Thực sự, với truyền thống văn hóa dân tộc “thương người như thể thương thân”; “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, chẳng ai trong chúng ta không cảm thấy xót xa khi những người một thời là đồng chí, đồng đội bị xử lý kỷ luật do vi phạm pháp luật, vi phạm Điều lệ Đảng. Đau nhưng vẫn phải làm vì sự trong sạch của Đảng, vì lợi ích quốc gia-dân tộc, vì lợi ích chung.

leftcenterrightdel
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng diễn ra từ ngày 20 đến 28-1-2016 tại Hà Nội. Ảnh: Ảnh: Báo Nhân Dân


Tập thể, cá nhân vi phạm đều phải được xem xét và xử lý nghiêm minh, thích đáng. Đó vừa là quan điểm, nguyên tắc, vừa là quyết tâm chính trị của Đảng ta: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Kỷ luật những tập thể, cá nhân vi phạm không làm Đảng yếu đi mà chỉ làm cho Đảng mạnh thêm, củng cố và tăng cường thêm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, xem xét, xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật là điều đương nhiên, không phải bàn.

Điều đáng bàn là vì sao mỗi tổ chức lại không thể phát hiện để loại bỏ sớm những cán bộ yếu kém này trong bộ máy của mình. Phải chăng, lỗi tại quy trình xem xét, bổ nhiệm cán bộ hiện nay?

Xin thưa, nếu đổ lỗi cho quy trình là sự trốn tránh trách nhiệm của tập thể cấp ủy, của người đứng đầu. Thực tế, nghiên cứu, xem xét quy trình bổ nhiệm cán bộ (ở mọi cấp) hiện nay, tôi cho rằng không chỉ bảo đảm sự chặt chẽ mà còn rất khoa học, dân chủ và công tâm. Tuy nhiên, để đạt được những yếu tố ấy không phải chỉ nói, hay tổ chức thực hiện quy trình theo kiểu làm cho có, hình thức, mà đòi hỏi người đứng đầu, tập thể, cá nhân có liên quan, khi xem xét phải thực sự công tâm, khách quan, lấy chất lượng, hiệu quả công việc từ thực tế làm thước đo, làm tiêu chí để lựa chọn. Chưa đủ, muốn chọn được cán bộ tốt còn đòi hỏi dũng khí trên tinh thần niềm tin cách mạng của mỗi con người, mỗi tập thể. Quy trình là phương tiện để chúng ta đi tới đích là lựa chọn được cán bộ tốt cho Đảng, cho dân. Nhưng quy trình cũng là “lá bùa hộ mệnh” để những cá nhân lợi dụng tạo dựng bè cánh, thâu tóm lợi ích... nếu không có đạo đức cách mạng trong sáng, không vượt qua được cám dỗ vật chất tầm thường; thậm chí trở thành tấm khiên che đỡ cho những người vụ lợi, động cơ không trong sáng.

Nhìn lại thực tế kể từ sau Đại hội XII đến nay, không ít cán bộ kể từ cấp Trung ương đến cơ sở trước và khi vừa mới bổ nhiệm đều được đánh giá cao với nhiều tiêu chí thể hiện trong lý lịch khiến không ít người phải ngưỡng mộ. Song chỉ một thời gian, những tưởng đã vững chãi trên cương vị của mình thì bộc lộ nguyên hình là kẻ cơ hội. Điều dư luận rất quan tâm là không ít cán bộ khi bị xử lý kỷ luật đều là những khuyết điểm của quá khứ, từ những giai đoạn trước khi họ được bổ nhiệm cương vị mới. Đây là một sự thật đau lòng, không chỉ gây hại cho một người, một tập thể, một ngành, một lĩnh vực, mà tệ hại hơn, đau xót hơn là từng bước gặm nhấm lòng tin, sự trung thành của nhân dân đối với Đảng, với chế độ. Đó mới là những điều mà mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, mà trước hết, trên hết là những người có nhiệm vụ liên quan đến công tác cán bộ, đến việc thực hiện quy trình xem xét, bổ nhiệm cán bộ cần phải suy nghĩ.

Ai cũng biết, trong nhiều khâu của công tác cán bộ, đánh giá cán bộ là khâu khó nhất và yếu nhất hiện nay. Tuy nhiên, nếu thấy khó mà không làm hoặc bất lực thì khác gì đứng khoanh tay nhìn cái ác hoành hành. Tôi cho rằng, tiêu chí cao nhất để xem xét, bổ nhiệm cán bộ chính là hiệu quả và năng lực thực tiễn. Bởi vậy, hãy từ thực tiễn để đánh giá, lựa chọn cán bộ. Đánh giá đúng, lựa chọn chính xác cán bộ thì từng cấp ủy, đơn vị, địa phương mới có được những người dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; mới khuyến khích, bảo vệ được cán bộ năng động, sáng tạo theo tinh thần Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII.

LÊ LONG KHÁNH