Rồi đến một chiều cuối tuần, khi em đang chơi trước cổng nhà, bỗng một chiếc xe cứu thương chạy vào trong hẻm. Mọi người hoảng hốt khi nhận được thông báo hẻm có 3 F0 và buộc phải phong tỏa để ngăn dịch lan ra cộng đồng.

Là đứa trẻ mới hơn 10 tuổi, tuy nhiều thứ còn mơ hồ nhưng em cũng phần nào hiểu được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Em hỏi thì mẹ em giải thích "phong tỏa có nghĩa là mọi người phải ở yên trong nhà, không được ra ngoài trong thời gian ít nhất là 14 ngày, thực hiện "5K" như trên ti vi và loa truyền thanh của phường ngày nào cũng hướng dẫn". Mẹ em có phần lo lắng cho sức khỏe của cả gia đình, lại thêm công việc tại cơ quan bộn bề không ai thay thế, không biết thời gian tới sẽ phải xoay sở như thế nào... Ngày đó và những ngày tiếp theo trôi qua thật nặng nề.

Bé Trần Vũ Phương Tâm giúp mẹ trồng rau.

Nhưng sáng hôm sau, em được đánh thức bởi tiếng chuông bấm ngoài cửa. Khi em ra đã thấy mẹ đang đứng nói chuyện với các chú bộ đội, dân quân. Mọi người mang cho gia đình em ít rau củ quả, nói là quà của các nhà hảo tâm gửi người dân trong khu phong tỏa và để lại số điện thoại liên lạc khi cần hỗ trợ.

Những ngày sau đó, gia đình em và các gia đình trong hẻm không còn lo lắng. Đều đặn hai ngày một lần, xe đẩy hàng của các chú bộ đội, dân quân lại chuyển thực phẩm đến, không ít lần là rau, củ-sản phẩm tăng gia của đơn vị. Rác thải hằng ngày cũng đều được các chú bộ đội, dân quân thu gom sạch sẽ. Bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, các chú vẫn vui vẻ, nhiệt tình phục vụ bà con khi có yêu cầu.

Vào một đêm em gái của em bị sốt, uống thuốc, lau nước nóng vẫn không hết; ngoài trời mưa lớn, gió to; không còn cách nào khác, mẹ em phải gọi điện thoại nhờ tới sự giúp đỡ. Hơn 10 phút sau, hai chú bộ đội và một cô y tá đến thăm khám, cho thuốc. Mẹ em mừng lắm, thấy cô chú đêm hôm vất vả, gửi quà cảm ơn nhưng các cô chú không nhận, nói "đó là nhiệm vụ của tổ công tác chúng tôi" rồi ra về và dặn mẹ em hễ có việc gì cần thì phải liên lạc ngay.

Ba em cũng là bộ đội. Khi dịch bệnh bùng phát, ba phải ở đơn vị không được về nhà. Vì thế, mấy thùng xốp trồng rau sạch của ba cũng bỏ không. Những ngày phong tỏa, 3 mẹ con em tập trồng rau vừa để thư giãn, vừa có rau sạch cải thiện bữa ăn gia đình. Qua tìm hiểu trên mạng và hướng dẫn của ba em qua điện thoại, mẹ và em cũng đã gieo thành công một số loại rau như: Rau dền, rau cải, mồng tơi, hẹ; đặc biệt là trồng hành lá bằng phương pháp thủy canh. Em đã làm và thu hoạch chỉ ít hôm sau đó.

14 ngày trôi qua, từ cảm giác lo lắng đến an tâm, vui mừng khi kết quả xét nghiệm của tất cả mọi người trong hẻm đều âm tính. 14 ngày trong khu phong tỏa đã cho em trải nghiệm được nhiều điều. Em biết trồng rau, phụ giúp mẹ làm việc nhà, hiểu nhiều hơn về nhiệm vụ của ba và của các chú bộ đội, dân quân. Trên hết là bài học về sự sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Cùng lúc đó, lệnh phong tỏa cũng được gỡ bỏ. Mọi người góp tiền mua trái cây, bánh kẹo gửi tặng các chú bộ đội, dân quân. Lần này các chú không từ chối, nhận rồi phát lại bánh kẹo cho đám trẻ trong ngõ. Điều khiến em ngạc nhiên nhất là những ngày sau, lũ trẻ trong ngõ phát minh ra một trò chơi mới- “Trò chơi tập làm chú bộ đội”. Và đó cũng còn là ước mơ sau này của em.

 Các bài viết cộng tác với Chuyên mục "Covid-19 - Nhật ký đối mặt" xin gửi về địa chỉ email: kinhte@qdnd.vn và dientu@qdnd.vn

TRẦN VŨ PHƯƠNG TÂM (Quận Bình Thủy, TP Cần Thơ)