Không lâu sau khi giành thắng lợi quyết định trước thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ, Việt Nam lại rơi vào cảnh bị chia cắt. Chính quyền ngụy Sài Gòn được Mỹ hậu thuẫn, quyết tâm dập tắt phong trào đấu tranh đòi độc lập ở miền Nam.

Chỉ sau một thời gian ngắn, Mỹ đã giúp chính quyền Sài Gòn xây dựng được một đội quân hùng hậu, hoàn toàn do Mỹ trang bị. Washington tin rằng, chỉ cần đổ thật nhiều tiền của cho chư hầu để có quân đội đông đảo, hiện đại, là có thể biến miền Nam thành tiền đồn chống Cộng thân Mỹ, ngăn chặn chủ nghĩa xã hội lan xuống Đông Nam Á. Đó là sự phục vụ lợi ích của Mỹ, gạt bỏ hiệp định Geneva và quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam.

Ngay sau khi thế chân Pháp tại miền Nam Việt Nam, Mỹ thực hiện viện trợ ồ ạt, cung cấp toàn bộ vũ khí, trang thiết bị quân sự cho quân đội ngụy quyền. Ngoài ra, bằng viện trợ trực tiếp và các cơ chế ưu đãi cho giới tư bản miền Nam thân chính quyền Sài Gòn, Mỹ đổ một lượng hàng tiêu dùng khổng lồ vào miền Nam, tạo dựng một bức tranh phồn vinh nhưng bên trong hầu như không có động lực phát triển kinh tế.

leftcenterrightdel
Một nữ du kích Mặt trận Dân tộc giải phóng với súng và hòm đạn Mỹ. Ảnh tư liệu.

Với sự phụ thuộc vào Mỹ như vậy, chính quyền do đế quốc lập nên, không bắt nguồn từ nguyện vọng của nhân dân nhanh chóng bộc lộ sự yếu kém và tha hóa. Nguồn viện trợ khổng lồ và gần như là không hoàn lại tạo điều kiện cho vô số quan chức, sĩ quan chính quyền Sài Gòn kiếm bộn tiền nhờ “tuồn” hàng ra hệ thống chợ đen ở Gia Định, Chợ Lớn, Tây Ninh. Từ những mặt hàng thiết yếu như thuốc men, thực phẩm, vải vóc, vật tư xây dựng, đến máy móc, xe cộ, vũ khí cũng đều có thể đem bán nếu khách mua có đủ tiền. Không chỉ có vậy, sau khi quân đội Mỹ chính thức tham chiến, không thiếu trường hợp binh lính Mỹ cũng bòn rút hàng hóa trong kho đi tiêu thụ.

Với phương châm “lấy vũ khí địch đánh địch”, nguồn cung này là vô cùng hữu ích cho lực lượng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Những năm đầu kháng chiến, đường Trường Sơn chưa được mở rộng, chi viện từ miền Bắc vào được với số lượng rất ít, tốn nhiều thời gian và gặp vô số khó khăn. Hầu hết vật tư chiến tranh Quân giải phóng mua được từ nạn tham nhũng của chính quyền Sài Gòn được bí mật chở đến các kho tàng bí mật trong vùng giải phóng. Tình báo Mỹ sau đó xác định, mạng lưới thu mua này là “Đoàn hậu cần 83”, nhưng không thể ước lượng được quân số, cũng như ngăn chặn được đơn vị này.

Hàng trăm phóng viên báo chí Mỹ thường trực tại Việt Nam đưa tin về sự xuất hiện ngày càng nhiều của vũ khí, trang bị Mỹ trong tay đối thủ. Để xoa dịu, Bộ Ngoại giao Mỹ giải thích rằng, đó là do “Việt Cộng chiếm được từ các làng mạc, đoàn xe vận tải do chính quyền Việt Nam Cộng hòa kiểm soát”.

Nhưng lời biện minh đó chỉ để che giấu một bức tranh khác. Tình báo Mỹ ghi nhận được, chỉ trong 6 tháng, từ tháng 10-1965 đến 4-1966, ngoài vũ khí-trang bị, Quân giải phóng đã thu mua hơn 50.000 lít nhiên liệu, hàng chục nghìn mét vải, dây dù, dây điện, cùng vô số thuốc men, máy điện đài…, tất cả đều do các nhà thầu cho Bộ Quốc phòng Mỹ sản xuất. Một báo cáo hồi tháng 4-1967 cho biết, “Việt Cộng có thể mua gần như bất cứ thứ gì họ muốn ngay tại Sài Gòn”.

Mặc dù vậy, giới chức Mỹ vẫn làm ngơ trước hoạt động chợ đen này. Sự mất mát về vật tư chiến tranh chỉ là vấn đề nhỏ với Mỹ vì có thể bù đắp dễ dàng nhờ nền công nghiệp đứng đầu thế giới. Khi Washington càng lún sâu vào cuộc chiến, các tập đoàn công nghiệp quốc phòng Mỹ càng thu lợi, bất chấp sự tha hóa của chính quyền Sài Gòn, sự phản đối của người dân Mỹ yêu hòa bình cũng như quốc tế.

Truyền thông Mỹ trực tiếp chỉ trích rằng, hoạt động chợ đen ở miền Nam Việt Nam đã “bốc mùi” tới mức không thể che giấu thêm chút nào nữa. Từ tiền thuế của nhân dân Mỹ, viện trợ hào phóng cho chư hầu đã khiến chợ đen bùng phát, qua đó gián tiếp “viện trợ” cho Quân giải phóng.

Một nghịch lý xảy ra là, bao nhiêu hậu cần cấp cho quân Mỹ và chư hầu cũng là không đủ, trong khi chỉ một chút hậu cần trưng dụng từ đối thủ lại tăng rất nhiều sức chiến đấu cho Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Giới chức Mỹ phải thừa nhận, chính khả năng “lấy vũ khí địch đánh địch” là một trong những lý do Mặt trận Dân tộc Giải phóng là lực lượng thiện chiến nhất Mỹ phải đối mặt trong lịch sử chiến tranh của mình.

ĐĂNG SƠN (tổng hợp theo armyupress.army.mil, fordlibrarymuseum.gov…)