Nhân kỷ niệm 26 năm thành lập (24-4-1996/24-4-2022), Đại tá Nguyễn Văn Mùi, Viện trưởng Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội đã chia sẻ với Báo Quân đội nhân dân Điện tử về hành trình vươn lên, làm chủ khoa học học công nghệ để đơn vị được Bộ Quốc phòng xếp hạng chuyên môn Viện hạng I về chuyên ngành hàng đầu trong lĩnh vực y học phóng xạ và điều trị ung bướu.

 Các y, bác sĩ của Viện đang thực hiện ca phẫu thuật.

Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết quá trình hình thành và phát triển của Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội?

Đại tá Nguyễn Văn Mùi: Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội được thành lập ngày 24-4-1996 trực thuộc Cục Quân y. Trải qua 26 năm xây dựng và phát triển, Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội đã trưởng thành, trở thành bệnh viện hạng I của Bộ Quốc phòng.

26 năm thành lập, Viện đã có bước phát triển vượt bậc, từ một Trung tâm y học hạt nhân và bảo vệ phóng xạ, hiện nay đã phát triển thành Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội với 11 đầu mối khoa, ban, trung tâm, bộ phận.

Số lượng cán bộ nhân viên cũng tăng dần theo thời gian. Từ lúc ban đầu chỉ có 34 cán bộ, nhân viên thì hiện nay đã tăng lên gần 60 cán bộ, nhân viên. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng đã được xây dựng khang trang hơn trước rất nhiều.

Hiện nay, Viện đã được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ cho nhiệm vụ ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân và chẩn đoán, điều trị một số bệnh về ung bướu.

Đại tá Nguyễn Văn Mùi, Viện trưởng Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội phát biểu tại một Hội nghị khoa học.  

Cùng với sự phát triển về con người, cơ sở hạ tầng thì các máy móc cũng được đầu tư, nhiều thiết bị hiện đại trong ghi đo, chẩn đoán nhiễm xạ cho nạn nhân ở hiện trường cũng như tại bệnh viện. Ngoài ra còn có những trang thiết bị phục vụ cho nhiệm vụ tẩy xạ tại chỗ hoặc toàn thân cho các nạn nhân nhiễm xạ.

Hiện nay ở Viện còn có các trang thiết bị phục vụ đo liều phóng xạ chuyên sâu như: Hệ thống đo liều phóng xạ sinh học, hệ thống đo phóng xạ trong máu, nước tiểu, các hệ phổ kế để kiểm định phóng xạ trong môi trường.

PV: Xin đồng chí cho biết phương pháp điều trị căn bệnh ung thư hiện nay của Viện ra sao?

Đại tá Nguyễn Văn Mùi: Hiện ở Viện đang có kế hoạch mũi nhọn đó là điều trị cho bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp. Hiện nay vấn đề điều trị ung thư tuyến giáp của Viện đã phát triển hoàn thiện. Từ những khâu khám bệnh, phẫu thuật, sau phẫu thuật là điều trị bằng thuốc phóng xạ. Như vậy, Viện đã làm hoàn thiện hầu như tất cả các khâu liên quan đến bệnh lý tuyến giáp. Qua đó đã tạo được uy tín đối với bệnh nhân của Hà Nội cũng như các tỉnh, thành.

Điểm khác biệt so với phác đồ điều trị ung thư tuyến giáp ở những nơi khác của Viện là ở chỗ, các bệnh viện khác đa số mới dừng lại ở ngưỡng là chẩn đoán và phẫu thuật, còn sau phẫu thuật có một bước quan trọng là điều trị bằng thuốc phóng xạ I-31 thì mới khỏi bệnh được. Hiện nay, có một số bệnh viện có khoa y học hạt nhân thì đã triển khai được còn đa số thì phải gửi lên tuyến trên.

Đối với Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội là một trong những tuyến điều trị rất nhiều cho các bệnh nhân ung thư tuyến giáp và cũng đã tạo được thương hiệu và uy tín cao bởi quy trình từ khám đến điều trị.

PV: Những hoạt động từ thiện của Viện trong thời gian qua được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Văn Mùi: Những năm qua, Viện đã có nhiều hoạt động để hỗ trợ những trường hợp bệnh nhân nghèo; xây dựng quỹ để hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn đến khám chữa bệnh. Đặc biệt, hàng tuần chúng tôi đều tổ chức nấu cháo từ thiện để giúp bệnh nhân có bữa ăn sáng miễn phí.

Những bệnh nhân nghèo, khó khăn đều được các đoàn thể, hội phụ nữ, cơ quan chính trị của Viện thường xuyên nắm bắt tình hình và báo cáo để chúng tôi có sự hỗ trợ kịp thời, động viên bệnh nhân.

Nhờ nhiều hoạt động như thế thì bệnh nhân có thiện cảm, phản hồi tốt đối với bác sĩ, đặc biệt là những lời cảm ơn được bày tỏ trên các nền tảng xã hội. Đây là sự động viên, khích lệ để các bác sĩ, chiến sĩ quân y hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

PV: Xin đồng chí cho biết công tác khám bệnh cho đồng bào vùng sâu, vùng xa được thực hiện ra sao?

Đại tá Nguyễn Văn Mùi: Năm nào chúng tôi cũng tổ chức các đợt đi về nguồn để khám, cấp, phát thuốc miễn phí.

Viện trực thuộc Cục Quân y, những năm gần đây Cục Quân y thường xuyên tổ chức các hoạt động về nguồn ở Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên nhân dịp ngày truyền thống của ngành. Chúng tôi đã tổ chức các đoàn cán bộ, y, bác sĩ lên để khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí, tư vấn về vệ sinh phòng bệnh, giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Ngoài ra, theo chương trình chung của Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Hằng năm Viện đảm nhận cấp thuốc miễn phí, tư vấn sức khỏe cho một số phường thuộc quận Hoàng Mai là nơi đơn vị đứng chân trên địa bàn. Đây là một hoạt động thường niên mà năm nào Viện cũng tham gia.

 Đại tá Nguyễn Văn Mùi (áo trắng) chỉ đạo kíp mổ.

PV: Theo đồng chí, bước phát triển lớn nhất của Viện trong những năm qua là gì?

Đại tá Nguyễn Văn Mùi: Bước phát triển được cấp trên và nhân dân ghi nhận và cũng là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của Viện hiện nay đó là công tác ứng phó y tế sự cố bức xạ hạt nhân.

Đây là nhiệm vụ do Quân đội giao nhưng Viện cũng là cơ sở nằm trong mạng lưới ứng phó y tế sự cố bức xạ hạt nhân của quốc gia. Trong những năm vừa qua, đơn vị đã phối hợp với thành phố Hà Nội và một số địa phương khác như tỉnh Thừa Thiên Huế, giúp các địa phương này trong diễn tập ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân.

Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội hiện là một đơn vị đầu ngành về ứng phó y tế sự cố bức xạ hạt nhân của Việt Nam nói chung. Đó là một bước phát triển và trưởng thành vì từ những ngày đầu thành lập, Viện chỉ có một đội cấp cứu phóng xạ với quân số hạn chế. Hiện nay, Viện đã phát triển nhiều tổ, đội tham gia hoạt động ứng phó và cũng đã biên soạn tài liệu để tập huấn và đào tạo, hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật cho các hoạt động ứng phó ở các tỉnh cũng như hoạt động ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân của ngành quân y hàng năm.

PV: Xin đồng chí cho biết hướng phát triển của Viện thời gian tới?

Đại tá Nguyễn Văn Mùi: Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào nhiệm vụ hàng đầu đó là ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân nhưng sẽ phát triển mạnh về ứng phó tại tuyến bệnh viện. Tức là Viện sẽ hoàn thiện các tổ chuyên khoa và các nhóm chuyên sâu để cứu chữa cho các nạn nhân nhiễm xạ và sẽ xây dựng thành hệ thống ứng phó y tế sự cố hạt nhân trong quân đội cũng như tư vấn cho ngành y nói chung của Việt Nam để đẩy mạnh nhiệm vụ này. Đó là về mặt y học quân sự. Còn về y học lâm sàng thì Viện cũng sẽ hoàn thiện và mở rộng công tác điều trị ung thư để phục vụ bệnh nhân. Thế mạnh của Viện là sử dụng phóng xạ trong đó có thuốc phóng xạ, tia phóng xạ và các kỹ thuật chuyên sâu, góp phần khám, chẩn đoán và điều trị các bệnh nhân mắc u bướu trong quân đội cũng như nhân dân.

PV: Là một bác sĩ, chiến sĩ mang hai màu áo, cảm nhận của đồng chí ra sao về vinh dự này?

Đại tá Nguyễn Văn Mùi: Đối với một bác sĩ quân y luôn mang trên vai nhiều trọng trách, ngoài nhiệm vụ vô cùng cao cả chữa bệnh, cứu người thì đối với người chiến sĩ còn cần phải hoàn thành tốt những chức trách, nhiệm vụ trên cương vị của một quân nhân. Mỗi bác sĩ, chiến sĩ quân y phải luôn luôn trau dồi phẩm chất đạo đức cũng như rèn luyện y thuật để làm sao xứng danh người chiến sĩ áo trắng-Bộ đội Cụ Hồ. 

KHÁNH HUYỀN (thực hiện)