Cả cuộc đời quân ngũ, ông có nhiều thành tích và được tặng thưởng nhiều huân, huy chương. Đặc biệt, chiếc Huy hiệu Bác Hồ được ông coi như báu vật và luôn trân trọng gắn trên ngực áo quân phục của mình.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh kể chuyện lịch sử cho thế hệ trẻ tại Hoàng thành Thăng Long.

Với Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, lần được tặng Huy hiệu Bác Hồ là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời ông. Ngày đó, ông đang là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 64, Trung đoàn 236 (Quân chủng Phòng không-Không quân), đơn vị tên lửa đầu tiên của Quân đội ta. Đúng ngày 19-5-1967, tại trận địa Yên Nghĩa (Hà Tây trước đây, nay thuộc Hà Đông, Hà Nội), đơn vị ông bắn rơi máy bay địch. Ông nhớ, khi ấy khoảng 3-4 giờ chiều, sau khi không quân địch đã rút, ông về nghỉ sau hàng giờ liền ngồi trong xe chỉ huy phóng căng thẳng, mệt mỏi thì một cán bộ chính trị của Quân chủng Phòng không-Không quân đến trao chiếc huy hiệu của Bác Hồ thưởng ông. Ông cùng với đồng chí Lã Đình Chi là hai người đầu tiên của bộ đội tên lửa vinh dự được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người. Cảm động rơi nước mắt bởi ông không nghĩ được Bác quan tâm đến vậy, cũng không ngờ thành tích của mình được tặng huy hiệu của Người. Chiếc huy hiệu là động lực lớn để ông càng toàn tâm toàn ý phấn đấu và chiến đấu, lập nhiều chiến công. “Giờ đây, chiếc Huy hiệu Bác Hồ là kỷ vật của cả tôi và gia đình tôi”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh tâm sự.

Từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng đơn vị và là bạn thân với Anh hùng LLVT nhân dân La Văn Cầu, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh có 5 lần được gặp Bác Hồ. Lần nào với ông cũng là ngày vui đặc biệt, nhưng hạnh phúc nhất là lần ông được trực tiếp nói chuyện với Bác. Đó là năm 1968, khoảng 7 giờ tối, một hội nghị có Bác tham dự; khi đó, ông Nguyễn Văn Ninh làm nhiệm vụ bảo vệ hội nghị. Kết thúc hội nghị, khi chuẩn bị ra về, chợt Bác hỏi Trung tá Nguyễn Văn Ninh: “Chú dự hội nghị có vui không?". "Thưa Bác, vui lắm ạ. Thưa Bác, Bác có khỏe không ạ?". "Chú thấy đấy, Bác vẫn đi phăm phăm. Chú về làm việc nhé!". "Dạ, cháu chúc Bác khỏe ạ!”. Đoạn hội thoại tuy ngắn nhưng để lại cho Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh những cảm giác thật gần gũi, thân thuộc. “Khi ấy, da dẻ Bác hồng hào, dáng đi nhanh nhẹn. Thấy Bác khỏe, chúng tôi rất vui. Không ngờ chỉ một năm sau Bác đã yếu nhanh thế!”, ông Ninh bồi hồi nhớ lại.

Sau phút lắng đọng cảm xúc, vị tướng già bộc bạch: "Ngày Bác mất, chúng tôi đã khóc rất nhiều. Khi ấy, tôi phải làm nhiệm vụ tại Hoàng thành Thăng Long, chỉ cách Quảng trường Ba Đình, nơi đặt linh cữu Bác vài phút đi bộ nhưng phải một tuần sau chúng tôi mới được vào viếng Bác. Tôi không bao giờ quên ngày đó-một ngày mưa tầm tã, người đến viếng rất đông, không ai là không khóc. Thương nhớ Bác, chúng tôi luôn cố gắng, nỗ lực phấn đấu học tập, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình”.

Bài và ảnh: MINH NHÃ