Hành trình thể hiện tình cảm, trách nhiệm và sự tri ân của cán bộ, chiến sĩ quân đội đối với nhân dân, đặc biệt là người có công với cách mạng, người nghèo, hộ nghèo, địa phương nghèo vùng sâu, vùng xa, khu căn cứ cách mạng. Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT), Trưởng ban Chỉ đạo Hành trình Bộ Quốc phòng (BQP) chủ trì lễ phát động. Dự lễ có đồng chí Điểu K’ré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương.
Dự lễ còn có đại biểu các ban, bộ, ngành Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bộ tư lệnh Quân khu 2; lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang cùng đông đảo đồng bào các dân tộc trên địa bàn…
Tri ân đồng bào trên quê hương cách mạng
Khắp các ngả đường dẫn tới trung tâm xã Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) nhộn nhịp bước chân của hàng nghìn đồng bào các dân tộc quê hương "Thủ đô kháng chiến". Nghe đài truyền hình-truyền thanh huyện thông báo có bác sĩ bộ đội dưới xuôi lên khám bệnh miễn phí cho người dân, bà con trong vùng ai cũng vui mừng, có người lặn lội cả chục cây số đến nhờ bộ đội khám bệnh.
Càng về trưa, lượng người đến khám lúc một đông, nhưng do làm tốt công tác chuẩn bị, nên các y bác sĩ Bệnh viện Quân y 109 (Quân khu 2) vẫn tổ chức đón tiếp, hướng dẫn bà con một cách nhịp nhàng, thuận tiện, bảo đảm ai cũng được tư vấn sức khỏe, thăm khám kỹ càng, cấp thuốc đầy đủ. Trường hợp bệnh nặng, các thầy thuốc tận tình tư vấn bà con chữa trị tại các bệnh viện tuyến trên. Bà Lý Thị Hợp, 71 tuổi, dân tộc Tày, thôn Tân Tiến, xã Lương Thiện, huyện Sơn Dương bị đau xương khớp. Gần đây, căn bệnh của bà có chiều hướng nặng hơn, nhưng không có điều kiện về dưới xuôi chữa bệnh. Sau khi thăm khám cẩn thận, Trung tá, bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Ngọc Quý, Chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền tiến hành kê đơn thuốc và hướng dẫn bà Hợp một số phương pháp điều trị hiệu quả. Anh cũng tư vấn cho bà nên về điều trị tại Bệnh viện Quân y 109 và anh sẽ là người trực tiếp chăm sóc cho bà đến ngày khỏi bệnh. “Quý hóa quá, bao nhiêu năm rồi, cán bộ dưới xuôi lúc nào cũng nhớ đến bà con Tân Trào, năm nào cũng cử thầy thuốc lên trị bệnh, tặng thuốc cho bà con…”. Đỡ gói thuốc bổ từ tay các thầy thuốc bộ đội, bà Lý Thị Hợp xúc động bày tỏ.
 |
Đoàn công tác bên lán Nà Nưa – nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Phạm Minh Phú, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bệnh viện Quân y 109 chia sẻ, vinh dự được tham gia Hành trình "Quân đội chung tay vì người nghèo", Đảng ủy, Ban giám đốc bệnh viện quyết định cử những y bác sĩ có chuyên môn giỏi, giàu kinh nghiệm cùng hệ thống trang thiết bị y tế tốt nhất để phục vụ nhân dân. Từng cán bộ y bác sĩ của bệnh viện cũng xác định tốt tinh thần trách nhiệm, phát huy hết khả năng của mình, mong muốn đóng góp một phần công sức, trí tuệ tri ân đồng bào quê hương kháng chiến.
Sắt son một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ
Cùng Ban chỉ đạo Hành trình “Quân đội chung tay vì người nghèo”, do Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm TCCT, Trưởng ban chỉ đạo Hành trình Bộ Quốc phòng dẫn đầu đến thăm, tặng quà các gia đình có công với cách mạng trên địa bàn xã Tân Trào, chúng tôi càng thấu hiểu tình cảm của đồng bào các dân tộc nơi đây dành cho Bác Hồ, cho cách mạng.
Những câu chuyện chân thực về Bác Hồ và những ngày Người sống, làm việc ở Tân Trào vẫn in đậm trong tâm trí người dân Tân Trào, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tại nhà cụ Nguyễn Tiến Sự, thôn Tân Lập, xã Tân Trào, nơi Bác Hồ từng ở trong những ngày đầu mới về Tân Trào, chúng tôi được bà Hoàng Thị Mai, con dâu cụ Sự kể lại: Ngày ấy, người dân trong thôn đều không biết Bác Hồ là ai, chỉ quen gọi là ông Ké. Bác sống vô cùng giản dị, gần gũi với bà con. Sau ít ngày ở nhà cụ Sự, Bác Hồ chuyển lên sống tại lán Nà Nưa trong rừng Tân Trào.
Gần nhà cụ Nguyễn Tiến Sự có gia đình cụ Hoàng Ngọc, 83 tuổi. Thân sinh của cụ Ngọc là cụ Hoàng Trung Nguyên, chiến sĩ liên lạc đặc biệt cho Bác Hồ và đồng chí Võ Nguyên Giáp. Cụ Ngọc chậm rãi kể lại, ngày Bác Hồ về Tân Trào, cụ mới 8-9 tuổi, tham gia đội nhi đồng cứu quốc, làm nhiệm vụ canh phòng, mật báo cho cán bộ khi phát hiện thấy người lạ. “Lần đầu tiên gặp Bác Hồ, Bác hỏi chúng tôi: Các cháu đi học chưa? Tôi nhanh nhảu: Chúng cháu muốn đi học, nhưng ở đây không có ai dạy học ạ. Bác Hồ nói, sau này có trường, có lớp, các cháu phải chăm ngoan, đi học đầy đủ đấy nhé”. Cụ Ngọc rưng rưng xúc động. Sau lần đó, cụ Ngọc nhiều lần được gặp Bác Hồ, cho đến giờ cụ vẫn nhớ như in từng lời nói ấm áp, cử chỉ ân cần của Bác.
 |
Ban chỉ đạo Hành trình tham quan và chụp ảnh chung bên di tích cây đa Tân Trào. |
Trao quà tặng đại diện các gia đình có công với cách mạng, thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Trần Quang Phương trân trọng cảm ơn đồng bào các dân tộc căn cứ kháng chiến Tân Trào nói chung, gia đình các ông Nguyễn Tiến Sự, Hoàng Trung Dân, thôn Tân Lập, xã Tân Trào nói riêng đã bảo vệ, che chở, giúp đỡ Bác Hồ, đồng chí Võ Nguyên Giáp và các bậc tiền bối cách mạng trong thời kỳ kháng chiến khó khăn, gian khổ. Đồng chí Phó chủ nhiệm TCCT khẳng định, Đảng, Nhà nước, Quân đội mãi mãi ghi nhớ những đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc Tân Trào đối với cách mạng và mong muốn đồng bào quê hương cách mạng Tân Trào tiếp tục phát huy truyền thống, hăng hái tăng gia lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng là quê hương “Thủ đô kháng chiến”, niềm tự hào của cả nước.
Nhân lên những việc làm hiệu quả vì dân
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2018 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước ta có 1.304.001 hộ nghèo; 1.234.465 hộ cận nghèo, chiếm 10,18% dân số. Mặc dù tỷ lệ giảm nghèo đạt và vượt so với chỉ tiêu Chính phủ, Quốc hội đề ra, nhưng tỷ lệ tái nghèo vẫn gia tăng. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Đó là do thiên tai, nước biển dâng, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu đất, thiếu vốn sản xuất, hay gặp biến cố trong cuộc sống, khiến người nghèo, người yếu thế trong xã hội có thể bị kéo lùi lại phía sau bất cứ lúc nào.
Để không còn một ai bị bỏ lại phía sau, không còn những mảnh đời bất hạnh, nhiều năm trở lại đây, quân đội ta đã tích cực chung tay, góp sức cùng các địa phương xóa nghèo bền vững, lan tỏa những yêu thương, chia sẻ trong cộng đồng. Theo đó, bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa, quân đội đã cùng các cấp, các ngành, các địa phương tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội. 100% cán bộ, chiến sĩ quyên góp ủng hộ quỹ vì người nghèo của Trung ương; tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi bị ảnh hưởng bởi thiên tai trong cả nước; tổ chức tư vấn, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng vạn lượt người dân; tặng công cụ sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình cán bộ, nhân viên, chiến sĩ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Thực tế cho thấy, có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được nhân rộng, lan tỏa sâu sắc, như: Mô hình xây dựng nhà bán trú dân nuôi tặng các cháu học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Quân khu 2, Quân khu 4. Theo Đại tá Nguyễn Hồng Thái, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 2, do địa hình chia cắt, các cháu học sinh vùng sâu, vùng xa vô cùng khó khăn khi phải vượt qua quãng đường hàng chục cây số đèo dốc để đến trường, nhất là mùa mưa lũ. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu phòng ăn, ở, sinh hoạt, thiếu trang thiết bị học tập khá phổ biến. Do không có chỗ ở, học sinh phải đi bộ về nhà sau mỗi ngày đến lớp. Không ít cháu ở xa, bố mẹ phải bỏ công việc nương rẫy, hằng ngày đưa đón con em đến trường. Cũng vì quá vất vả, nhiều gia đình không muốn cho con đến lớp. Do đó, nhà bán trú của Quân khu 2, Quân khu 2 thực sự có ý nghĩa, giúp các phụ huynh yên tâm làm ăn, các cháu học sinh hăng hái đến trường.
 |
Đoàn công tác thăm đồng bào được khám bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc miễn phí. |
Mô hình tiêu biểu nữa phải kể đến là mô hình “Con nuôi Bộ đội Biên phòng” (BĐBP), đã cưu mang, giúp đỡ hàng nghìn cháu học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sinh sống ở địa bàn biên giới có cơ hội được đến trường, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội. Hay như việc triển khai xây dựng các điểm dân cư biên giới của LLVT Quân khu 7 góp phần hỗ trợ lực lượng dân quân, BĐBP trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Trung tướng Võ Minh Lương, Tư lệnh Quân khu 7 cho biết, quân khu mới phối hợp với các lực lượng xây dựng thêm 33 điểm dân cư biên giới/165 căn nhà liền kề các chốt dân quân trên địa bàn các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Phước, tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng. Còn tại Quân khu 5, ngay từ đầu triển khai các mô hình “xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”; “hũ gạo vì người nghèo”, Đảng ủy, Bộ tư lệnh quân khu yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cử cán bộ tích cực bám sát cơ sở, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, nắm vững tình hình đời sống của từng hộ dân trên địa bàn, xác định rõ nguyên nhân từng hộ đói, hộ nghèo và nhu cầu, nguyện vọng, khả năng tham gia các mô hình, để tiến hành xây dựng chương trình, cách thức giúp dân thoát nghèo vững chắc. Ngoài ra, còn rất nhiều mô hình sáng tạo khác như: Tết Quân dân; gắn kết gia đình người kinh với gia đình người dân tộc thiểu số; giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ sửa chữa mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo; đồng hành với ngư dân…
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng (BQP), thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia BQP về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, từ đầu năm 2019 đến nay, toàn quân đã tham gia xóa đói, giảm nghèo trên 95 huyện/368 xã với hơn 14.000 hộ trên cả nước. BQP đã vận động cán bộ, chiến sĩ toàn quân đóng góp, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa hơn 2.080 căn nhà tặng người nghèo, hộ nghèo và cán bộ, chiến sĩ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ giống, vốn, chuyển giao kỹ thuật... cho 4.560 hộ dân; xây dựng, sửa chữa 310 công trình dân sinh ở các địa phương nghèo; đỡ đầu gần 3.000 cháu học sinh nghèo vượt khó; khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho hơn 500 nghìn lượt người thuộc đối tượng chính sách; xây, sửa chữa 126 trạm xá quân dân y và phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống và nhiều hoạt động cụ thể khác trên khắp các địa bàn cả nước, nhất là các khu căn cứ cách mạng, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo… Kết quả trên được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, góp phần tô thắm hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới.
Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Ngô Thanh Hải, Cục trưởng Cục dân vận, TCCT cho biết, tiếp nối của các chương trình, hoạt động cụ thể, thường xuyên mà các đơn vị quân đội đã và đang triển khai, gắn với tiêu chí giảm nghèo bền vững ở các địa phương, TCCT đã xây dựng kế hoạch tổ chức Hành trình “Quân đội chung tay vì người nghèo”, phát động thực hiện trong toàn quân, triển khai thực hiện tại 63 tỉnh, thành/375 điểm trong cả nước. Hành trình là một điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, 75 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12) và hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo- Không để ai bị bỏ lại phía sau”; đồng thời thể hiện tình cảm, trách nhiệm và sự tri ân của cán bộ, chiến sĩ quân đội đối với nhân dân, nhất là với người có công với cách mạng, người nghèo, hộ nghèo, địa phương nghèo vùng sâu, vùng xa, khu căn cứ cách mạng. Kinh phí thực hiện toàn bộ Hành trình là 71 tỷ 065 triệu đồng. Riêng tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Ban tổ chức Hành trình đã trao 50 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng, tặng 50 hộ nghèo trên địa bàn. Cùng với đó, trên 700 lượt người dân được khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí…
Phát tại lễ phát động Hành trình, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, việc Bộ Quốc phòng lựa chọn Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào làm địa điểm phát động Hành trình “Quân đội chung tay vì người nghèo” có ý nghĩa chính trị sâu sắc. Bởi đây là khu căn cứ cách mạng gắn liền với các hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và kháng chiến chống thực dân Pháp, nhằm tri ân đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã có công che chở, nuôi dưỡng, giúp đỡ cách mạng trong những năm tháng khó khăn, gian khổ, góp phần vào thành công của cuộc cách mạng tháng Tám lịch sử.
Đồng chí Phó chủ nhiệm TCCT cũng ghi nhận, đánh giá cao việc các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương làm tốt công tác chuẩn bị tổ chức Hành trình. Để Hành trình tiếp tục được triển khai thực hiện thống nhất, đạt chất lượng, hiệu quả cao, Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị các đơn vị tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng để cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân, nhất là lực lượng trực tiếp tham gia thực hiện Hành trình nhận thức đúng, hiểu sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của Hành trình; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức triển khai, thực hiện Hành trình bảo đảm chặt chẽ, đạt mục đích, yêu cầu đề ra, an toàn tuyệt đối; đồng thời, giữ vững, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, thống nhất với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.
Có thể nói, Hành trình “Quân đội chung tay vì người nghèo” là dịp để cán bộ, chiến sĩ toàn quân tiếp tục phát huy truyền thống, bản chất cách mạng, tinh thần tương thân tương ái, góp phần cùng các địa phương trong cả nước đẩy mạnh giảm nghèo bền vững. Qua đó góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững chắc. Đây cũng chính là những cánh tay nhân ái, đưa ra với người nghèo, thắp lên niềm tin mạnh mẽ về những điều tốt đẹp trong xã hội.
Bài, ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG