Đến trưa 5-8, dù nước đã rút ở nhiều nơi nhưng xã vẫn còn 495 hộ dân với 2.407 nhân khẩu đang bị bao vây bởi nước lũ. Người dân nơi đây cho hay, nếu không có bộ đội giúp thì nhiều hộ gia đình đã bị mất trắng tài sản trong cơn lũ.
Tình quân dân trong lũ
Các căn nhà, con ngõ của thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến vẫn đang ngập trong lũ. Để đến được với gia đình ông Doãn Tiến Thành và bà Nguyễn Thị Năm, chúng tôi phải nhờ anh Bùi Ngọc Bình, Trưởng thôn Nam Hài dùng máy cày kéo chiếc ca-nô mà lực lượng Quân đội cho mượn để đưa chúng tôi đi. Nước lũ ngâm nhiều ngày đã chuyển sang màu xanh nhờ nhờ. Vì nước chưa rút hết nên ông Thành, bà Năm vẫn phải sinh hoạt tạm bợ. "Nhà tôi đến nay đã đỡ ngập hơn rồi. Trong xã còn nhiều hộ ngập sâu lắm, muốn vào phải chèo thuyền, chứ máy kéo cũng không đi được". Ông Thành và bà Năm năm nay đều đã ngoài 70 tuổi, có 5 người con nhưng đều làm ăn, sinh sống ở xa.
Đêm 24-7, khi nước sông Bùi cuồn cuộn dâng cao và bắt đầu tràn qua mặt đê, người dân trong thôn xôn xao gọi nhau kê kích tài sản, di chuyển vật nuôi để sẵn sàng vượt qua cơn lũ lớn. Ông Thành, bà Năm khi ấy lo lắng lắm vì không đủ sức để khiêng vác nặng. Lũ gà, vịt theo bản năng sinh tồn, nước dâng đến đâu lại nhảy lên chỗ cao hơn trốn tránh đến đó. Những tài sản khác, do tuổi cao, sức yếu, ông Thành và bà Năm chỉ di chuyển được vài món đồ nhẹ, còn lại đành phó mặc. Đúng lúc ấy, các cán bộ, chiến sĩ Quân đội xuất hiện, kịp thời giúp ông bà kê bàn, ghế, giường, phản và mọi đồ dùng, vật dụng sinh hoạt lên cao.
|
|
Ông Doãn Tiến Thành (bên trái) và anh Bùi Ngọc Bình, Trưởng thôn Nam Hài bên những tài sản được bộ đội giúp kê lên cao. Ảnh: THÁI HƯNG |
Đứng trong sân nhà, khẽ nheo cặp mắt bàng bạc, dõi ra ngoài ngõ vẫn còn hun hút nước lũ, ông Thành kể lại: "Trong cơn lũ, đúng lúc vợ chồng già chúng tôi đang hoang mang thì các chú bộ đội xuất hiện. Các chú ấy giúp nhà tôi xong, chưa kịp nhận lấy lời cảm ơn đã vội chạy ngay sang những hộ gia đình khác để giúp đỡ họ. Nếu không có bộ đội giúp thì nhiều nhà đã mất trắng tài sản".
Anh Bùi Ngọc Bình, Trưởng thôn Nam Hài có nước da đen sạm và vẻ bề ngoài già dặn hơn nhiều so với tuổi ngoài 30. Cơn lũ dữ đã cướp trắng của gia đình người nông dân lam lũ ấy hơn 150 triệu đồng tiền mồ hôi, nước mắt, của cải dành dụm qua đàn vịt và hồ cá nuôi, nhưng anh vẫn vững vàng làm chỗ dựa cho bà con trong thôn. Nhà có chiếc đầu máy cày có thể chạy tốt trong nước lũ, suốt mấy ngày đêm ròng rã, anh Bình dùng nó làm phương tiện vận chuyển tài sản, đưa bà con trong vùng ngập sâu di tản lên khu đất cao không bị ngập lụt để ở nhờ nhà người quen, rồi sau đó là đưa đón bà con trong thôn đi mua sắm, nhận hàng cứu trợ hằng ngày...
"Khi lực lượng Quân đội điều động cán bộ, chiến sĩ về đây giúp dân có mang theo 4 chiếc xuồng. Sau khi các anh ấy hoàn thành nhiệm vụ giúp dân, tôi ngỏ ý mượn một chiếc để vận chuyển bà con được thuận lợi, các anh đều vui vẻ cho tôi mượn", anh Bình nói.
Dù đã quen sống chung với lũ, nhưng nhiều hộ gia đình ở Nam Phương Tiến vẫn bối rối vì nước lũ năm nay lên to và nhanh. "Chỉ sau một đêm 24-7, nước lũ đã tràn qua đê, khiến 240 hộ trong tổng số 350 hộ dân của thôn Nam Hài ngập sâu. Chính quyền xã, các tổ chức đoàn thể đã rất chủ động, quan tâm, đôn đốc và sát cánh cùng bà con, ngay cả khi bà con đã chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng. Tuy nhiên, nước lên nhanh quá, nếu không có sự giúp đỡ kịp thời của các anh bộ đội thì thiệt hại chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều", anh Bình nói.
Phó chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Lê Văn Lanh chia sẻ, khi nước sông Bùi dâng, Ban CHQS huyện Chương Mỹ, Trường Sĩ quan Đặc công, Sư đoàn 308 (Quân đoàn 12) đã huy động hơn 150 cán bộ, chiến sĩ xuống giúp dân gia cố đê điều, ứng trực phòng, chống lũ tại chỗ. Đêm 24-7, khi nước sông Bùi dâng nhanh và tràn qua mặt đê, lực lượng Quân đội đã nhanh chóng tỏa về các hộ gia đình có khó khăn về nhân lực giúp đỡ bà con di chuyển, kê kích tài sản tránh lũ; cùng chính quyền địa phương thuyết phục, đưa bà con và tài sản ở những vùng có nguy cơ bị ngập sâu nhất di tản tới các vùng đất cao hơn để tránh lũ. "Lực lượng Quân đội có các kịch bản ứng phó với từng tình huống, nên khi chuyển nhiệm vụ, các anh thực hiện rất nhanh. Chỉ trong một đêm, toàn bộ nhiệm vụ giúp dân di tản, di chuyển người, tài sản đã được hoàn thành. Bà con nhân dân rất cảm kích sự giúp đỡ kịp thời, hiệu quả của lực lượng Quân đội. Trong suốt thời gian lũ lụt, lực lượng Quân đội cũng luôn cắt cử cán bộ, chiến sĩ ứng trực, tuần tra, kiểm tra bảo đảm an toàn và hỗ trợ nhân dân khi cần thiết", đồng chí Lê Văn Lanh nói.
|
|
Bộ đội Phòng hóa, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội giúp dân tiêu độc sau lũ tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. Ảnh: DOÃN HÒA |
Giúp dân ổn định cuộc sống
Đến trưa 5-8, dù nước lũ đã rút nhanh nhưng toàn xã Nam Phương Tiến vẫn còn 495 hộ với 2.407 nhân khẩu đang bị cô lập bởi nước lũ. Thuyền, bè mảng, xuồng vẫn là phương tiện đi lại chủ yếu.
Ngay khi nước lũ bắt đầu rút, chính quyền địa phương đã nhanh chóng triển khai các biện pháp xử lý vệ sinh môi trường, cùng người dân khắc phục hậu quả lũ lụt, khôi phục sản xuất, kinh doanh. Các anh bộ đội lại xuất hiện, giúp dân làm vệ sinh môi trường, cào, gạt, gom bùn, xịt rửa sạch sẽ từng đường làng, ngõ xóm, từng nhà dân và trụ sở các cơ quan công quyền.
"Lực lượng Bộ đội Phòng hóa của Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội cũng đã cử người, phương tiện về đây giúp dân phun hóa chất tiêu độc, khử khuẩn để bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng tránh dịch bệnh sau lũ lụt", Phó chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Lê Văn Lanh chia sẻ.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Nam Phương Tiến, tính đến ngày 5-8, trong đợt lũ lụt vừa rồi, toàn xã bị thiệt hại 20.396 con gia súc, gia cầm; 135ha thủy sản; 12ha cây ăn quả; 10ha hoa màu; 70ha lúa; 220m đường giao thông bị sạt lở...
Trong những ngày qua, đã có các đoàn lãnh đạo của Chính phủ và TP Hà Nội về kiểm tra tình hình phòng, chống, khắc phục hậu quả lũ lụt, thăm hỏi nhân dân tại xã Nam Phương Tiến. Chiều 29-7, khi đi thị sát vùng "rốn lũ" Chương Mỹ, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, yêu cầu bảo đảm phương tiện di chuyển, lương thực, thực phẩm, nước sinh hoạt, y tế cho bà con vùng lũ. Người dân đi sơ tán phải được bảo đảm về sức khỏe, không bị đói rét. Cần đặc biệt quan tâm tới người già, người cô đơn, người khuyết tật, người yếu thế trong xã hội... Chiều 30-7, khi về thăm xã Nam Phương Tiến, Phó thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu lãnh đạo địa phương huy động lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt, chú ý công tác vệ sinh môi trường, không để bùng phát dịch bệnh...
Đến nay, chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân nước sạch, thuốc nhỏ mắt, ngứa chân, Chloramine B, tặng các nhu yếu phẩm và 115 triệu đồng tiền mặt. Để giúp nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt, nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định đời sống, UBND xã Nam Phương Tiến đang đề xuất các cấp, các ngành, huyện Chương Mỹ và TP Hà Nội tiếp tục hỗ trợ kinh phí, giống vật nuôi, cây trồng, vật tư giúp bà con nhân dân. "Xã chúng tôi cũng đang chủ động xuất cấp ngân sách để hỗ trợ người dân có cây, con giống khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, do ngân sách hạn hẹp nên xã rất mong cấp trên tiếp tục quan tâm hỗ trợ cây, con giống để bà con kịp thời khôi phục sản xuất, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do lũ lụt gây ra", Phó chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Lê Văn Lanh kiến nghị.
Chia tay Nam Phương Tiến, đi qua những con đường được rắc vôi bột trắng xóa để tiêu độc, khử trùng sau lũ, chúng tôi thầm mong cuộc sống yên bình sẽ sớm trở lại với bà con nơi đây.
CHIẾN THẮNG - HỮU CHUNG - THÁI HƯNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.