14 giờ chiều, tôi cùng 4 đồng nghiệp có mặt tại Bệnh viện Bạch Mai-nơi thực hiện mũi tiêm thứ nhất cho các phóng viên, nhà báo theo danh sách của Bộ Y tế. Sau khi hoàn thành các thủ tục cần thiết như điền thông tin cá nhân, khai báo y tế ở sảnh tầng một, chúng tôi được hướng dẫn lên tầng hai, là khu vực tiêm. Tại đây, các bác sĩ đo huyết áp, kiểm tra nhịp tim, hỏi các thông tin về tiền sử bệnh tật của người được tiêm và tư vấn những phản ứng thường gặp sau khi tiêm. Những trường hợp không đủ điều kiện sức khỏe sẽ không được tiêm vaccine dịp này.
Sau khi hoàn tất bước khám sàng lọc, giây phút tôi hồi hộp nhất cũng đến. Tiêm là việc tôi vốn rất sợ vì... đau, thế nhưng nó lại diễn ra theo cái cách mà tôi không nghĩ đến, bởi vốn cho rằng đây là một loại vaccine mới nên việc tiêm cũng sẽ rất đặc biệt. Khi mới có cảm giác mũi kim chích vào bắp tay, tôi còn chưa kịp nhăn mặt, bặm môi thì bác sĩ đã cười, nói: Tiêm xong rồi!
 |
Tiêm vaccine phòng Covid-19. Ảnh minh họa: TTXVN. |
Sau một tiếng theo dõi tại bệnh viện, tôi yên tâm ra về. Trên tay cầm theo bản hướng dẫn chi tiết những phản ứng có thể gặp phải sau khi tiêm, lưu ý về chế độ sinh hoạt, ăn uống cũng như cần phải làm gì nếu cơ thể phản ứng mạnh với vaccine. Trong khoảng 6 giờ đầu, cơ thể tôi hoàn toàn bình thường. Thế nhưng không lâu sau đó, những triệu chứng đầu tiên bắt đầu xảy ra. Vết tiêm hơi sưng và đau, cùng với đó là những cơn đau nhức, mỏi người-triệu chứng như bị cảm cúm xuất hiện.
Tôi bị sốt vào 10 giờ sáng hôm sau-tức là khoảng 20 tiếng sau khi tiêm vaccine. Thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, tôi đo nhiệt độ thường xuyên, nếu sốt trên 38,5oC thì mới cần dùng đến thuốc hạ sốt. Rất may, tôi không sốt cao, chỉ trong khoảng 37,5 đến 38oC. Với suy nghĩ để cơ thể tự hồi phục là tốt nhất, tôi không dùng thuốc, uống nhiều nước, đặc biệt là nước cam, ăn nhiều hoa quả, ăn nhiều bữa hơn thường ngày. Đến 16 giờ chiều, tôi hoàn toàn cắt sốt, các cơn đau nhức giảm dần, chỗ tiêm chỉ còn hơi nhức một chút. Hai ngày sau khi tiêm, cơ thể hoàn toàn bình thường, tôi thở phào nhẹ nhõm.
Tiếp tục công việc quen thuộc hằng ngày nhưng tâm lý tôi trong trạng thái mới: Yên tâm hơn, tự tin hơn khi đi tác nghiệp. Hỏi thăm các đồng nghiệp, đa phần mọi người đều trải qua các giai đoạn như tôi, cũng có vài người biểu hiện nặng hơn như sốt cao, kéo dài hơn, nhưng cũng có người cơ thể hoàn toàn bình thường, không có bất cứ một phản ứng nào.
Trước khi tiêm vaccine phòng Covid-19, chính bản thân tôi đã có lúc hoài nghi quyết định của mình. Nhỡ chẳng may..., hay là thôi? Nhưng là một phóng viên, đi nhiều nơi, gặp nhiều người, tôi hiểu rằng mình có thể sẽ là F1, F2 hoặc chính bản thân tôi sẽ là F0. Lo lắng là có thật, nhưng trách nhiệm thì nhiều hơn, trách nhiệm giữ an toàn cho bản thân mình và những người xung quanh trong thời điểm dịch diễn biến còn căng thẳng, khó lường.
Có lẽ vẫn còn có những người hoài nghi về tính an toàn và hiệu quả của vaccine phòng Covid-19. Có những người “nghe người ta nói...” mà có tâm lý chờ đợi loại vaccine này, vaccine kia để an toàn hơn, hiệu quả hơn? Tâm lý đó cũng dễ hiểu, nhưng mỗi người cần phải rộng lượng hơn trong suy nghĩ, trau dồi kiến thức, nhận thức đúng và đủ trách nhiệm cũng như quyền lợi của mình trong phòng, chống dịch Covid-19 mà trong đó vaccine là thứ vũ khí trực tiếp nhất, hiệu quả nhất để phòng, chống dịch. Nhìn ra thế giới, những nước có tỷ lệ tiêm vaccine cao đã ngăn chặn rất hiệu quả dịch Covid-19.
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự hy sinh, cống hiến ngày đêm của đội ngũ thầy thuốc trên tuyến đầu, sự góp sức thầm lặng của các chiến sĩ quân đội, công an trên mọi miền Tổ quốc, thì chính mỗi người dân với hành động đầy trách nhiệm của mình cũng là một chiến sĩ cùng chung tay phòng, chống dịch.
Hà Nội, ngày 6-7-2021
TRẦN HOÀNG HƯƠNG, Phóng viên Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh tại Hà Nội
Các bài viết cộng tác với Chuyên mục "Covid-19-Nhật ký đối mặt" xin gửi về địa chỉ email: kinhtebqd@gmail.com và dientubqd@gmail.com. |