Bị khiếm thị từ nhỏ, nhưng năm 23 tuổi, tôi vẫn quyết tâm rời quê hương xuống Hà Nội để kiếm kế sinh nhai. Tôi được nhận vào học tại Trung tâm Đào tạo Phục hồi chức năng cho người mù tại phường Trung Kính, quận Cầu Giấy. Cũng tại trung tâm này, tôi và vợ nên duyên. Vợ tôi tên là Hồng, sinh năm 1989, quê ở Tây Nguyên. Đôi mắt của Hồng cũng không thể nhìn thấy gì.
Ra trường, sau thời gian làm việc tại cơ sở massage người mù ở huyện Đông Anh, qua sự giới thiệu của một khách hàng, năm 2013, vợ chồng tôi chuyển tới sinh sống tại phường Đức Giang, quận Long Biên, TP Hà Nội. Chúng tôi mở tiệm tẩm quất, giác hơi người mù ngay tại nhà trọ, mưu sinh qua ngày. Nguồn thu nhập từ công việc này cũng đủ để vợ chồng tôi trang trải chi phí sinh hoạt, tiền điện, tiền nước, tiền nhà, tiền học cho con...
 |
Anh chị Nhuần, Hồng, Khuyết cùng các cháu nhỏ tại nhà trọ ở phường Đức Giang, quận Long Biên. |
Và rồi, đợt dịch Covid-19 xuất hiện. Là ngành nghề không thiết yếu và có nguy cơ lây bệnh cao nên ngay từ tháng 5, cửa tiệm của chúng tôi đã phải dừng hoạt động. Sau đó vài tuần, vì không còn việc làm, không thể trả tiền nhà, vợ chồng Khuyết và Ngọc-hai người em khiếm thị chúng tôi quen từ khi cùng học ở trung tâm đào tạo dành cho người khiếm thị-dọn đến ở chung với chúng tôi. Lúc ấy, Ngọc sắp sinh con đầu lòng. Chúng tôi phải nương tựa vào nhau mà sống.
Từ ngày TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, chúng tôi gồm hai cặp vợ chồng khiếm thị cùng 3 trẻ nhỏ chỉ quanh quẩn tại căn phòng trọ. Con của Ngọc còn đỏ hỏn, chỉ mới hơn một tháng tuổi. Ngày ngày, chúng tôi cập nhật tình hình dịch bệnh qua ti vi và chiếc đài đã cũ. Tâm trạng tôi buồn vui theo những dòng tin tức. Hôm nào đài báo số ca nhiễm bệnh giảm, tôi vui và hy vọng ngày có thể trở lại với công việc mưu sinh gần hơn. Còn hôm nào số ca bệnh tăng, lòng tôi nặng trĩu và rồi lại chìm trong sự lo lắng về tương lai. Làm thế nào để tồn tại? Làm thế nào để hai đứa con mình không đói? Làm gì để có 3,5 triệu đồng hằng tháng để trả tiền nhà rồi tiền điện, tiền nước?... Những câu hỏi ấy cứ luôn trong đầu tôi.
Số tiền dành dụm ít ỏi rồi cũng tiêu hết, cuộc sống vốn đã phải lo ăn từng bữa nay càng khó khăn hơn. Tôi, Hồng và Khuyết đói một chút cũng được, nhưng còn hai đứa con tôi và Ngọc thì không thể. Vì Ngọc phải ăn để có sữa nuôi con nhỏ.
Hay là về quê? Đã có lúc tôi tính đến phương án này. Nhưng rồi tôi lại chùn bước vì lo cho tương lai của các con. Tôi có hai đứa con. Cháu nhỏ tên Anh Đức, năm nay 4 tuổi. Con gái lớn là Yến Nhi, tháng 9 tới, cháu sẽ trở thành học sinh lớp 6 của Trường THCS Thanh Am (Long Biên, Hà Nội). Nếu về quê, việc học của Nhi sẽ dang dở. Ngày vợ chồng bàn chuyện, vợ tôi nói: “Dịch còn kéo dài. Quê mình vùng núi, con làm sao theo học trực tuyến cùng các bạn dưới này? Gắng ở lại đây cho con có cái chữ, có lớp học. Khó mấy cũng phải cắn răng ở lại vì con, anh nhé!”.
Đến giờ phút này, may mắn nhất trong cuộc đời chúng tôi là có hai đứa con hoàn toàn khỏe mạnh, có đôi mắt sáng như bao người khác. Hai cháu dù còn nhỏ nhưng rất biết nghe lời, biết giúp đỡ bố mẹ những công việc hằng ngày, chẳng bao giờ mè nheo, đòi hỏi. Có lẽ, các con hiểu hoàn cảnh gia đình mình. Đúng là ông trời chẳng lấy đi hết của ai cái gì. Hai con là ánh sáng của cuộc đời chúng tôi.
Và đúng lúc khó khăn, tôi nhận thấy cuộc sống còn nhiều người tốt quá! Giữa lúc ngặt nghèo, tôi vui mừng nhận được sự giúp đỡ của bác chủ nhà. Không những bác ấy cho hoãn thời gian trả tiền nhà mà tiền điện, tiền nước của chúng tôi bác cũng ứng ra trả trước để chúng tôi có thể sinh hoạt bình thường. Tôi cũng nhận được sự giúp đỡ của láng giềng, những nhà hảo tâm xung quanh. Các bác trong tổ dân phố, các anh công an phường thi thoảng ghé qua nhà phổ biến các biện pháp phòng dịch và động viên chúng tôi. Tôi vẫn nhớ câu nói của một bác: “Khó khăn là tình trạng chung rồi, các cháu ở trong nhà phòng dịch, đừng lang thang ra ngoài, có khó khăn gì gọi điện các bác sẽ giúp”.
Sáng 20-8, tôi mở cửa phòng trọ đón chị Huyên, cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Đức Giang cùng các bác trong tổ dân phố đến thăm. Mọi người mang tới 2 thùng mì, 2 bao gạo cùng nhiều rau xanh. Chị Huyên nói, vợ chồng tôi sẽ được nhận khoản kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ về hỗ trợ lao động tự do. Các anh chị giúp vợ chồng tôi làm hồ sơ để sớm nhận hỗ trợ. Trước khi ra về, chị Huyên nói, phường đã nắm được thông tin về trường hợp của vợ chồng tôi nên sẽ tính giải pháp để giúp đỡ về lâu dài. Chiều hôm đó, chị Hải, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Long Biên và các anh chị công tác tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Long Biên cũng xuống tặng lương thực, thực phẩm và hỗ trợ chúng tôi một triệu đồng. Nhận được nhiều sự hỗ trợ từ địa phương và các nhà hảo tâm, những người chẳng phải ruột thịt, từ tận đáy lòng, tôi vô cùng cảm kích. Nhờ sự giúp đỡ của mọi người, trong thời gian tới, chúng tôi không lo thiếu ăn. Còn đối với Ngọc, bữa cơm dành cho người ở cữ cũng đủ dưỡng chất hơn khi có thêm mớ rau xanh, quả trứng và cả thùng sữa được tặng.
Có hôm, nghe tiếng con khóc oe oe, Khuyết nghẹn giọng nói: “Em hoang mang lắm, đẻ con trong lúc dịch bệnh như thế này biết tính sao hả anh chị?”. Vợ chồng tôi cũng chỉ biết an ủi: “Bàn tay mình sẽ làm ra tất cả. Hoàn cảnh vậy mình phải chấp nhận. Anh chị giúp được gì anh chị giúp. Xung quanh mình còn rất nhiều người tốt nữa”.
Dù trong lòng còn đầy những bất an nhưng vợ chồng tôi vẫn hết sức tin tưởng vào sự nhân văn của xã hội. Tôi tin chúng tôi sẽ không bị bỏ quên, không bị bỏ lại phía sau trong đại dịch Covid-19 khắc nghiệt này.
HOÀNG VĂN NHUẦN
(ngõ 6, đường Đức Giang, phường Đức Giang, quận Long Biên, TP Hà Nội)