Chiều muộn, mới đi công tác về, tiếng chuông điện thoại đường dây nóng đổ liên hồi. Nghe vậy tôi thoáng nghĩ chắc lại có bệnh nhân cần hỗ trợ. Bắt máy “a lô”, phải vài giây sau mới có tiếng nam thanh niên trả lời. Giọng nói nghẹn ngào: “Bác sĩ ơi, mẹ em mất rồi!”. Nhận tin buồn, tôi động viên anh rồi liền chạy xe đến hỗ trợ gia đình. Căn nhà chật hẹp nằm sâu trong con hẻm nhỏ. Người vừa ra đi là một bà cụ nằm liệt giường đã nhiều ngày nay. Bà từng là F0 và được điều trị khỏi bệnh. Thế nhưng do tuổi cao, nhiều bệnh nền, sức kiệt nên bà đã ra đi. Thật cảm thương gia cảnh trong những ngày bà trở bệnh nặng thì anh con trai bị nhiễm SARS-CoV-2 phải đi điều trị tập trung. Lúc bà nằm đó, chỉ có người em gái cao tuổi chăm sóc. Thường ngày, tôi vẫn đến thăm khám cho bà. Khi người con trai bình phục trở về thì bà mẹ lại ra đi. Chứng kiến cảnh ấy, tôi thấy thật xót xa!
 |
Y sĩ Đỗ Văn Hải lấy mẫu xét nghiệm bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà. |
Đã hơn một tháng nay, tôi cùng các bác sĩ, điều dưỡng Viện y học Phòng không - Không quân vào công tác tại trạm y tế lưu động ở quận 10, TP Hồ Chí Minh. Tổ công tác của tôi gồm 3 đồng chí đảm nhiệm điều trị các ca bệnh F0 tại nhà, hỗ trợ cấp cứu bệnh nhân thường, thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho người dân trên địa bàn phường 10 (quận 10). Mỗi ngày làm việc, tôi tiếp xúc với rất nhiều trường hợp F0, người mắc bệnh hiểm nghèo. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng khi mắc bệnh đều rất đáng thương. Họ phải gồng mình chống chọi với bệnh tật, phải xa cách người thân, thậm chí nhận những tin xấu khi người thân yêu nhất ra đi. Thế nên, ngoài điều trị bệnh lý, chúng tôi còn phải an ủi, động viên tinh thần người bệnh rất nhiều.
Dù tổ công tác đã nỗ lực khám, chữa bệnh nhưng đôi khi vẫn có những điều không mong muốn xảy ra. Tôi vẫn trăn trở mãi về một trường hợp bệnh nhân trên địa bàn mình phụ trách. Đó là một người đàn ông trung niên bị tiểu đường biến chứng. Bàn chân lở loét không thể đi lại được, nếu để lâu có thể bị hoại tử, nhiễm trùng máu, ảnh hưởng đến tính mạng. Thấy vậy, anh em trong tổ công tác khuyên ông chuyển viện điều trị ngay. Thế nhưng do sợ đến bệnh viện bị lây nhiễm chéo Covid-19, lại không có người chăm sóc nên ông nhất quyết không chịu đi. Trong điều kiện khám chữa bệnh lưu động, chúng tôi không có nhiều trang bị và thuốc men điều trị khi bệnh của ông đã chuyển biến nặng. Gần một tuần, tôi vừa lo chạy chữa vừa kiên trì thuyết phục ông. Anh em trong tổ còn nhờ địa phương và bà con hàng xóm đến động viên. Mãi sau ông mới chịu đi viện. Sau hai ngày làm các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán và quyết định phải cắt bỏ chân bên trái. Biết tin, tôi thực sự rất buồn, giá như ông chịu đi sớm thì sẽ được chữa trị kịp thời, đâu phải mất đi một phần thân thể!
Ở trong các con hẻm nhỏ vẫn còn những bệnh nhân F0 điều trị tại nhà. Không kể mưa nắng, cứ đều đặn hằng ngày tôi cùng đồng đội đến thăm khám từng trường hợp. Bệnh nhân nặng khó thở sẽ được tiếp oxy kịp thời, nếu diễn biến xấu sẽ quyết định chuyển tuyến. Những bệnh nhân nhẹ tự chăm sóc được thì kiểm tra bằng cách gọi điện và hướng dẫn các yêu cầu cần thiết. Dù bệnh nặng hay nhẹ cũng được tổ công tác quan tâm, chăm sóc thường xuyên với mong muốn giảm dần số ca F0. Thế nên bất kể sớm khuya, nắng mưa, chúng tôi đều đặn đi thăm khám, chữa trị bệnh nhân trên địa bàn phụ trách.
 |
Y sĩ Đỗ Văn Hải (ngồi sau) cơ động tiếp oxy cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. |
Với chiếc xe máy, anh em cơ động vào tận ngóc ngách nơi có bệnh nhân đang nằm chờ. Bất tiện nhất khi xe chạy giữa đường thì trời đổ mưa. Những cơn mưa rào ập đến rất nhanh. Nước mưa thấm vào đồ bảo hộ y tế là phải quay về thay đồ ngay nhằm bảo đảm an toàn. Chúng tôi cũng là những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, nguy cơ lây nhiễm rất cao, nếu sơ sểnh một chút là mình trở thành F0 ngay. Vất vả là vậy nhưng anh em ai cũng cố gắng, động viên nhau điều trị chăm sóc tốt bệnh nhân.
Có những đêm không ngủ. Điện thoại đường dây nóng đổ chuông liên hồi. Tôi lại tức tốc lên đường. Còn nhớ, một trường hợp bệnh nhân Covid-19 nặng là thương binh. Ông bị cụt mất một cánh tay, tuổi lại cao nên khi mắc bệnh, sức khỏe suy giảm nhanh chóng. Nghe điện gọi cần bình oxy gấp, anh em liền đi ngay trong đêm. Tình trạng bệnh khá nặng, tổ công tác đề nghị chuyển tuyến. Thế nhưng bản thân người bệnh và gia đình xin ở nhà và sẵn sàng đón nhận tình huống xấu nhất. Trước nguyện vọng của gia đình, tổ công tác đành để lại và quyết tâm điều trị. Tôi căn dặn người nhà bất kể lúc nào bệnh nhân có triệu chứng khác thường phải gọi điện ngay. Và thật may mắn, sau quá trình điều trị, bệnh tình của ông đã chuyển biến tích cực. Tới nay, sau 14 ngày xét nghiệm ông đã có kết quả âm tính. Niềm vui đã trở lại trên gương mặt người thương binh già cùng toàn thể gia đình. Chứng kiến điều đó, chúng tôi cũng thấy vui lây, có thêm quyết tâm chữa trị nhiều bệnh nhân.
Đêm, tổ công tác trở về nghỉ trong khu trường mầm non của phường 10. Ngôi trường mới sửa chữa lại chưa đưa vào sử dụng. Điều kiện vật chất còn thiếu nhiều. Thế nhưng anh em trong tổ tự khắc phục trong sinh hoạt cá nhân. Tôi mong sao dịch bệnh mau qua, ngôi trường này sẽ được củng cố khang trang và lại rộn vang tiếng nói cười của các em nhỏ. Khu phố sẽ không còn bệnh nhân, người dân không phải gồng mình chống dịch. Khi ấy, niềm vui sẽ lại rạng ngời trên những gương mặt thân yêu!
Đại úy QNCN ĐỖ VĂN HẢI (Y sĩ, Khoa Mắt - Răng Hàm Mặt, Viện y học Phòng không-Không quân)