Thời gian gấp là thế tôi không có thời gian dành cho gia đình, con nhỏ, vợ đi làm xa tôi thật sự lo lắng không biết phải nói như thế nào để người thân yêu của mình hiểu và thông cảm cho nhiệm vụ đặc biệt này. Khi nghe tôi nói chuyện qua điện thoại, vợ tôi chỉ im lặng trong tiếng nấc nghẹn ngào, tôi cảm nhận được những lo lắng, bất an, những giọt nước mắt đang lăn dài trên khuôn mặt bé nhỏ ấy; sau vài phút bình tâm vợ tôi đã thấu hiểu và động viên tôi yên tâm lên đường công tác. Vậy đấy! Xa lại càng thêm xa, nhưng vì nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng không cho phép tôi suy nghĩ nhiều hơn nữa. Chiều ngày hôm ấy, tôi vội vàng thanh thủ về ôm con gái nhỏ mới 21 tháng tuổi của tôi vào lòng, cầm đôi bàn tay bé nhỏ của con mà nước mắt tôi trào ra.
Đến Bình Dương đoàn được giao nhiệm vụ được phân công về các phường có tỷ lệ số ca lây nhiễm trong cộng đồng cao nhất là thành phố Thuận An và thành phố Thủ Dầu Một với một kíp xe cứu thương có một lái xe một quân y. Nhiệm vụ chính của chúng tôi là trực xe cấp cứu lưu động có nhiệm vụ đi chở bệnh nhân F0 đi cách ly, cấp cứu tại bệnh viện và chở bệnh nhân cấp cứu không phải do nhiễm Covid-19 đi khám chữa bệnh vì toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ Tướng chính phủ.
 |
Trung úy QNCN Trang A Vàng giúp người nhiễm Covid-19 lên xe cấp cứu tới nơi điều trị. |
Tối hôm đó, tổ chúng tôi được giao nhiệm vụ chở một bệnh nhân cấp cứu suy hô hấp do dương tính với SARS-CoV-2. Vì mới đến, không thông thuộc đường xá, chúng tôi đi theo định vị Google Map nên mất khá nhiều thời gian mới tiếp cận được bệnh nhân. Lúc đó tôi còn nhớ rất rõ vì đây là lần đầu tiên tiếp xúc gần với bệnh nhân F0 nên cũng có chút lo lắng và lúng túng kèm theo một chút sợ hãi, nhưng khi thấy bệnh nhân đang nguy kịch nếu không nhanh thì tỷ lệ sống sót của bệnh nhân sẽ thấp đi rất nhiều. Không mảy may suy nghĩ, tôi liền lên xe mắc dây thở oxy cho bệnh nhân. Chưa có kinh nghiệm nhiều thao tác còn lúng túng và đặc biệt là quy tắc an toàn tự bảo vệ mình gần như là không có.
Chuyển xong ca bệnh nhân đó ra đến viện thì toàn thân ướt đẫm mồ hôi và có cảm giác khó thở vì đây là lần đầu tiên mặc bộ quần áo bảo hộ kèm theo đeo hai lớp khẩu trang và kính chắn giọt bắn tôi cũng có cảm giác như bản thân cũng bị suy hô hấp cần hỗ trợ oxy vậy. Thật sự lúc phải đối mặt với tử thần giành lấy sự sống thì con người vô cùng mong manh, tôi cảm thấy mình đã góp một chút công sức nhỏ bé của mình để cứu lấy một sinh mạng có thể trong khoảnh khắc ngắn thôi phải lìa xa cõi trần.
Cuộc chiến với tử thần chúng tôi chưa phút giây nào lơ là, lúc nào cũng ở tâm thế sẵn sàng chiến đấu. Từ đầu chúng tôi đã xác định rõ ràng nhiệm vụ cứ đi tiếp cận một ca F0 đi cấp cứu là một trận đánh nên trước khi thực hiện nhiệm vụ công tác chuẩn bị tỷ mỉ, kín kẽ bao nhiêu thì tỷ lệ bị lây nhiễm cũng thấp đi bấy nhiêu. Đó cũng chính là quy tắc vàng khi làm nhiệm vụ chống dịch.
Đặc biệt là vào nửa đêm ngày 2-9, tổ chúng tôi hầu như không ngủ di chuyển bệnh nhân đi cấp cứu ở các huyện, F0 đi cách ly. Tổng số ca vận chuyển trong ngày hôm đấy lên đến con số 13 ca. Những ngày đầu vận chuyển bệnh nhân F0 đi vào viện điều trị mà thực sự có quá nhiều ca, quá nhiều người, vượt quá sức tưởng tượng của chúng tôi, nếu không được tận mắt chứng kiến thì cũng không dám tin.
Nếu chỉ thấy hình ảnh trên các trang mạng xã hội, các kênh truyền thông đó chỉ là một góc nhỏ trên mặt trận chống dịch. Còi xe cứu thương, cấp cứu thì inh ỏi cả ngày lẫn đêm không có ngày nào là không có, cứ mỗi lần chuyển bệnh nhân F0 xuống đến viện là lại thấy vừa hoang mang vừa sợ vì phải chứng kiến quá nhiều tình cảnh khác nhau. Trong khu điều trị F0 không có người nhà, người thân chăm sóc, ngoài đội ngũ y bác sĩ những người không được may mắn không qua khỏi thì lần cuối cùng được gặp người thân, nhìn thấy người thân là trước khi lên xe cấp cứu đến và đưa đi, ánh mắt nhìn theo bóng xe cấp cứu chứa đầy sự lo lắng của người nhà bệnh nhân. Không may mắn thì đó là cuộc gặp cuối cùng…
Vậy đấy! Những người làm nhiệm vụ ở tuyến đầu vô cùng gian nan và vất vả, không sợ hy sinh gian khổ, không mong bản thân được đi ngủ đúng giờ giấc vì chỉ sợ nếu không cố gắng, không kiên trì, không hết sức mình thì sẽ không đẩy lùi, chiến thắng dịch trả lại cuộc sống bình yên vốn có cho nhân dân. Cứ thế ngày qua ngày dần dần cũng quen không cảm thấy nặng nề như lúc mới nữa.
Tận mắt chứng kiến sự nguy hiểm của dịch bệnh, nên bản thân tôi và các chiến sĩ ở tuyến đầu muốn nhắn nhủ: “Trước khi muốn ra khỏi nhà, chúng ta nên cân nhắc và hãy thực hiện đầy đủ khuyến cáo của Bộ Y tế và chấp hành nghiêm các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là ý thức sẽ quyết định đến thắng hay bại”.
Dù phải xa nhà nhiều ngày, làm việc trong điều kiện vất vả, nguy cơ cao, nhưng với tinh thần “vì nhân dân quên mình”, chúng tôi vẫn ngày đêm tham gia trên tuyến đầu chống dịch, giúp người bệnh vượt qua những thời điểm nguy kịch để trở về với cuộc sống bình thường góp phần tô thắm lên hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” tỏa sáng trong lòng nhân dân.
Trung úy QNCN TRANG A VÀNG (Nhân viên Quân y, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 601, Quân khu 1)