Nhắc tới Hà Nội, giọng ông xúc động: “Hà Nội là tình yêu của tôi, là cuộc đời và cả số phận của tôi. Chính tại mảnh đất này, tôi trưởng thành, tôi biết yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu những con người bình thường, nhỏ bé. Hà Nội đã đưa tôi bước vào điện ảnh để rồi gắn bó với nghề nghiệp này cho đến tận bây giờ”.

Chỉ trong 3 phim: “Hà Nội mùa đông năm 46”, “Mùa ổi” và “Hoa nhài”, đạo diễn Đặng Nhật Minh có riêng cho mình một lịch sử Hà Nội bằng điện ảnh trải dài từ quá khứ đến hiện tại. Còn tương lai thì sao? Nó nằm ở cách đạo diễn vẫn luôn đau đáu, trăn trở về Hà Nội chẳng khi nào ngơi nghỉ. Minh chứng rõ nhất là ở tuổi trên 80, ông vẫn làm bộ phim mang tên “Hoa nhài” dành cho Hà Nội như để “trả nợ” ân tình với mảnh đất mà ông gần như gắn bó cả đời mình. Đó còn là cách đạo diễn Đặng Nhật Minh đặt niềm tin vào giá trị nhân văn của người Hà Nội trong phim.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, thành viên Hội đồng thẩm định Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2023 bày tỏ sự ngưỡng mộ: “Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh được trao Giải thưởng Lớn vì đã có những cống hiến xuất sắc cho Hà Nội bằng những tác phẩm điện ảnh và văn học thấm đẫm giá trị lịch sử và nhân văn về Hà Nội”.

leftcenterrightdel

Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh nhận Giải thưởng Lớn - Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2023.

Làm bộ phim “Hoa nhài”, đạo diễn Đặng Nhật Minh nói rất có thể đây là bộ phim cuối cùng của ông. Phim tham gia và được vinh danh tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI, năm 2022 đã chứng tỏ sức sáng tạo dồi dào và tình yêu Hà Nội bền bỉ, xuyên thời gian của vị đạo diễn gạo cội này. Hà Nội đã chứng kiến Đặng Nhật Minh trưởng thành nhưng ông cũng là người tường tận biết bao sự thay đổi của Thủ đô. Cứ thế với những gắn bó và thấu hiểu, từng giai đoạn của Hà Nội đã trở thành những thời để nhớ trên phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Đó là Hà Nội của một thời “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trong “Hà Nội mùa đông năm 46”. Rồi một Hà Nội biến động của thời kỳ sau giải phóng Thủ đô cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960 của thế kỷ trước với công cuộc cải tạo nhà đất trong “Mùa ổi”. Đến “Hoa nhài” là một Hà Nội đương đại, nơi tụ hội bốn phương đổ về sinh sống, làm ăn với đủ những phức tạp trong các mối quan hệ xã hội. Nhưng Hà Nội vẫn hiện lên đậm chất nhân văn, chứa đựng những yêu thương, đùm bọc giữa người với người, và trở thành nơi chốn nâng đỡ bao phận đời, tựa câu ca dao quen thuộc Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.

Dễ thấy có một lịch sử Hà Nội vừa hoài niệm, vừa hiện thực, vừa dữ dội, vừa bình yên qua những thước phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh mà rất nhiều trong số đó bắt nguồn từ tác phẩm văn học của ông, được ông tự chuyển thể kịch bản và đạo diễn. Thế nhưng, ông lại tiết lộ mình không có ý thức hay bất cứ chủ đích nào để phản ánh các giai đoạn thăng trầm của lịch sử Hà Nội. Ông coi đó là duyên số với Hà Nội, với đề tài văn chương nghệ thuật về Hà Nội.

Ông nói: “Quả thật, nếu nhìn lại Hà Nội từ quá khứ cho tới hiện tại, tôi đều có những tác phẩm điện ảnh nói về một số giai đoạn nhất định. Để lý giải sự tình cờ này chỉ có thể nói một điều, đó là vì tôi đã gắn bó máu thịt với số phận của thành phố này. Nếu tôi sống mà không gắn bó với những biến động, với số phận của thành phố chắc chắn không thể có được chuỗi những bộ phim về Hà Nội như thế”.

Ở chiều sâu, những bộ phim như: “Hà Nội mùa đông năm 46”, “Mùa ổi”, “Hoa nhài”, cùng với cả “Đừng đốt”, “Trở về”, đạo diễn Đặng Nhật Minh đặc biệt chú trọng tiếp cận số phận của từng con người, đi vào bên trong tâm tính, phẩm giá của người Hà Nội.

Điển hình là Loan trong “Trở về”, một cô gái Hà Nội biết giữ mình, không để vật chất cám dỗ trong bối cảnh xã hội chuyển mình sang kinh tế thị trường. Đặc biệt còn là hình ảnh của nữ liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm trong “Đừng đốt”, một người con gái Hà Nội mang trong mình vẻ đẹp của một tâm hồn nhạy cảm, trong sáng và yêu cái đẹp. Tâm hồn Hà Nội của Đặng Thùy Trâm được khắc họa đậm nét với những rung động tinh tế cùng những tình cảm đặc biệt dành cho gia đình, đồng chí, đồng đội trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh.

Theo lời của đạo diễn Đặng Nhật Minh, làm phim về Hà Nội, cái quan trọng nhất là nói được cái bên trong của con người Hà Nội, khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của người Hà Nội. “Dù là người Hà Nội gốc, hay là người Hà Nội nhập cư đều mang trong mình tính nhân văn, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Hà Nội có thể thay đổi trong mọi thời cuộc biến động nhưng luôn có một mạch chảy bên trong con người Hà Nội, đó là tính nhân văn”, đạo diễn Đặng Nhật Minh bày tỏ.

“Bao giờ cho đến tháng Mười” (năm 1984)-một bộ phim về chiến tranh và hậu chiến khai thác những bão dông trong lòng người, khát khao về tình yêu và hạnh phúc, nỗi cô đơn thầm lặng đớn đau nơi hậu phương; một kiệt tác thấm đẫm giá trị nhân văn, đi vào lòng người, đến nay, sau 40 năm vẫn là bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt, được hãng CNN bầu chọn là một trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại. Đến nỗi, ngay tên bộ phim cũng đã thành câu cửa miệng, rộn rạo niềm vui nhiều thế hệ mỗi khi đón chào không khí tháng Mười Hà Nội - dấu ấn vàng son của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội nghìn năm văn hiến, lịch sử của quân và dân Hà Nội vang khúc khải hoàn “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào...”.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh được phong tặng danh hiệu NSND vào năm 1993, được vinh danh Giải thưởng “Thành tựu trọn đời” vì những cống hiến xuất sắc cho điện ảnh châu Á tại Liên hoan phim quốc tế Gwangju (Hàn Quốc) 2005. Năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh chuyên ngành điện ảnh cho các tác phẩm: “Thị xã trong tầm tay”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Hà Nội mùa đông năm 46” và “Mùa ổi”. Năm 2016, ông được Hà Nội vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”. Năm 2022, ông được Bộ Văn hóa Pháp trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Văn học nghệ thuật. Trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ hai (DANAFF 2) diễn ra tháng 7-2024, Ban tổ chức đã trao giải Thành tựu Điện ảnh tặng đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh và tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề “Phong cách sáng tác của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh”. 

Bài và ảnh: HÀ VƯƠNG - QUỐC THÔNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan