Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị "Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" cũng đã xác định: “Hình thành mạng học tập mở của người Việt Nam”.
Việc hình thành, thúc đẩy mạng học tập mở là một xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ số hiện nay. Bởi mạng học tập mở không chỉ tạo điều kiện, cơ hội cho mọi người dân được tiếp cận với khối lượng kiến thức phong phú, đồ sộ nhân loại đã tạo ra, mà còn góp phần hiện thực hóa chủ trương “Không để ai bị bỏ lại phía sau” của Đảng và Nhà nước ta.
 |
Ảnh minh họa. Nguồn: laodongthudo.vn |
Từ trước đến nay, dân tộc ta vẫn được tiếng là hiếu học. Nhưng do quan niệm truyền thống học để làm quan, học để mong được ghi tên vào bảng đồng, bia đá nên không ít người học chỉ nhằm lấy bằng cấp, thậm chí có người sau khi có bằng cấp coi đó tấm “bảo bối” cho suốt cuộc đời lao động, công tác của mình. Tâm lý tự mãn đó dẫn đến tình trạng người dân ngại học, lười học, kể cả một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi được cơ quan, đơn vị cử đi học các lớp bồi dưỡng, tập huấn thì học không đến nơi đến chốn, học cốt lấy chứng chỉ, học cho xong chuyện. Đó là một trong những nguyên nhân khiến người lao động Việt Nam thiếu hụt kiến thức, kỹ năng và hệ quả tất yếu dẫn đến năng suất lao động của người Việt thấp mà chúng ta đã nhiều lần đề cập.
Bản chất của học tập mở, giáo dục mở là không giới hạn về đối tượng học, không gian học, thời gian học, nội dung học, phương pháp học, ý tưởng học, miễn là sự học đó mang lại lợi ích thiết thực cho con người. Cuộc cách mạng công nghệ số đã mở ra cơ hội bất tận cho mọi người học ở mọi lúc, mọi nơi. Vấn đề ở chỗ, ngoài việc học tập ở trường lớp, ở các khóa bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn, mỗi người phải có ý thức, ý chí kiên trì, bền bỉ tự học tập để không ngừng làm giàu kiến thức, kỹ năng cho bản thân.
Tất nhiên, khuyến khích vai trò chủ động tự học của mọi người, nhưng đòi hòi các nhà trường, tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải đề cao trách nhiệm trong việc tạo cơ hội học tập để ai ai cũng thấy học là nhu cầu thiết thân của cuộc sống; học thường xuyên, học liên tục, học suốt đời để góp phần thúc đẩy phong trào xã hội học tập ngày càng hiệu quả. Trong đó, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần phát huy vai trò tự giác học tập, không ngừng nâng cao trình độ, năng lực để vừa hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được phân công, vừa trở thành tấm gương sáng về ý chí ham học hỏi, tinh thần phấn đấu vươn lên để lan tỏa trong cộng đồng.
Muốn mọi người học tập suốt đời, một vấn đề không kém phần quan trọng là phải chú trọng xây dựng tài nguyên giáo dục phong phú, đa dạng, bảo đảm cung cấp đủ các kho dữ liệu giáo dục phục vụ nhu cầu học tập cho mọi thành phần trong xã hội. Vì vậy, chúng ta cần chú trọng xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, công nghệ học tập, nhất là ở địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa để người dân ở khu vực này có cơ hội được truy cập, tiếp cận, sử dụng và chia sẻ tri thức. Vì như UNESCO đã đúc kết, để những người dân nghèo, người yếu thế trong xã hội không bị tụt lại phía sau, trước hết chính quyền và những người có trách nhiệm phải tạo ra và bảo đảm cơ hội học tập suốt đời cho họ.
ANH THẢO