Phóng viên (PV): Lịch sử cho thấy, nhiều cán bộ có tư duy đổi mới, dám đột phá vì lợi ích chung đã phải đối diện với những rào cản không nhỏ. Qua những câu chuyện thực tế đó, chúng ta rút ra được bài học gì, thưa đồng chí?

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc: Trong lịch sử xây dựng và phát triển đất nước ta đã ghi nhận nhiều cán bộ dám bứt phá, “xé rào” ra khỏi sự ràng buộc của cơ chế với những điều bất hợp lý. Họ là những cán bộ tiên phong làm những điều khác biệt, chưa có thông lệ, tiền lệ, dám đương đầu với khó khăn, phức tạp, chứa đựng nhiều rủi ro, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân. Tôi lấy ví dụ câu chuyện về chủ trương xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, giao cho doanh nghiệp quyền tự chủ sản xuất, phân phối sản phẩm theo thị trường của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Linh (sau này là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam). Hay như câu chuyện năm 1992, đồng chí Võ Văn Kiệt với cương vị Thủ tướng Chính phủ quyết định làm đường dây tải điện 500kV Bắc-Nam phải hoàn thành, cân đối điện miền Bắc và miền Nam. Lúc đó có rất nhiều cản trở, nhiều nhà khoa học cũng chứng minh là không thể làm được, nhiều nghi ngờ dự án thất bại. Cuối cùng đồng chí đã lắng nghe, thuyết phục và mạnh dạn đi đến quyết định triển khai. Chỉ trong hai năm, công trình được hoàn thành, góp phần quan trọng để Việt Nam thực hiện mục tiêu hiện đại hóa, công nghiệp hóa.

Đó là hai trong rất nhiều ví dụ, để thấy rằng cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, dám đương đầu với rào cản sẽ góp phần tháo gỡ những nút thắt, khơi thông điểm nghẽn, giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc của thực tiễn, đồng thời tạo cơ sở hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Bài học rút ra từ những câu chuyện trong lịch sử ấy, đó là:

Thứ nhất, đổi mới, sáng tạo phải luôn bám sát, phản ánh đúng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo tạo ra những giá trị mới, thiết thực, phù hợp với quy luật khách quan.

Việc gì cũng cần có khảo nghiệm thực tiễn, lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn của chân lý. Tranh luận về lý thuyết thì khó, nhưng cứ làm đi rồi thực tiễn sẽ bộc lộ, chứng minh cách nào là hợp lý. Muốn năng động sáng tạo thì phải trên cơ sở của lý thuyết, của lý luận nhưng phải được vận dụng vào thực tiễn. Do vậy, bài học của chúng ta là luôn luôn xuất phát từ thực tiễn của đất nước, của địa phương, của cơ quan, đơn vị mình để định ra những chủ trương cho sát đúng, đồng thời phải kết hợp với quy luật. Quy luật ấy đòi hỏi phải nắm vững lý luận, nhận thức cho đúng và vận dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả, nâng cao đời sống của nhân dân.

Hai là, luôn luôn vì dân. Đảng ta đã nhiều lần tổng kết bài học lấy dân làm gốc. Tổng kết 35 năm đổi mới, Đảng nhấn mạnh trong Đại hội XIII về bài học lấy dân làm gốc. Mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích của nhân dân. Các bộ, ngành, địa phương, cơ sở cũng như mỗi cán bộ cần thấm ngấm bài học đó.

Ba là, bản thân mỗi cán bộ phải hết sức rèn luyện bản lĩnh, trách nhiệm. Cán bộ có trách nhiệm cao sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, cán bộ có bản lĩnh sẽ chủ động vượt qua được những khó khăn, thách thức và mới có đổi mới, sáng tạo. Cán bộ luôn luôn học tập, trau dồi tri thức cần thiết thì mới sáng tạo được. Sáng tạo không phải là một khẩu hiệu, dám nghĩ, dám làm cũng thế; phải trên cơ sở nhận thức đúng, có trí tuệ, kinh nghiệm, không ngừng tự tu dưỡng, rèn luyện và nâng cao trí tuệ, trình độ, phẩm chất, ý thức trách nhiệm, bản lĩnh chính trị...

leftcenterrightdel
Các đại biểu dự Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: TTXVN. 

PV: Theo đồng chí, Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị, khóa XIII có ý nghĩa như thế nào trong hình hình hiện nay?

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc: Đây là một bước đột phá trong công tác cán bộ, sự cụ thể hóa quan điểm Đại hội XIII của Đảng về công tác cán bộ. Bác Hồ từng khẳng định: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc". Cán bộ giỏi thì dân được nhờ, cán bộ kém thì dân phải gánh chịu. Với chủ trương bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung tại kết luận, tin rằng sắp tới, chúng ta sẽ ngày càng ít đi những cán bộ bị sai phạm, bị kỷ luật.

Hiện nay, có một bộ phận cán bộ hư hỏng thì chúng ta phải xử lý, nhưng cũng có rất nhiều cán bộ tốt, cán bộ giỏi thì chúng ta phải bảo vệ. Bảo vệ theo nghĩa khuyến khích họ năng động, sáng tạo, tạo điều kiện cho họ phát triển, có đất dụng võ, làm được nhiều điều tốt cho dân, cho nước. Khuyến khích họ làm điều đó cũng có nghĩa là bảo vệ họ.  

Bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung còn có nghĩa là phải chăm sóc cán bộ. Cứ nghe tin cán bộ bị kỷ luật, tôi thấy buồn lắm. Vậy làm sao để ít cán bộ bị kỷ luật, có nhiều cán bộ được dân khen, dân tin?

Năm 1947, Bác Hồ khẳng định: "Đoàn thể phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta". Bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung ở đây là chủ động vun trồng, tạo nguồn, nuôi dưỡng cán bộ, thúc đẩy cán bộ tốt phát triển, có chính sách đúng đắn đề bạt, sử dụng cho tốt. Bảo vệ cũng có nghĩa là cố tránh cho cán bộ sa vào môi trường có thể làm tha hóa, hư hỏng, để cán bộ luôn tu dưỡng, rèn luyện trong môi trường tốt đẹp, trong ánh sáng để xa rời bóng tối.

Theo tôi, bảo vệ khác với bao che cán bộ phạm sai lầm, mà đã phạm sai lầm phải nghiêm túc sửa chữa. Ngay cả cán bộ phạm sai lầm, khuyết điểm thì xử lý thế nào cho có lý, có tình cũng là quan trọng để cán bộ có thể sửa chữa, tiến bộ, tốt hơn là đẩy họ vào thế cùng, thậm chí bị kẻ xấu lôi kéo.

PV: Vậy mấu chốt để bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung là gì?

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc: Theo tôi, điều quan trọng nhất là quản lý tốt cán bộ và kiểm soát tốt quyền lực để giữ cho cán bộ không tiếp cận với cái tiêu cực, với cái xấu dẫn đến tha hóa. Cấp ủy, tổ chức đảng cần quản lý chặt chẽ cán bộ của mình. Ví dụ bao nhiêu cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý là phải quản lý chặt chẽ, bất kỳ một dấu hiệu gì của một cán bộ nào đấy là phải nắm được; hay cán bộ cấp dưới thuộc diện thường vụ thành ủy, tỉnh ủy quản lý thì phải nắm vững từng người một... Mọi nhận thức, tư tưởng, dấu hiệu lệch lạc phải “thổi còi” ngay, chứ không phải để tự tung tự tác mà không hay biết.

Cùng với đó, siết chặt kỷ luật Ðảng và pháp luật Nhà nước, bảo đảm việc kiểm soát quyền lực có hiệu quả. Mỗi cán bộ cũng cần đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác thực hiện tốt nhất quyền và trách nhiệm được giao và tự kiểm soát chức trách, nhiệm vụ của chính mình, ra sức tự tu dưỡng, học tập, rèn luyện.  

Những điều đó góp phần tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, động lực để cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

NGUYỄN THỊ THU THỦY (thực hiện)