Đúng 1 giờ sáng, sau lệnh xuất phát, hàng chục chiếc xe của 3 mũi công tác lao vào màn đêm vốn đã tĩnh mịch nay càng thêm im vắng vì dịch bệnh đang hoành hành. Chuyến đón công dân tỉnh An Giang (đợt 1) về địa phương từ các tỉnh, thành phố có dịch Covid-19 cũng đến giây phút khởi hành. Và tôi thấy mình may mắn khi được có mặt trên những chuyến xe đó. Một nhiệm vụ đầy tính nhân văn, tình đồng chí, nghĩa đồng bào sắp được thực hiện.
Ban đầu, tôi hình dung việc đón công dân cũng khá đơn giản và sẽ thực hiện nhanh chóng. Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Chỉ trong thời gian ngắn, bao việc dồn đến, từ lấy mẫu xét nghiệm nhanh đến bảo đảm giãn cách... khi lượng người lấy mẫu xét nghiệm đến rất đông.
 |
Phóng viên tác nghiệp trong chuyến xe đón công dân trở về từ vùng dịch. |
Trong số hơn 200 công dân từ Bình Dương được đón về An Giang đợt này hầu hết là phụ nữ đang mang thai từ 7 tháng trở lên. Số ít là các cụ già và em nhỏ. Hình ảnh hàng trăm "bà bầu" nặng nhọc di chuyển đến địa điểm lấy mẫu xét nghiệm, trong nắng gắt nơi bến xe khách càng làm tôi thấy thương cảm. Tình nghĩa đồng bào, sự giúp đỡ công sức, sẻ chia của các cấp chính quyền và người dân, các y sĩ, bác sĩ, tình nguyện viên đã giúp cho những người xa quê ở Bình Dương trong lúc khó khăn, hoạn nạn cảm thấy ấm lòng. Có người về mang cả tro cốt người thân mất vì Covid-19-một “hành lý” mà không ai mong muốn trong hành trình ngày trở về này. Đại dịch Covid-19 đã lấy đi quá nhiều! Lân la hỏi chuyện, những bà con về An Giang đều rưng rưng kể: Hơn 4 tháng nay, dịch bùng phát, khó khăn mọi bề, từ cái ăn, cái mặc, chỗ ở. May được chính quyền địa phương và mọi người giúp đỡ...
Qua tìm hiểu, tôi mới biết về hoàn cảnh của chị Lê Thị Giàu. Chồng chị về quê lúc chị mang thai được 3 tháng. Ngỡ vài ngày anh sẽ trở lại ai ngờ dịch bùng phát, các địa phương áp dụng biện pháp giãn cách nên anh không thể quay lại Bình Dương như dự định ban đầu. Hơn 4 tháng một mình lo toan mọi thứ. Cái thai trong bụng ngày càng lớn. Ngày nghe tin các địa phương tổ chức đón người dân từ vùng dịch trở về, chị nuôi hy vọng trong những ngày sinh nở sắp tới sẽ có vòng tay yêu thương, chăm sóc của người thân nơi quê nhà... Và hôm nay, điều mong mỏi ấy đã thành hiện thực.
Sau hơn 3 tiếng thực hiện lấy các mẫu test nhanh, lực lượng y tế, thanh niên tình nguyện đều có vẻ thấm mệt. Tôi thấy nhiều đôi găng tay đã ướt sũng, những tấm chắn đã nhòe nước; tóc trên đầu đã bết lại vì mồ hôi đổ không ngừng. Mặc cho nắng nóng và mệt mỏi, họ vẫn thực hiện công việc bằng tất cả sự nhiệt tình, miệng liên tục hô: “Chị nào về Tịnh Biên”, “Cô chú nào về Phú Tân”... rồi hỗ trợ mặc giúp những bộ đồ bảo hộ cho những cụ già và các chị mang thai nhiều tháng không thể tự mặc được những bộ đồ đặc dụng. Chủ động xách túi, vali cho bà con lên xe sắp đặt ngay ngắn. Rồi cả đoàn được chiếc xe Cảnh sát Giao thông tỉnh Bình Dương dẫn đưa đến tận địa phận giáp ranh của tỉnh như lời chào thân ái. Xúc động nhất là hình ảnh khi đoàn xe đến địa phận TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, rất nhiều người đã đứng tại cửa nhà vẫy tay, hoan hô, chào đón như chào đón chính người thân của mình trở về nhà.
Dịch Covid-19 bùng phát khiến đường về của những người đi làm ăn xa cũng thật gian nan. Ngày tiếp đến với họ cũng không phải dễ. Nhưng với các công dân được trở về quê nhà, được yêu thương, tiếp đón quả là sự động viên rất lớn. Còn đối với tôi và các anh em phóng viên trực tiếp có mặt trong chuyến hành trình này quả là một kỷ niệm đáng nhớ. Và tôi đã cảm nhận được thế nào là hai chữ "nghĩa tình", "sẻ chia" trong khó khăn khi thấy được ánh mắt, nụ cười, niềm hạnh phúc của những công dân khi lên xe trở về quê hương.
TRÚC GIANG
(TP Long Xuyên, tỉnh An Giang)