Năm 2022, gia đình ông Xồng Nhìa Lỳ (60 tuổi), người dân tộc Mông ở bản Phá Lõm, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương được Đồn Biên phòng Tam Hợp và địa phương giúp đỡ phát triển kinh tế hộ gia đình. Ông được Đại úy Nguyễn Kim Trọng, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn biên phòng Tam Hợp trực tiếp “cầm tay chỉ việc” để mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi bò, dê, gia cầm phát triển kinh tế gia đình.
Đến nay, trang trại của gia đình ông Xồng Nhìa Lỳ đã có hơn 20 con trâu, bò, đàn dê gần chục con, đàn gia cầm 60 con, 1ha nghệ đỏ, 1ha sắn, 2 ao nuôi cá trắm cỏ, rô phi… qua đó cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Ông Lỳ cho biết: “Khi bắt tay gây dựng trang trại, gia đình gặp rất nhiều khó khăn, nhưng được BĐBP và chính quyền địa phương giúp đỡ kéo dây điện, hỗ trợ con giống, tập huấn khoa học, kỹ thuật… đã tiếp thêm cho tôi động lực, quyết tâm phải thoát nghèo”.
 |
Đảng viên Đồn Biên phòng Tam Hợp trao đổi với gia đình ông Xồng Nhìa Lỳ về hướng phát triển kinh tế gia đình.
|
Tương tự, gia đình bà Quang Thị Loan ở bản Văng Môn, xã Tam Hợp đã được Đồn Biên phòng Tam Hợp đã hỗ trợ vốn ban đầu 17 triệu đồng để gia đình mua 7 con dê về nuôi. Bên cạnh đó, Đồn còn huy động những đảng viên quân hàm xanh như Đại úy Nguyễn Kim Trọng, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng giúp ngày công, vật liệu làm chuồng nuôi đúng kỹ thuật; thường xuyên hướng dẫn, giúp đỡ gia đình cách chăm sóc.
Chỉ sau một năm, đàn dê đã sinh trưởng và tăng số lượng gấp 3 lần. Đây là nền tảng cho gia đình bà Loan phát triển kinh tế, ổn định đời sống và là mô hình mẫu để các hộ dân trong vùng học tập, làm theo. Trao đổi với chúng tôi, Đại úy Nguyễn Kim Trọng cho biết: “Khi được phân công phụ trách hộ gia đình, tôi đã tìm hiểu hoàn cảnh thực tế và nhu cầu, nguyện vọng của từng gia đình để đề xuất với Ban Chỉ huy Đồn lựa chọn cách giúp đỡ phù hợp, hiệu quả, giúp người dân vươn lên xóa đói giảm nghèo”.
 |
Mô hình nuôi dê của gia đình bà Quang Thị Loan. |
Ông Xồng Nhìa Lỳ, bà Quang Thị Loan là hai trong số nhiều gia đình ở xã Tam Hợp được lựa chọn để thực hiện mô hình “Sẻ chia 50”. Theo đó, những đảng viên của Đồn Biên Phòng Tam Hợp sẽ hỗ trợ con giống, cây giống cho hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, có nguồn lực để phát triển chăn nuôi (lao động, đất canh tác) và quyết tâm thoát nghèo. Khi vật nuôi, cây trồng phát triển tốt, lợi nhuận sẽ được chia đôi (người dân 50%, người đầu tư 50% để hỗ trợ cho các hộ khác); còn nguồn vốn ban đầu vẫn tiếp tục được duy trì.
Tại xã vùng biên Tri Lễ (huyện Quế Phong), ngay khi được phân công tham gia sinh hoạt Đảng tại bản Pà Khốm và phụ trách giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn, Thiếu tá QNCN Bùi Đức Long, nhân viên Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Tri Lễ đã tập trung cùng chi bộ và các ban ngành đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giúp đỡ đồng bào trên địa bàn phát triển kinh tế gắn với thế mạnh của địa phương như trồng măng đắng, trồng đào, phát triển chăn nuôi trâu, bò, gà đen bản địa để nâng cao thu nhập và ổn định chất lượng cuộc sống.
 |
Mô hình trồng cây phát triển rừng ở địa bàn xã Tri Lễ do đảng viên Bùi Đức Long, Đồn biên phòng Tri Lễ giúp đỡ bà con trên địa bàn. |
Thượng tá Hồ Thanh Quang, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tri Lễ cho biết: “Thực hiện Chỉ thị số 681-CT/ĐU của Đảng ủy BĐBP về phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới, Đồn biên phòng Tri Lễ đã phân công các đồng chí chỉ huy đơn vị tham gia hỗ trợ, giúp đỡ từ 5 đến 10 hộ gia đình, các đồng chí còn lại tham gia hỗ trợ từ 5-7 hộ. Bên cạnh đó, Đồn còn kêu gọi sự ủng hộ của các tập thể, cá nhân, nhà hảo tâm tham gia giúp đỡ cây con giống để xây dựng các mô hình kinh tế ở vùng sâu, vùng xa, giúp các hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Nhờ phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên các đồn biên phòng trên tuyến biên giới tỉnh Nghệ An bám nắm địa bàn, làm tốt công tác dân vận, qua đó đã giúp đồng bào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững. Theo Đại tá Trần Đăng Khoa, Phó chính ủy BĐBP tỉnh Nghệ An, thực hiện chỉ thị số 681-CT/ĐU, Đảng ủy BĐBP tỉnh Nghệ An đã phân công 570 đảng viên phụ trách 2.474 hộ gia đình ở khu vực biên giới. Đúng với tinh thần đảng viên đi trước, tiên phong vào những nơi gian khó, các đảng viên quân hàm xanh phụ trách hộ gia đình đặc biệt khó khăn ở biên giới đã bám địa bàn, bám cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nhân dân để đề xuất với Ban Chỉ huy Đồn phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn bà con phát triển sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào.
Trong 5 năm qua, lực lượng đảng viên quân hàm xanh tỉnh Nghệ An đã tham gia triển khai 57 mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Qua đó góp phần thắp lửa niềm tin, ý chí vươn lên thoát nghèo của đồng bào các dân tộc nơi biên giới.
Bài, ảnh: HẢI THƯỢNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.