Bà cùng với người dân trong làng tin theo Đảng và Bác Hồ, nuôi giấu đảng viên, bộ đội để cùng nhau đánh giặc bảo vệ buôn làng. "Không có Đảng giác ngộ và lãnh đạo thì tôi và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên không có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay", bà Hsứ khẳng định.

Ông Rơ Châm Klơt, người dân tộc Gia Rai, ở làng Jăng Krăi, xã Ia Khai (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cũng được giác ngộ và theo cách mạng từ rất sớm. Ông cùng với bà con các dân tộc dọc hai bờ sông Pô Kô và Sê San từ tỉnh Kon Tum đến tỉnh Gia Lai không quản ngại hy sinh, gian khổ, chèo đò vận chuyển vũ khí, hàng hóa, đưa đón bộ đội qua sông. Ông Rơ Châm Klơt nhớ lại: "Ngày 1-5-1964, Bộ Chính trị quyết định thành lập Mặt trận Tây Nguyên chuẩn bị cho những trận đánh lớn trên địa bàn. Thuyền độc mộc của người dân và thanh niên trai tráng trong làng được quân đội huy động để phục vụ công tác vận tải. Niềm tin với Đảng, với Bác Hồ đã cho chúng tôi sức mạnh vượt qua mưa bom bão đạn và sự càn quét, khủng bố của kẻ thù".

 Bà con các dân tộc Tây Nguyên cùng tham gia lễ hội đường phố.

Ngày nay, được sự quan tâm lãnh đạo, đầu tư của Đảng và Nhà nước, Tây Nguyên đang trở thành khu vực phát triển năng động, bền vững; tốc độ tăng trưởng luôn duy trì ở mức cao, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đạt được nhiều kết quả quan trọng; bản sắc văn hóa của các dân tộc được giữ gìn và phát huy...

Tìm hiểu thực tế tại xã Ia O (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), chúng tôi được biết, anh Siu Nghiệp, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã là một cán bộ trẻ, người dân tộc Gia Rai, đã cùng với tập thể Đảng ủy, UBND xã lãnh đạo đồng bào các dân tộc giành được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Ia O từ một xã biên giới đặc biệt khó khăn đã đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Một trong những bài học thành công được anh Siu Nghiệp và tập thể Đảng ủy xã Ia O rút ra là tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, chi bộ; đẩy mạnh phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); phát huy vai trò của đảng viên ở các chi bộ thôn, làng để tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Nhờ đó, từ năm 2012 đến nay, Đảng bộ xã Ia O kết nạp 83 đảng viên, trong đó có 52 đảng viên là người DTTS. Đảng bộ xã có 14 chi bộ thì 13 chi bộ có chi ủy vững chắc; 7 năm liên tục (2012-2018) đảng bộ đạt vững mạnh tiêu biểu.

Không chỉ ở xã Ia O mà tất cả các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên đều chú trọng công tác xây dựng Đảng, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện các nhiệm vụ. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, đảng viên người DTTS đã tiếp nối truyền thống của thế hệ đi trước và của địa phương, tích cực phấn đấu xây dựng quê hương giàu mạnh.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN