Sau nhiều ngày suy nghĩ, cô Tố Loan đi đến quyết định phải đổi mới cách dạy môn Lịch sử để các em, những người con sinh ra và lớn lên trên quê hương diễn ra Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy, hiểu hơn về mảnh đất Điện Biên anh hùng, cũng như yêu thích môn Lịch sử.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa/internet 

Tuy nhiên, công việc ấy không hề thuận lợi. Những tìm tòi, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy của cô lúc đầu còn khiến một số người e ngại. Việc sử dụng công nghệ là điều còn xa lạ với nhiều giáo viên vùng cao, nhất là với môn Lịch sử. Tuy không nói ra nhưng nhiều người có suy nghĩ, đây là môn học chỉ cần học thuộc, không nhất thiết phải đầu tư nhiều công sức đến thế. Nhiều giáo viên không ủng hộ, thậm chí còn bàn ra tán vào. Không nản chí, cô Tố Loan kiên trì dạy các em theo cách thức hiện đại với tất cả tâm huyết và kinh nghiệm mà mình tiếp thu, sáng tạo. Sau một thời gian, hiểu rõ những việc cô làm; những hoạt động trải nghiệm sáng tạo, đổi mới cách dạy môn Lịch sử vì học sinh, vì tập thể, Ban giám hiệu, Công đoàn trường đã hết sức quan tâm, hỗ trợ; các thầy giáo, cô giáo khác cũng dần ủng hộ, chia sẻ và học tập cách làm của cô. Những sáng kiến của cô không chỉ mang lại hiệu quả trong việc giảng dạy bộ môn Lịch sử ở trường, mà còn được phổ biến rộng rãi trong toàn ngành giáo dục.

Cô giáo Tố Loan đã đề xuất 8 sáng kiến kinh nghiệm (6 sáng kiến cấp cơ sở, 2 sáng kiến cấp tỉnh) thiết thực trong công tác dạy học và được Hội đồng Khoa học nhà trường, Hội đồng Khoa học Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đánh giá cao, tiêu biểu như: Một số kinh nghiệm nâng cao chất lượng giảng dạy môn Lịch sử lớp 12; Sa bàn diễn biến Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950; Tích hợp tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong dạy học Lịch sử; Hình thành hành vi ứng xử văn hóa cho mỗi người dân ở các điểm du lịch tại TP Điên Biên Phủ; Sử dụng ứng dụng web Powtoon làm video nâng cao hiệu quả dạy và học môn Sử-Địa... Hai lần thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cô đã đoạt một giải nhất, một giải xuất sắc. Với cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử E-learning, cô đoạt 2 giải nhất, 2 giải nhì. Thi dạy học theo chủ đề tích hợp cấp tỉnh, cô được 1 giải nhì, 1 giải ba cấp tỉnh, 1 giải khuyến khích cấp quốc gia... Những cống hiến của cô Tố Loan đã được ghi nhận, khuyến khích qua những danh hiệu mà cô đạt được: Nhiều năm là Công đoàn viên xuất sắc; 7 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 1 năm đạt Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; bằng khen của UBND tỉnh Điện Biên. Đặc biệt, năm 2021, cô giáo Tố Loan là một trong 14 nhà giáo của tỉnh Điện Biên được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

Cô giáo Loan chỉ là một trong rất nhiều tấm gương đổi mới, sáng tạo được nhà trường, công đoàn ngành giáo dục luôn đứng bên khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đây cũng chính là tinh thần của Công đoàn ngành giáo dục Việt Nam trong khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.

NGUYỄN THỊ BÍCH HỢP (Phó chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam)