Sau giãn cách xã hội, nhiều du khách đã chọn Bến Nhà Rồng là điểm đến nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Bác. Dưới chân Tượng đài Nguyễn Tất Thành, nhiều du khách chụp hình lưu niệm nhìn theo hướng con tàu năm xưa rời bến. Bạn Đỗ Thị Ánh Hồng, sinh viên năm thứ nhất Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), tâm sự: “Mỗi tư liệu, hình ảnh, kỷ vật đơn sơ, giản dị trong bảo tàng đều gắn với một kỷ niệm, một quãng thời gian sinh sống, hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi lần đến đây, chúng em cảm nhận được hơi ấm của Người và bỗng thấy lòng mình trào dâng niềm tự hào, xúc động”.
Từ bến cảng này, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi, bôn ba tìm đường cứu nước. Trước khi xuống tàu, Người đã có thời gian ngắn sống tại căn nhà số 1-2-3 Quai Testard (bến Testard), nay là Di tích lịch sử cấp quốc gia số 5 Châu Văn Liêm (quận 5). Những người cao niên ở gần di tích vẫn nói chuyện với nhau rằng, họ được nghe thế hệ cha ông kể lại, ngày đó, hầu như không ai biết lai lịch của chàng thanh niên lạ đến khu vực này trong mấy tháng. Mãi sau này người dân mới biết chàng thanh niên mang tên Văn Ba ngày ấy chính là Nguyễn Tất Thành-Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã từ căn nhà số 1-2-3 Quai Testard ra Bến Nhà Rồng để lên tàu Amiral Latouche-Tréville, thực hiện khát vọng mang lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, đưa nước nhà thoát khỏi lầm than nô lệ…
109 năm trôi qua, Bến Nhà Rồng năm xưa giờ thành một trong những di tích ghi dấu chân Người trên mảnh đất phương Nam. Nơi đây có Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh TP Hồ Chí Minh lưu giữ, trưng bày, bảo quản gần 20.000 tư liệu, hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ vĩ đại. Ở trung tâm khuôn viên là Tượng đài Nguyễn Tất Thành, hướng ra dòng sông Sài Gòn, nhìn về trung tâm TP Hồ Chí Minh…
Bến Nhà Rồng hôm nay là nơi diễn ra các hoạt động giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ, một trong những điểm đến của nhân dân thành phố và du khách thập phương trong những dịp lễ, tết, ngày nghỉ cuối tuần. Theo Tiến sĩ sử học Lê Hữu Phước, người Việt Nam ta ai cũng muốn được ghé Bến Nhà Rồng để được biết về nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, và khi tới đây, giữa khung cảnh ấm áp, thân thương, mọi người đều cảm nhận hơi ấm của Người còn lưu mãi.
Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH