Cuộc chiến với Covid-19 của tôi tại Bình Dương kéo dài liên tục 37 ngày. Mỗi ngày làm việc tôi luôn tự tìm cho mình niềm vui trong công việc, đó là sự tiến triển của bệnh nhân: Bệnh nhân đang thở máy có khá hơn chút nào không? Bệnh nhân tràn khí dưới da có giảm chút nào không?... Tuần cuối, tôi thấy mình như kiệt sức, thường xuyên bị cảm lạnh, sáng dậy rất mệt mỏi, tim luôn đập nhanh, như hụt hơi. Phải chia tay thôi, phải về nghỉ vì nếu đổ bệnh thì lại phiền mọi người phải phục vụ mình. Nhưng về khi dịch chưa hết, lòng tôi vô cùng áy náy.

Tôi tuổi cao và một số người phải về trước. Lúc này, ở các tầng dưới, bệnh nhân nhẹ hơn đang ra viện, quy mô giảm dần. Nhưng cuộc chiến ở tầng bệnh nặng nhất vẫn đang tiếp diễn. Các đồng đội của tôi còn rất vất vả. Buổi sáng qua, sau giao ban là những phút giây chia tay ngắn gọn nhưng cảm động. Đủ cả giọng nói ba miền Bắc-Trung-Nam. Các bạn vẫn miệt mài chiến đấu cho đến ngày đẩy lùi hoàn toàn dịch bệnh. Chia tay, tôi chắc chắn nhớ các bạn nhiều.

 Bác sĩ chụp ảnh lưu niệm trước khi chia tay. 

Trong hơn một tháng qua, tôi đã thu nhận được rất nhiều. Cái được lớn nhất là cảm giác được hòa mình vào việc chung, được đóng góp chút sức lực nhỏ bé vào việc nghĩa. Cái cảm giác này hạnh phúc vô cùng. Nhiều người cũng muốn đi, nhưng mỗi người một hoàn cảnh, không phải ai cũng được toại nguyện nên tôi thấy mình là người may mắn. Cái được thứ hai là tôi đã vượt qua nỗi sợ của bản thân. Sợ chứ! Ngay khi biết tin tôi có ý định đi vào vùng dịch, một người bạn gửi cho tôi thống kê về tử vong do Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong đó cho thấy so với người ở độ tuổi 20 thì những người hơn 60 tuổi như tôi nếu mắc Covid-19 thì tỷ lệ nhập viện cao hơn gấp 4 lần, tỷ lệ tử vong cao gấp 35 lần. Nhưng tôi biết, nếu tôi không đi thì tôi cũng rất khó sống với cái dằn vặt vì đứng ngoài cuộc chống dịch, nên tôi đã quyết tâm đi. Và đến tận bây giờ, khi đến ngày chia tay Bình Dương, tôi vẫn an toàn với Covid-19. Thật mừng!

Nói vui vậy thôi, chứ việc tôi và đồng đội cho dù ở ngay tâm dịch nhưng vẫn an toàn, thì công đầu thuộc về cách tổ chức bệnh viện rất khoa học của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Phân chia vùng nhiễm khuẩn rõ ràng, hợp lý; thực hiện các nguyên tắc khử khuẩn chặt chẽ; đồ bảo hộ đầy đủ, chất lượng bảo đảm; ý thức nhân viên tự giác cao. Cùng với đó là cơ sở vật chất tuyệt vời của Bệnh viện Quốc tế Becamex: Hệ thống thông gió tốt, cửa kính lớn khử khuẩn bằng tia nắng, hệ thống nhà vệ sinh nhiều và rất sạch sẽ, hệ thống buồng tắm khử trùng đầy đủ, luôn có nước nóng, đội ngũ vệ sinh chuyên nghiệp... Tất cả đã bảo vệ nhân viên không bị lây nhiễm, giữ được quân số chiến đấu. Trong quãng đời 60 năm của mình, tôi chưa khi nào sạch đến thế, ngày tắm 3 lần, suốt trong 37 ngày. Dịch bệnh khốc liệt. Số người ra đi nhiều quá, rất ám ảnh. Tôi phải cố tìm trong bức tranh u ám ấy chút ánh sáng ấm áp. 

Dịch bệnh đau thương này rồi sẽ qua đi, nhưng những tổn thương về vật chất và tinh thần  có thể còn lâu mới khắc phục được hoàn toàn. Bản thân tôi cũng vậy. Cái cảm giác buồn, day dứt, áy náy chắc sẽ còn lâu mới nguôi ngoai. Chỉ có tình nghĩa đồng bào sẽ dần xoa dịu những vết thương lòng. Điều dưỡng Mai, người suốt ngày quay cuồng với các loại thuốc men vật tư khổng lồ của phòng bệnh dã chiến, một hôm nhỏ nhẹ bảo tôi: "Hôm nào bác ra, bác chụp chung với con kiểu ảnh nhé, con thích đọc những dòng nhật ký của bác". Ôi, thật là cảm động! Và sáng nay, hai bác cháu tôi đã chụp chung kiểu ảnh. Những kỷ niệm như thế sẽ giúp tôi nhớ về đại dịch, nơi không chỉ có đau thương, ở đó còn có rất nhiều ân tình mà không phải lúc nào ta cũng cảm nhận được.

Bác sĩ QUAN THẾ DÂN (Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu Bình Dương)

Các bài viết cộng tác với Chuyên mục "Covid-19 - Nhật ký đối mặt" xin gửi về địa chỉ email: kinhte@qdnd.vn và dientu@qdnd.vn.