Nhiều người quen cùng công tác với tôi thì bảo: “Chị suốt ngày viết về thương binh, liệt sĩ, nên đoạt giải là đúng rồi!”. Nhưng “người trong cuộc” mới hiểu, không đơn giản như vậy. Cuộc thi đã thu hút rất đông đối tượng tham gia, thuộc nhiều thế hệ, ngành nghề, lĩnh vực công tác. Con số hơn 60.000 bài dự thi là một minh chứng, trong đó “ưu thế” thuộc về các cựu chiến binh (CCB), những người đã đi qua chiến tranh, có nhiều kỷ niệm về trận mạc, về đồng đội. Đặc biệt, nhiều tư liệu do các CCB cung cấp là những thông tin rất có giá trị trong tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Ở kỳ thi thứ 14, với câu tự luận “Đã có rất nhiều chàng trai, cô gái hy sinh tất cả để được yêu, để được sống với người yêu của mình là những liệt sĩ, thương binh, bệnh binh. Họ đã hiến dâng trọn đời mình cho tình yêu và cho người mình yêu. Cảm nhận của bạn về một mối tình như vậy mà bạn biết”. Và tôi đã viết về bà Mai Thị Mão (ở ngõ 739, phố Đội Cấn, quận Ba Đình, TP Hà Nội). Bà từng là người yêu, vợ chưa cưới của liệt sĩ Mai Huy Hoàn. Hơn 50 năm qua, bà Mão đã không lấy chồng, ở vậy với một tình yêu khắc khoải. Bà xin nghỉ hưu sớm, dành tới 11 năm, với 5 chuyến đi vào Quảng Nam tìm hài cốt của người yêu. Không đủ tiền tàu xe, bà mở quán nước trà ở đầu ngõ, khi tích lũy tạm đủ tiền là lại đi. Có chuyến, bà ở lại tìm kiếm hàng chục ngày liền. Cuối cùng, bà đã tìm được hài cốt của người yêu, đưa về quê ở Thái Bình. Hài cốt gói trong ba lô, nhưng bà mua nguyên một vé ghế ngồi, để theo bà “Anh ấy phải trở về đàng hoàng như ngày ra đi!”.
Vậy là, bà đã dành cả tuổi thanh xuân cho niềm tin và hy vọng. 16 tuổi, khi còn ngúng nguẩy trước mối tình non trẻ, chưa một lần dám để người yêu hôn, nhưng bà đồng ý để nhà trai dạm hỏi. Khi anh đi bộ đội thì cô gái chỉ biết chờ đợi những cánh thư từ miền Nam. Anh hy sinh 3 năm sau đó, rồi 3 năm sau nữa, giấy báo tử đưa về. Chiếc khăn tang đã quàng lên mái đầu thiếu nữ, bà vẫn đợi đến ngày giải phóng, mong một phép màu nhiệm. Đất nước thống nhất, thì bà chờ đợi những giấc mơ, đêm đêm anh bộ đội hiện về tâm tình. Hơn 50 năm đã qua như thế với một đời người. Sự khốc liệt của chiến tranh đâu chỉ có bom đạn, mà còn cả sự hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ Việt Nam thủy chung và tiết hạnh.
Tôi vô cùng hạnh phúc khi tác phẩm của mình dự thi đã vượt qua khuôn khổ cuộc thi. Tại đêm giao lưu nghệ thuật “Đất nước vẹn tròn ân nghĩa” và tổng kết trao giải cuộc thi (do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với một số cơ quan, đơn vị tổ chức), nhân vật trong tác phẩm đã được làm phóng sự, chiếu trong buổi lễ. Bà Mão được mời đến dự. Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân còn tặng bà Mão món quà ý nghĩa. Bà cũng được mời tới dự cuộc tọa đàm “Tri ân những người con trung hiếu”, do Báo Quân đội nhân dân tổ chức ngày 17-7 vừa qua.
Chân thành cảm ơn Ban tổ chức cuộc thi đã dành cho người viết và nhân vật của mình niềm vinh dự lớn và tình cảm đặc biệt như thế!
HỒNG VÂN