1. Chiều muộn ngày 22-12-1944, tại khu rừng nằm giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình (nay là huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), đồng chí Võ Nguyên Giáp “được ủy nhiệm thay mặt đoàn thể tuyên bố chính thức thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân” với ba tiểu đội gồm 34 chiến sĩ ưu tú được chọn lọc từ các tổ chức cách mạng ở Cao - Lạng. Trước đó một ngày, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã gửi tới đồng chí Võ Nguyên Giáp một bản chỉ thị vắn tắt - Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

leftcenterrightdel

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một đơn vị bộ đội ở Cao Bằng, tháng 1-1951. Ảnh tư liệu.

Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (1-9-1940), sau những đợt sóng cách mạng khởi nghĩa Bắc Sơn, khởi nghĩa Nam kỳ, Hội nghị Trung ương 8 (5-1945) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã họp và nhận định: “Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang”. Muốn giành thắng lợi cho cách mạng thì ngoài lực lượng chính trị còn cần có lực lượng vũ trang và phải biết khéo kết hợp sử dụng đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị phù hợp với tình hình cụ thể ở từng nơi, từng lúc. Song không thể chỉ dựa vào lực lượng vũ trang và không chỉ có hình thức duy nhất là đấu tranh vũ trang, mà nhất thiết cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ và kịp thời của lực lượng chính trị và đấu tranh chính trị.

Thực hiện chủ trương đó, Đảng đã từng bước xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa vũ trang sẽ diễn ra khi các điều kiện chín muồi. Trong những năm 1941 - 1944, các đội du kích, đội tự vệ được xây dựng ở nhiều xã, nhiều huyện thuộc tỉnh Cao Bằng. Đội du kích Bắc Sơn được củng cố và phát triển thành các Trung đội Cứu quốc quân. Sự phát triển của phong trào Kháng Nhật cứu nước, chuẩn bị khởi nghĩa đã đặt ra yêu cầu cần phải có lực lượng vũ trang cách mạng vững mạnh và tập trung, đủ sức làm nòng cốt hỗ trợ, bảo vệ lực lượng chính trị của quần chúng. Giữa núi rừng Việt Bắc, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã ra đời như một tất yếu. Trung đội 34 chiến sĩ đầu tiên như một “đốm lửa” nhỏ. Nhưng từ “đốm lửa” này sẽ bùng lên thành “ngọn lửa” mạnh mẽ là Quân đội nhân dân Việt Nam hùng mạnh sau này. Thực tiễn lịch sử 70 năm qua đã chứng minh “Tuy lúc đầu quy mô còn nhỏ, nhưng tiền đồ rất vẻ vang. Đó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam"(1) như lời tiên đoán của lãnh tụ Hồ Chí Minh trong bản Chỉ thị lịch sử 70 năm trước.

leftcenterrightdel
Lễ xuất quân của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Tư liệu.

2. Khi xác định đường lối xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng trong khởi nghĩa vũ trang cũng như trong chiến tranh cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc luôn nhấn mạnh rằng cách mạng là sự nghiệp của toàn dân, khởi nghĩa vũ trang là khởi nghĩa toàn dân. Tư tưởng chỉ đạo việc xây dựng và tác chiến của đội quân cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, dựa vào sự ủng hộ và che chở của nhân dân để phát triển lực lượng với phương châm “người trước, súng sau”, “có dân là có súng”, “vũ trang toàn dân” đã được thể hiện đậm nét trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Bản Chỉ thị khẳng định lại một cách cô đọng, súc tích nội dung cốt lõi, cơ bản của Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh là động viên toàn dân, thực hiện kháng chiến toàn dân, toàn diện.

Người nhấn mạnh: “Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên"(2).Cho đến những ngày sục sôi Tổng khởi nghĩa, lực lượng vũ trang cách mạng đã có khoảng 5000 chiến sĩ. Đây là chỗ dựa đầy tin tưởng cho lực lượng chính trị của quần chúng. Hoạt động của lực lượng vũ trang chính quy tập trung, của các đội du kích, của các đội tự vệ tuyên truyền bán vũ trang v.v diễn ra sôi nổi, rộng khắp trong cao trào Kháng Nhật cứu nước đã tạo điều kiện và hỗ trợ quần chúng nổi dậy khởi nghĩa từng phần ở nhiều nơi. Khi thời cơ lịch sử tới, lực lượng vũ trang cách mạng đã kịp thời xung kích đi đầu, cùng toàn dân đứng lên Tổng khởi nghĩa thắng lợi, nhanh chóng và trọn vẹn.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm các chiến sĩ của lực lượng phòng không bảo vệ Hà Nội, tháng 9-1966. Ảnh tư liệu.

3. Quân đội của chúng ta là đội quân gắn bó với nhân dân, thật sự là quân đội của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn các chiến sĩ phải “Trung với nước, Hiếu với dân”, phải luôn luôn dựa vào dân vì “có dân là có tất cả”. Tinh thần yêu nước gắn liền với yêu dân, cứu nước gắn liền với cứu dân của Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc đã làm cho sức mạnh tiềm tàng của truyền thống yêu nước và đoàn kết của nhân ta dân được phát huy và nhân lên gấp bội. Sức mạnh của lực lượng vũ trang là sức mạnh của ba thứ quân kết hợp với sức mạnh toàn dân đã tạo thành sức mạnh to lớn chiến thắng mọi kẻ thù. Cũng từ buổi ban đầu, những phẩm chất cao quý của những chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam: Trung thành với Tổ quốc, hiếu nghĩa với nhân dân đã được hình thành và ngày càng được bồi đắp. Những chiến sĩ trẻ hôm nay bên cạnh việc học tập rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, luyện tập giỏi phương án chiến đấu, làm chủ vũ khí, khí tài hiện đại, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, còn giỏi trên mặt trận lao động sản xuất, góp phần giúp dân xóa đói giảm nghèo, phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, ổn định an ninh, xây dựng Thế trận lòng dân trên những địa bàn xung yếu, bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc./.

NGÔ VƯƠNG ANH

(1) Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Nxb CTQG, Hà Nội, tập 3, tr. 540

(2) Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, tập 3, tr. 539