Trong Tuần phim kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tổ chức trên toàn quốc, có 4 bộ phim đều mới được các đơn vị điện ảnh sản xuất, gồm: “Mắt biển”, “Tầng sâu bình yên” (Điện ảnh Quân đội nhân dân); “K10” (Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương) và “Ta còn gửi lửa trong than” (Công ty Cổ phần Phim Giải Phóng). Trong đó, “Mắt biển” là phim truyện duy nhất, còn lại là phim tài liệu. “Mắt biển” là câu chuyện tình yêu thời chiến éo le giữa Ngân (Lã Thanh Huyền vào vai), Thành (Minh Đức) và Vỹ (Khôi Trần). Ngân yêu Thành nhưng bố cô lại gả cô cho Vỹ vì hai gia đình đã có lời ước hẹn từ xưa, khi họ còn là đồng đội ở chiến trường. Dù đã là vợ Vỹ nhưng trái tim Ngân vẫn khắc khoải tình yêu dành cho Thành. Vỹ và Thành cùng ra trận một ngày. Hết chiến tranh, ngày Vỹ về trong sự vui mừng của gia đình cũng là lúc gia đình Thành nhận được giấy báo tử. Vỹ nhận ra tình yêu mãnh liệt của Ngân chỉ dành cho người đã mất. Còn Ngân, cô luôn tin rằng có ngày Thành sẽ trở về…
Cảnh trong phim truyện “Mắt biển” của Điện ảnh Quân đội nhân dân. Ảnh: QUANG QUYẾT
Vốn là một đạo diễn kỹ tính và cầu toàn, để có những cảnh quay đẹp và phù hợp trong “Mắt biển”, Thiếu tá, đạo diễn Đặng Thái Huyền cùng ê-kíp đã đi tới Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An để tìm không gian, ngôi nhà cho bối cảnh làng quê biển những năm 1970. “Mắt biển” được quay tại Xuân Trường (Nam Định), hiện lên với hình ảnh những ngôi nhà gỗ mộc mạc mà người dân còn giữ được nguyên vẹn, phù hợp với bối cảnh phim để kết hợp hài hòa với những cảnh đẹp hoang sơ của vùng biển Diễn Châu (Nghệ An).
Đạo diễn Đặng Thái Huyền chia sẻ, do “Mắt biển” thuộc hoạt động sản xuất phim hằng năm chứ không phải dự án điện ảnh lớn nên kinh phí khá hạn hẹp. Nhưng vì mong muốn một cách kể chuyện gây ấn tượng và những cảnh quay đẹp đưa tới khán giả, ê-kíp làm phim đã phải nỗ lực rất nhiều.
Góp mặt vào sự thành công của “Mắt biển” phải kể đến diễn xuất của Lã Thanh Huyền-người từng được nhắc đến khá nhiều sau vai Mây trong phim truyện nhựa “Người trở về” của đạo diễn Đặng Thái Huyền. Lã Thanh Huyền trong “Mắt biển” đưa tới người xem sự "lột xác" mới khi vào vai Ngân, một cô giáo ở vùng quê biển có diễn biến tâm lý mạnh mẽ. Còn hai nam diễn viên Minh Đức và Khôi Trần đều ở phía Nam, nhưng khi đạo diễn ngỏ lời, họ đã không chần chừ mà nhận lời ngay.
Có thể nói, “Mắt biển” là một bộ phim đẹp, đẹp từ trong câu chuyện kể đến sự trau chuốt từng khuôn hình và diễn xuất của các diễn viên tâm huyết với nghề. Ở phim, người xem cũng dễ nhận thấy tinh thần của nữ đạo diễn đã để lại nhiều dấu ấn trong các tác phẩm điện ảnh thể loại này. Đó là một câu chuyện lãng mạn, nhẹ nhàng, ngay cả khi cận kề sự sống hay cái chết thì các nhân vật trong phim của cô vẫn yêu thương và hy sinh tới cùng cho người mình yêu, cho đất nước.
Một trong những bộ phim tài liệu nổi bật trình chiếu trong Tuần phim phải kể đến là “K10”. Chuyện phim kể về những người lính đặc công K10 hoạt động trong những năm 1964-1976 tại khu vực khe Bướm Bạc, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị), sau chiến tranh đã tìm thấy nhau và cùng nhau đi tìm hài cốt đồng đội, nhờ những thông tin trong cuốn sổ “sinh-tử” tình cờ được phát hiện. Câu chuyện về tiểu đoàn đặc công anh hùng nhiều bí ẩn này được thể hiện trong phim “K10”, mà đạo diễn, NSƯT Vương Khánh Luông chính là em trai của người ghi chép lại toàn bộ cuốn “sinh-tử”, liệt sĩ Vương Khánh Khưu.
NSƯT Vương Khánh Luông cho biết, gia đình ông đã có nhiều năm lặn lội khắp dải đất miền Trung để tìm hài cốt anh trai Luông Khánh Khưu, rồi tình cờ, trong hành trình làm phim, ông đã gặp những đồng đội của anh trai mình năm xưa… Làm phim “K10”, đạo diễn Vương Khánh Luông cũng tìm được rất ít tư liệu, bởi tiểu đoàn hoạt động bí mật. Đại tá Đặng Văn Thơ, Trưởng ban liên lạc của Tiểu đoàn K10, kể lại: Những người lính K10 chỉ xuất quân khi màn đêm buông xuống. Khi đó, trên người chỉ độc chiếc quần đùi và bôi đen toàn thân bằng bột pin… Chính vì vậy, đạo diễn Vương Khánh Luông không thể diễn tả những chiến công đó của họ bằng hình ảnh, bởi cũng chẳng có ai ghi được một thước phim, một tấm ảnh nào về những người lính đặc công âm thầm hòa vào bóng đêm để làm nhiệm vụ ấy. Bao nhiêu năm qua, những cựu chiến binh của K10 đã đi tìm hài cốt của đồng đội mình nhưng cũng gặp muôn vàn khó khăn. Ngay cả việc tìm lại cựu binh K10 đang sống cũng chẳng dễ dàng gì… Do đó, phim "K10" không hề có lời bình, như lời của đạo diễn Vương Khánh Luông, những nhân vật và cảnh huống trong phim có thể khiến lời bình trở nên thừa thãi. Tất cả được tái hiện bằng ký ức của những chiến sĩ đặc công ngày ấy. “Chiến sĩ K10 một khi đã xung trận không xác định sẽ trở về. Nhiều người trong số họ hy sinh. Họ chẳng để lại một dòng địa chỉ. Tôi làm phim K10 vì nếu không làm thì ít ai biết người lính đặc công đã chiến đấu và hy sinh anh dũng như thế nào”-NSƯT Vương Khánh Luông bày tỏ.
CHÂU XUYÊN