Sau Cách mạng Tháng Tám, Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đủ vũ khí để trang bị cho khoảng 75 phần trăm quân số trên cả nước. Trong đó thiếu thốn nhất là các loại vũ khí hạng nặng như súng máy, súng cối và pháo, ít ỏi cả về số lượng lẫn đạn dược đi kèm. Trong hoàn cảnh ấy, ngay từ khi mới thành lập, Bộ chỉ huy Việt Minh đã vạch ra 3 phương án vũ trang cho bộ đội. Đó là thành lập các công binh xưởng để tự chủ một phần trang bị, bằng mọi cách mua vũ khí từ nhiều nguồn và tịch thu từ kẻ địch.

Trước khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược vào năm 1946, nguồn vũ khí chính của Quân đội nhân dân Việt Nam đến từ quân Nhật giao nộp sau khi đầu hàng. Một số chỉ huy quân đội Quốc dân đảng ở miền Nam Trung Quốc bấy giờ cũng sẵn sàng vì tiền đổi súng đạn, chuyển về bằng đường biển từ đảo Hải Nam. Tuy nhiên, phần lớn súng đều cũ kỹ, thô sơ, có nguồn gốc từ ít nhất 16 nước khác nhau, thiếu thống nhất và quan trọng hơn cả là thiếu đạn. Do đó, “lấy vũ khí địch đánh địch” vẫn là phương án được ưu tiên do quân Pháp được trang bị vũ khí hiện đại, đạn dược dồi dào.

leftcenterrightdel
Xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu.

Chủ trương ấy đã được áp dụng triệt để từ những ngày đầu thành lập quân đội. Trong hai ngày 25 và 26-12-1944, quân Pháp thất thủ tại 2 đồn Phai Khắt và Nà Ngần. Báo cáo của Pháp cho biết quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thu được 46 khẩu súng các loại. Với lực lượng ban đầu chỉ có 34 người, số vũ khí này nhờ đó giúp tăng gấp đôi số chiến sĩ của đội Tuyên truyền Giải phóng quân.

Tháng 10-1950, quân viễn chinh Pháp hứng chịu một trong những thất bại nặng nề nhất. Từ cuối năm 1949, những đợt tiến công lên căn cứ địa Việt Bắc đều bị bẻ gãy, thiệt hại nặng nề. Tướng Marcel Carpentier hốt hoảng ra lệnh cho các binh đoàn cơ động với tăng-thiết giáp và máy bay của mình thoát ra khỏi các tỉnh biên giới. Tuy nhiên, họ lại đi vào con đường số 4 uốn lượn giữa những núi đá vôi và rừng rậm, nơi chủ lực Việt Minh chờ sẵn. Đường 4 trở thành thảm họa của thực dân Pháp, chấm dứt thế chủ động họ được hưởng từ khi cuộc chiến bắt đầu.

4.800 lính Pháp đã thiệt mạng và mất tích, quân Pháp ở Lạng Sơn và Cao Bằng rút lui trong hoảng loạn. Hầu hết vũ khí, trang bị, quân nhu bị Pháp bỏ lại. Phía Pháp ước tính, Việt Minh thu được hơn 10.000 vũ khí cá nhân, 132 pháo, súng cối, 450 xe cơ giới cùng hàng nghìn tấn nhiên liệu, đạn dược, vật tư khác. Chiến thắng năm 1950 chứng kiến một binh đoàn của Pháp bị xóa sổ. Đồng thời, số vũ khí, trang bị thu được giúp Việt Minh vũ trang cho cả một đại đoàn. Có thể nói, Pháp lại chính là “nhà cung cấp” vũ khí lớn nhất giúp Cách mạng Việt Nam vượt qua những năm đầu đơn độc.

Bước sang giai đoạn vùng vẫy những lần cuối cùng trước khi thất bại, quân đội Pháp được tiếp sức nhờ nguồn viện trợ của Mỹ. Các tướng Pháp quyết định xây dựng các “base aéro-terrestre” (căn cứ lục-không quân), sử dụng ưu thế trên không giúp cơ động hàng tiểu đoàn, đồng thời cung cấp hậu cần cho quân đội. Máy bay vận tải và trực thăng, đỉnh cao về công nghệ khi đó được kỳ vọng sẽ áp đảo những đôi chân của người Việt Nam. Năm 1953, riêng số hàng tiếp tế thả bằng dù đạt 1.700 tấn/tháng, tăng lên 7.000 tấn/tháng vào tháng 4-1954. Tại chiến dịch Điện Biên Phủ, cầu hàng không là phương thức tiếp tế duy nhất cho quân Pháp.

Trên thực tế, hệ thống hậu cần này lại là một “sợi dây cứu sinh” mỏng và dễ đứt. Máy bay thường xuyên hỏng hóc vì khí hậu, lại gần như mất tác dụng khi thời tiết xấu. Người Pháp tưởng rằng, Việt Minh không thể đe dọa không quân của mình, nhưng nhận định đó lại là sai lầm chiến lược dẫn đến thất bại cuối cùng. Chính việc Pháp để mất các tỉnh biên giới vào năm 1950 đã giúp Việt Minh có được các loại vũ khí phòng không từ các nước xã hội chủ nghĩa.

Dù đảm bảo hậu cần cho một đội quân ngày càng lớn mạnh bằng những biện pháp rất thô sơ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã vượt qua những khó khăn bằng sự quyết tâm, sáng tạo và sức chịu đựng. Chuẩn tướng Chapelle, chỉ huy lực lượng vận tải của Pháp thừa nhận, dù chủ yếu chỉ đi bộ, Việt Minh được nhân dân ủng hộ và thích nghi hoàn hảo với địa bàn của họ. Máy bay Pháp có thể nhanh hơn đôi chân bộ đội Việt Minh, nhưng họ lại có một hệ thống hậu cần linh hoạt hơn của người Pháp.  

Đáng chú ý rằng, một lần nữa người Pháp lại cung cấp “xương sống” cho bộ máy hậu cần của Việt Minh. Đại tá, nhà văn nổi tiếng người Pháp Jules Roy nhận định, những người đẩy xe đạp thồ “Peugeot” vượt núi rừng, bom đạn là nhân tố quyết định đem đến thắng lợi cho Việt Minh.

Khi cuộc chiến dần đến hồi kết, ngày càng nhiều tướng lĩnh Pháp gạt bỏ lòng kiêu hãnh và tư duy quân xâm lược, hiểu ra giá trị thực sự khiến Việt Minh từ một lực lượng lạc hậu bị áp đảo, lại có thể “đấu tay đôi” với Pháp. Trung tướng Lionel Max Chassin, nguyên chỉ huy không quân Pháp ở vùng Viễn Đông nói: “Trong thế kỷ của sự thực dụng và cơ giới này, rốt cục vẫn luôn là tinh thần mới đem lại chiến thắng”.

ĐĂNG SƠN (tổng hợp theo indochine54.free.fr và một số tư liệu nước ngoài)