    |
 |
Bức thư của Nguyễn Ái Quốc gửi mục sư Ulysse Soulier. |
Đó là bức thư đánh máy bằng tiếng Pháp dài 3 trang của Bác Hồ. Thư viện Défap trực thuộc Hội Truyền giáo Phúc âm Paris (Société évangélique missionnaire de Paris), có địa chỉ tại số 102 đại lộ Arago, Paris, Pháp. Lá thư của Bác được xếp vào một trong những tài liệu lịch sử hiếm và được coi là tài sản quốc gia. Ở Pháp, tất cả tài liệu hiếm được nhà nước bảo hộ, mọi tra cứu phải có lý do chính đáng.
Bức thư Bác Hồ đề ngày 8-9-1921, gửi cho mục sư đạo Tin lành Ulysse Soulier. Bức thư được đánh máy, giấy in đã ố vàng nhưng chữ vẫn rõ ràng, chưa bị phai. Điều đặc biệt của tài liệu lịch sử này là có chữ ký tay được Bác ký bằng mực đen, nét chữ bay bổng, thanh tao, hơi nghiêng và được gạch chân với tên “Nguyên Ai Quâc” (Nguyễn Ái Quốc). Bức thư được viết bằng tiếng Pháp trang trọng. Một vài lỗi chính tả nhỏ đã được sửa viết tay bằng mực đen, cùng màu mực với chữ ký.
Người nhận thư là mục sư Ulysse Soulier, người sáng lập Hiệp hội Truyền giáo Tin lành thuộc địa. Ulysse Soulier sang truyền đạo tại Đông Dương năm 1920 và trở về Pháp năm 1923. Ngày 12-3-1920, Soulier cùng với sự trợ giúp của đại úy quân đội Pháp Paul Monet và hai mục sư truyền giáo gốc Việt Louis Duong và Samuel Vu Tam That đã thành lập “Chương trình nghiên cứu truyền đạo Tin lành tại Đông Dương”. Vài tháng sau, Soulier và Monet xuất bản “Lời kêu gọi của Đông Dương thuộc địa Pháp, vì Chúa Tin lành-Pháp-ở Đông Dương”. Tài liệu dày 50 trang với mục đích giới thiệu sự cần thiết của nhiệm vụ truyền đạo của đạo Tin lành Pháp ở Đông Dương nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của các tín đồ.
    |
 |
Thư viện Défap, nơi lưu trữ bức thư của Bác Hồ. |
Ngay khi bản kêu gọi ra đời, Nguyễn Ái Quốc, khi đó đang hoạt động tại Pháp, đã viết thư cho Soulier để nêu ra những quan điểm dân tộc mạnh mẽ của mình. Trong bức thư, Người sử dụng lời lẽ rất mềm mỏng: ... tôi mong ông tin rằng tôi nhấn mạnh những điểm này không phải vì tinh thần phê phán hay càng không phải vì tinh thần tranh luận. Là người Việt Nam, tôi biết điều mà những người Việt Nam khác suy nghĩ. Khi nói về những lý lẽ của Monet, Bác viết: Đại úy Monet nói rằng “những tín đồ Tin lành Pháp phải hiểu rằng dân Việt Nam bị áp bức về mặt tinh thần (Bác gạch chân cụm từ trong bức thư) và họ đau khổ vì sự áp bức đó”. Điều phát hiện này hoàn toàn đúng, nhưng không đủ, bởi vì dân Việt Nam cũng bị áp bức cả về các mặt vật chất, xã hội và chính trị lẫn về mặt tinh thần. Các ngài không thể biến họ thành những tín đồ Tin lành tốt chỉ bằng cách làm nhẹ bớt một phần khổ đau của họ, cũng như người ta không thể làm cho một người mạnh khỏe bằng cách chỉ chữa một phần bệnh của người đó, ngược lại có nhiều rủi ro để người ta biến người bệnh thành người bại liệt. […] Đối với một con người hay một xã hội, sự thật không thể hoàn thành cùng một lúc hai sứ mệnh trái ngược nhau: Một sứ mệnh đẹp nhất, cao quý nhất, sứ mệnh rao giảng phúc âm, dạy cho mọi người thương yêu Thượng đế và đồng loại của họ; và sứ mệnh kia, đặt một nhóm người “vào những tầng lớp khác” và khuyến khích họ từ chối tổ quốc của họ và làm cho họ yêu một tổ quốc khác với tổ quốc của họ. Và trong phần kết, Bác viết: Nhưng để thay đổi tinh thần của một dân tộc, nhất là của một dân tộc đã có những phong tục, những truyền thống và tính mẫn cảm được hình thành qua nhiều nghìn năm lịch sử, trước hết ông phải thấu triệt não trạng của dân tộc đó.
Bức thư dài 3 trang của Bác có thể coi là một trong những tài liệu về chính trị và đời tư sớm trong cuộc đời của Người được phát hiện. PGS, TS Pascal Bourdeaux, giảng viên tại Trường thực hành Nghiên cứu cao cấp (École pratique des Hautes Études) ở Paris, người đầu tiên đưa tài liệu ra công chúng, nhận xét: “Được viết trong những năm hình thành quan điểm chính trị, giai đoạn có rất ít những tài liệu lưu trữ về ông Hồ Chí Minh khi còn ở Pháp, sự hiện hữu của bức thư này rất quan trọng về mặt tiểu sử. Bên cạnh khoảng chục báo cáo của cảnh sát và những bài báo, những gì chúng ta biết được về khoảng thời gian này trong cuộc đời của ông Hồ chủ yếu xuất phát từ những câu chuyện mang tính hồi tưởng […]. Bởi thế, việc khám phá ra tài liệu gốc có tính đời tư này rất hiếm, nếu không nói là chưa từng có”.
Một điều khác cũng quan trọng của tư liệu chính là bút tích của mục sư Ulysse Soulier, viết tay bằng mực xanh bên lề trái trang thứ nhất, năm 1965. Năm 1965 là năm diễn ra sự kiện được đánh giá là quan trọng nhất trong lịch sử Giáo hội Công giáo của thế kỷ 20. Đây là năm Hội đồng Đại kết Vatican II, thường được gọi là Hội đồng Vatican II của Giáo hội Công giáo, được khai mạc vào ngày 11-10-1962 bởi Giáo hoàng Jean XXIII và kết thúc vào ngày 8-12-1965 dưới thời Giáo hoàng Paul VI. Hội đồng Vatican II là biểu tượng cho sự mở cửa của Công giáo với thế giới hiện đại và văn hóa đương đại, có tính đến tiến bộ công nghệ, thừa nhận sự giải phóng của các dân tộc. Đó cũng là năm chiến tranh leo thang khốc liệt ở Việt Nam. Trong bối cảnh tôn giáo và chính trị đó, Soulier đã đọc lại bức thư của Nguyễn Ái Quốc gửi cho ông từ 44 năm trước. Đoạn bút tích viết cạnh đoạn viết thứ tư của Nguyễn Ái Quốc được Soulier gạch thẳng để đánh dấu. Điều này chứng tỏ Soulier đã dành một phản ứng đặc biệt cho đoạn văn ủng hộ lý tưởng truyền giáo không biên giới. Đoạn viết về tôn giáo của Nguyễn Ái Quốc: Như tất cả những gì thuộc về lý tưởng, tôn giáo không có và không nên có biên giới, và những người đảm nhiệm công việc truyền bá tôn giáo phải tự đặt mình lên trên mọi chủ nghĩa dân tộc và mọi lợi ích chính trị, vì vậy cho nên, theo thiển ý của tôi, từ “Đông Dương” ngắn gọn, không có tính từ, diễn tả tốt hơn ý tưởng của Người mà tất cả chúng ta đều thương yêu và niềm hy vọng của những ai mà ông muốn dạy thương yêu Người. Tính từ “thuộc Pháp” đặt sau “Đông Dương” mang lại một hiệu ứng hoàn toàn trái ngược với điều mà ông và chúng tôi muốn; bởi vì, như ông nói, công việc của Chúa Cơ Đốc là một công cuộc giải phóng và giải thoát, trong khi chủ nghĩa thực dân dù là kiểu nào cũng là một công cuộc áp bức và nô dịch. Đông Dương bị đô hộ không thể là một Đông Dương thật sự của đạo Cơ Đốc. Những ý tưởng được Bác trình bày trong thư rất thẳng thắn, dứt khoát, lời lẽ văn hoa, lịch sự, khiến 44 năm sau, tháng 3-1965, khi đọc lại bức thư này, mục sư Ulysse Soulier phải thừa nhận: Ôi, suy nghĩ của anh bạn này, trí thức An Nam thật chính xác! Nhưng đôi mắt của các tín đồ đạo Tin lành Pháp vẫn chưa mở đủ to! Ulysse Soulier, tháng 3-1965.
Bút tích ngắn gọn của mục sư Soulier được viết khi chủ nghĩa thực dân đang thất bại trên toàn thế giới khiến chúng ta cảm nhận được Soulier đã hoàn toàn thừa nhận tầm nhìn chiến lược của Bác từ sớm. Gần một thế kỷ trôi qua, bức thư hiếm hoi với chữ ký và những nét sửa chính tả của Bác đã cho chúng ta thấy tầm nhìn, trí tuệ, tấm lòng hết lòng vì con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Bài và ảnh: QUYÊN GAVOYE (gửi từ Pháp)