Và với cựu chiến binh (CCB), thương binh Nguyễn Văn Khoa tình yêu đó đã được ông biến thành hành động cụ thể. Hơn 50 năm qua người thương binh già Nguyễn văn Khoa (Bảy Khoa) vẫn thầm lặng canh giữ Đền thờ Bác Hồ tại ấp Bà Chăng, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.
Sinh ra trong một gia đình bần nông lại đông anh em, tuổi thơ của CCB Nguyễn Văn Khoa gắn liền với những năm tháng khó khăn, vất vả. Cả gia đình quần quật quanh năm vẫn không đủ sống. Bài học đầu đời của ông là những câu chuyện kể của cha về sự hung ác của kẻ thù, tinh thần đấu tranh bất khuất của các chiến sĩ cách mạng. Các bác, các chú của ông tham gia kháng chiến chống Pháp, bị giặc bắt xỏ dây chì vào chân treo ngược lên hàng rào… Chính truyền thống cách mạng của gia đình đã hun đúc trong ông lòng yêu nước, quyết đi theo cách mạng để tìm đường giải phóng bản thân, gia đình và quê hương thoát khỏi ách nô lệ của bọn cướp nước và bán nước.
    |
 |
Ông Bảy Khoa thắp hương ở Đền thờ Bác. |
Dù mới 14 tuổi nhưng ông đã giác ngộ cách mạng, tham gia du kích ấp Bà Chăng, giả vờ giữ trâu để đưa thư, dẫn đường cho cán bộ… Tham gia cách mạng, cậu bé Khoa mới biết đến con chữ, biết đọc, biết viết tên mình. Đối với ông, đó là niềm vui không gì sánh được, cách mạng đã mở lối cho tâm hồn của một cậu bé chăn trâu, một kẻ bần nông như ông đi theo con đường đấu tranh, giải phóng dân tộc mà Đảng, Bác Hồ đã chọn. Khí thế cách mạng đang cháy hừng hực trong tim, năm 1965, khi mới 15 tuổi, cậu bé Khoa đã thoát ly gia đình vào Đội phòng thủ của Ban Tuyên huấn tỉnh.
Năm tháng trôi qua, đất nước giờ đã bình yên nhưng những kỷ niệm xưa vẫn sống mãi trong ông không một phút phai mờ. Trong câu chuyện kể của ông, hình ảnh quê hương bị bom đạn giặc cày xới từng ngày dần hiện rõ mồn một như mới hôm nào. Theo hướng tay chỉ của ông, xung quanh đền thờ ngày ấy toàn là đồn bốt của giặc. Rồi ông lần ngón tay nhẩm tính, có đến 6 đồn giặc đóng xung quanh đền thờ theo thế gọng kìm, gồm: Chi khu Vĩnh Hưng, đồn Bình Thới, đồn Bàu Sen, đồn Giồng Bốm (đồn Bà Chăng), đồn Xã Sín, đồn Dù Phịch. Cái xa nhất chỉ cách 3km, cái gần nhất thì nằm trong tầm đạn chưa đầy 1km.
Khi được hỏi về quê hương Châu Thới và huyện Vĩnh Lợi trong những năm kháng chiến ác liệt với giặc Mỹ xâm lược và tấm lòng kính yêu Bác vô hạn của người dân xã Châu Thới Anh hùng, hớp vội ngụm trà như để kìm nén niềm xúc động, ông chỉ tay về hướng bờ sông rồi nói: Cách đây hơn 50 năm, ngày 3-9-1969, khi nghe tin Bác Hồ vĩnh viễn đi xa, quân dân xã Châu Thới vô cùng bàng hoàng, đau đớn. Đảng bộ huyện quyết định tổ chức Lễ truy điệu Bác trọng thể tại nhà ông Trần Văn Tến, rồi lập bàn thờ Bác ở đó. Đầu năm 1971, địch càn vào đốt nhà, không cho thờ Bác nhưng quân và dân xã Châu Thới vẫn kiên cường đấu tranh, vừa đánh địch, vừa lập đền thờ để hương khói cho vị Cha già kính yêu của dân tộc. Sau một thời gian nhân dân góp sức xây dựng, sáng 19-5-1970, quân và dân xã Châu Thới nô nức khởi công xây dựng Đền thờ Bác tại vị trí hiện hữu bây giờ. Lễ khởi công vừa xong thì máy bay địch đến. Chúng bắn phá dữ dội nhằm ngăn cản việc xây dựng đền thờ. Tuy nhiên, dù chúng có trút mưa bom, bão đạn bao nhiêu đi nữa vẫn không ngăn được lòng dân và quân đối với Bác.
Trong nhiều trận đánh ác liệt không cân sức với giặc, ông Bảy Khoa cho hay, có một trận đánh nhớ nhất đối với ông và anh em Đội bảo vệ Đền thờ Bác Hồ, đó là vào một ngày đầu tháng 3-1973. Khi ấy địch đem bốn máy bay trực thăng từ hướng Sóc Trăng và thị xã Bạc Liêu bay xuống rất thấp để hỗ trợ lực lượng của chúng hòng tiêu diệt lực lượng ta và phá Đền thờ Bác ở Châu Thới. Trước tình huống vô cùng gay go, ác liệt đó, ông khi ấy là Đội trưởng Đội bảo vệ Đền thờ Bác Hồ đã dũng cảm và mưu trí, táo bạo chỉ đạo một tốp gồm bốn đội viên chạy ra đồng trống theo bốn hướng, nhằm “lôi kéo” máy bay địch. Ngay sau đó, bốn chiếc máy bay trực thăng của địch đã bị “kéo” ra đồng bắn đuổi theo bốn chiến sĩ… Nhờ tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của ông Bảy Khoa và bảy đội viên, Đền thờ Bác Hồ được bảo vệ an toàn, đội bảo vệ của ông được cấp trên tuyên dương. Nhưng cũng trong trận chiến đấu không cân sức trên, ông bị thương cụt mất nửa bàn chân, sau này ông được xét công nhận thương binh hạng 4/4…
“Bãi lửa” xung quanh Đền thờ Bác ngày nào với vô số lựu đạn, mìn, chông… ngăn bước quân thù xâm nhập nay đã trở thành ruộng lúa mênh mông. Đội bảo vệ của ông cũng tự “giải tán”, giờ người còn, người mất vì bệnh tật, tuổi già sức yếu. Chỉ còn ông ở lại ngôi đền với nhiệm vụ mới là người giữ đền. Ông bộc bạch: “Hơn 50 năm rồi, tính kể từ ngày Bác mất. Ngần ấy năm nhưng ngày nào không ra trông nom Đền thờ Bác thì cảm thấy bứt rứt, không chịu được”.
Làm tốt nhiệm vụ trong thời chiến, đồng thời cũng làm tốt công việc của mình trong thời bình, người thương binh này vẫn âm thầm qua năm tháng, không quản nắng mưa, hằng ngày lau dọn, bảo vệ đền thờ. Không những vậy, đôi khi ông còn kiêm luôn công việc thuyết minh viên khi có đoàn khách ghé thăm Đền thờ Bác. Và, câu chuyện của ông kể luôn thu hút sự lắng nghe, khâm phục của nhiều người, bởi đó là câu chuyện được ông kể bằng cả trái tim, cuộc đời của mình!
Bài, ảnh: THÚY AN