuất sắc trong xây dựng QĐND, củng cố quốc phòng từ năm 2005 đến năm 2015, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Những nỗ lực bứt phá, vươn lên trong những năm 2015-2020 của nhà trường tiếp tục được ghi nhận với 2 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì vào các năm 2018, 2020.

Ngoài ra, nhiều tập thể, cá nhân là cán bộ, học viên của nhà trường đã vinh dự được tặng những danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao quý của Chính phủ, các ban, bộ, ngành của Trung ương; của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới...

Hội tụ và kết tinh thành quả trong suốt hành trình xây dựng, phát triển, trưởng thành, ngày 22-12-2024, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 1522/QĐ-CTN về việc phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Trường Sĩ quan Chính trị, vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong huấn luyện, giáo dục, đào tạo, xây dựng QĐND, củng cố quốc phòng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đây là phần thưởng cao quý, là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đối với những cống hiến, hy sinh, những thành tích, kết quả của các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ nhà trường trong gần nửa thế kỷ.

Giá trị truyền thống anh hùng của Trường Sĩ quan Chính trị là thành quả xây dựng, cống hiến, chiến đấu, trưởng thành của lớp lớp cán bộ, đảng viên, nhân viên, học viên, chiến sĩ. Lịch sử truyền thống vẻ vang ấy được thể hiện trên một số vấn đề cơ bản, đó là: Giữ vững và đề cao bản lĩnh chính trị, giác ngộ sâu sắc mục tiêu, lý tưởng cách mạng, trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; gắn kết chặt chẽ lý luận với thực tiễn, giáo dục và đào tạo với nghiên cứu khoa học, nâng tầm tri thức và năng lực hành động của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên; trên dưới đồng lòng, đồng tâm hiệp lực, đoàn kết thống nhất, dân chủ và kỷ cương; chủ động, tích cực, đổi mới và sáng tạo; quyết tâm vượt khó, nỗ lực vươn lên, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao...

Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân là niềm vinh dự, tự hào trong lịch sử, truyền thống vẻ vang của Trường Sĩ quan Chính trị và là nguồn lực mạnh mẽ cổ vũ, động viên mỗi cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ ra sức phấn đấu, cống hiến, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống của nhà trường, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới. Với ý nghĩa đó, phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Trường Sĩ quan Chính trị anh hùng phải trở thành lẽ sống, niềm tin và phương châm hành động của toàn trường. 

Vinh dự, tự hào với danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, Đảng bộ, Ban giám hiệu Trường Sĩ quan Chính trị càng nhận thức sâu sắc trách nhiệm, nghĩa vụ cao cả của toàn trường trong giai đoạn phát triển mới. Tiếp tục quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa hiệu quả lời dạy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho nhà trường: “Phát huy truyền thống vẻ vang của LLVT nhân dân anh hùng, phấn đấu trở thành một trường đào tạo sĩ quan gương mẫu toàn diện của Quân đội ta”. Với ý thức chính trị và phẩm giá cách mạng, cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên, chiến sĩ toàn trường quyết tâm nêu cao tinh thần đoàn kết, “Tự hào truyền thống, viết tiếp chiến công, xứng danh Trường Sĩ quan Chính trị anh hùng”.

Trung tướng NGUYỄN QUỐC TUẤN, Chính ủy Trường Sĩ quan Chính trị

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 36, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.352

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 36, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.378

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.