Nhưng ở một bệnh viện điều trị Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh, nơi điều trị bệnh nhân nặng, nơi tôi đang là tình nguyện viên làm việc gần hai tháng nay, chúng tôi tính thời gian bằng giờ, bằng phút, bằng giây... Cái thu nhận được lớn nhất chính là thấy cuộc sống thật vô thường, chúng ta phải trân quý từng phút giây đang sống.
Quanh chúng tôi luôn là tiếng máy móc tít tít... tít tít..., tiếng chân chạy vội vã, dồn dập, rồi những lời hỏi han, động viên lẫn nhau cố gắng sống. Tôi không cầm được nước mắt khi chứng kiến hình ảnh đôi vợ chồng già. Bà không qua khỏi, ông đi không nổi vì đang thở oxy và có bệnh nền liên quan hô hấp, nhưng ông xin bằng được bác sĩ để chúng tôi đẩy xe xuống nhìn mặt vợ lần cuối. Chẳng phải riêng hoàn cảnh của ông bà, mà cũng có những gia đình khác, họ vào chữa trị cùng nhau, nhưng rồi không ít người đã gục xuống khóc nghẹn nhìn người thân mình ra đi... mất nhau mãi mãi... Dù đau đớn lắm, nhưng trong tình cảnh dịch bệnh này, họ vẫn còn may mắn, bởi được gặp mặt người thân mình lần cuối. Các bác sĩ, nhân viên y tế và tình nguyện viên chúng tôi luôn phải lặng lẽ làm việc trong nước mắt vì quá thương các bệnh nhân và nhiều lúc tự trách mình vì quá bất lực.
 |
Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: TTXVN. |
Đêm qua... vẫn những gì quen thuộc, nhưng có một điều làm tôi hạnh phúc và thấy thật nhiều hy vọng. Tôi được thấy một sinh linh mới chào đời. Bé được đẻ mổ trong đêm, nặng 3kg. Bé chỉ khóc một chút rồi lại rất ngoan. Tôi nhìn thấy em bé được y, bác sĩ trong khoa sản bồng bế, chăm chút trong khi chờ đợi mẹ của em lành vết thương sau mổ. Có lẽ nơi tuyến cuối cùng này, hình ảnh của em bé sơ sinh, khởi đầu của một cuộc đời mới, chính là niềm hy vọng, một nguồn động lực mới để những người đang chiến đấu với bệnh tật phải cố gắng hơn.
Tại bệnh viện này, đội ngũ y tế quay cuồng trong guồng công việc. Số lượng tình nguyện viên luôn thiếu hụt do nhiều lý do như: Không may nhiễm bệnh phải được điều trị; vào đội đi test Covid-19; gia đình gọi về... Anh em còn lại đành bảo nhau cố gắng hết sức lấp vào khoảng trống. Chúng tôi động viên nhau, hỗ trợ được cái gì hay cái đó, còn 5 người thì 5 người làm, còn một người thì một người làm. Sự yếu đuối luôn tồn tại trong mỗi con người. Tôi cũng đã có lúc rất mệt mỏi, muốn rút khỏi hàng ngũ. Nhưng tôi nghĩ, nếu mình bỏ cuộc, rất có thể có người sẽ nản và bỏ cuộc theo, hậu quả của hiệu ứng domino là rất lớn.
Tôi không phải là người mạnh khỏe gì, ngược lại có rất nhiều bệnh nền. Bác sĩ và anh em khuyên can rằng không nên vào đây, thậm chí có người hỏi: “Không sợ chết à?”. Đối với một người đã từng trải qua những khoảnh khắc sinh tử vì bệnh tật như tôi thì cái chết thật đáng sợ. Nhưng điều quan trọng hơn là tôi muốn từng giây phút mình sống trên đời phải ý nghĩa. Do đó, suốt hơn 3 tháng qua, cả trước khi chính thức làm việc trong bệnh viện, tôi đã tham gia nhiều hoạt động chống dịch như hỗ trợ đội ngũ y, bác sĩ, hỗ trợ bà con bình oxy, đưa người bệnh đi cấp cứu, cung cấp thực phẩm và thậm chí là mai táng người xấu số.
Qua mạng xã hội, tôi tham gia mạng lưới Đội xe cấp cứu và oxy 0 đồng. Bệnh nhân cần oxy hay đi cấp cứu có thể gọi tới số điện thoại của tôi hoặc các anh em trong mạng lưới. Tôi hoạt động độc lập, ca nào tự xử lý được sẽ tự mình xử lý. Còn ca nào cần hỗ trợ, tôi nhờ các anh em trong mạng lưới cùng đi. Mọi người cũng hoạt động tương tự. Hầu hết chúng tôi là những người chưa từng gặp mặt. Chúng tôi chỉ kết nối với nhau qua thông tin đăng tải trên nhóm nhưng vì cùng chung một mục tiêu là giúp người nên bất cứ ai đăng thông báo cần hỗ trợ, anh em trong nhóm sẽ có mặt ngay. Ai cũng xông xáo và nhiệt tình. Tôi nhớ có hôm chở một bệnh nhân đi cấp cứu mà mất đến 3 tiếng đồng hồ. Hôm đó, một anh lái xe cấp cứu trong nhóm gọi tôi đi cùng hỗ trợ giúp hai mẹ con từ khu cách ly quận 9 tới Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Củ Chi. Anh chạy xe từ quận Bình Tân lên quận 1 đón tôi, sau đó di chuyển tới quận 9 đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Người mẹ đã 91 tuổi, có nhiều bệnh nền, đi lại không vững nên tôi phải bế cụ lên xe cấp cứu. Tôi gầy lắm, chỉ có 45kg nên bế ai cũng thấy nặng, không hiểu sao vào những giây phút đó, tôi có thể làm được. Mở điện thoại sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đồng hồ đã báo hơn 12 giờ đêm. Trên đường về, hai anh em mệt rã rời nhưng đều vui vì hỗ trợ họ được phần nào.
Nhờ những công việc thiện nguyện này, tôi quen thêm nhiều người bạn mới có trái tim tử tế, tôi cảm nhận được sự chân tình trong lúc hoạn nạn từ các anh em. Cũng nhờ vậy mà chúng tôi thấy cuộc sống này thật nhiều màu sắc và ý nghĩa. Tôi biết đến thời điểm này, sau 3 tháng ròng rã chiến đấu với dịch bệnh, nhiều anh em trên khắp các mặt trận chống dịch cảm thấy thấm mệt, vì ai cũng đã hoạt động hết công suất. Nhưng chúng tôi vẫn duy trì niềm tin chiến thắng, mình tin vào điều gì, điều đó sẽ dẫn lối mình đi.
NGUYỄN NGỌC HÙNG (685 Âu Cơ, phường Tân Thành, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh)
Các bài viết cộng tác với Chuyên mục "Covid-19 - Nhật ký đối mặt" xin gửi về địa chỉ email: kinhte@qdnd.vn và dientu@qdnd.vn. |