Con đường nhựa từ Quốc lộ 46 đưa chúng tôi về với làng Trù quê mẹ, làng Sen quê cha những ngày tháng Năm này rực rỡ cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh càng tôn thêm vẻ lộng lẫy của quê Bác hôm nay. Trong dòng người hành hương về thăm quê Bác những ngày này, có những cụ già râu tóc bạc phơ được con cháu dìu đi, những đoàn cựu chiến binh, những nam nữ thanh niên, những em nhỏ từ khắp mọi miền Tổ quốc…

leftcenterrightdel

Một góc làng quê nông thôn mới ở Nam Đàn.

Sau lũy tre xanh bình dị, dưới nếp nhà nhuốm màu thời gian, tất cả mọi người chăm chú ngắm nhìn những kỷ vật thân thương, thành kính lắng nghe những câu chuyện kể về Người đối với quê hương, đất nước. Vẫn còn đây ao sen ngào ngạt hương thơm, nét xưa về vùng đất địa linh nhân kiệt gắn liền với tuổi thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều người không kìm nổi lòng mình, nghẹn ngào bật khóc... Không cảm động sao được, bởi chính những kỷ vật hết sức bình dị, đơn sơ là điểm tựa đầu đời cho một Danh nhân văn hóa thế giới và hình thành nên một nhân cách vĩ đại Hồ Chí Minh.

Em Giàng A Pao, học sinh Trường PTCS Bán trú huyện Mường Lát (Thanh Hóa), mắt ứa lệ nói với tôi: “Các bạn nhỏ người H’Mông chúng em mới biết về quê hương Bác Hồ qua những trang sách và trên vô tuyến. Lần này được về báo công với Bác, em hạnh phúc vô cùng. Em quyết tâm học thật giỏi xứng đáng với công lao trời biển của Bác Hồ kính yêu và để năm sau lại được về báo công với Bác. Em sẽ kể với các bạn về những câu chuyện được nghe, những hình ảnh được thấy trong chuyến đi này để các bạn nhỏ H’Mông chúng em hiểu hơn về Bác Hồ kính yêu”.

Tiếng cô thuyết minh nhẹ nhàng: “Và các anh chị biết không, đây chính là nơi hình thành lòng yêu nước thương dân của Bác chúng ta. Đây là bàn ăn mà người Nghệ thường gọi là cái mươn, nơi cả nhà Bác quây quần ngày hai bữa, bữa trưa và bữa tối...”.

leftcenterrightdel

Du khách về thăm quê nội Bác Hồ ở Làng Sen. 

Tất cả như lặng đi khi nghe những câu chuyện thân thương, mà rất đỗi bình dị cuộc đời của Bác qua lời giới thiệu của cô thuyết minh. Ngày 9-12-1961, lần thứ 2, Người về thăm quê và cũng là lần cuối cùng những bờ tre, hàng mận hảo, căn nhà thân thương cùng bà con Nam Đàn không bao giờ được đón Bác về nữa. Lần thăm quê này cũng là lần Bác đi xa mãi mãi… và cũng chính lần đó Bác đã căn dặn cấp ủy, chính quyền và mọi người dân phải phấn đấu xây dựng Nam Đàn trở thành huyện kiểu mẫu. Thực hiện ước nguyện của Người, những năm qua, người dân Kim Liên và Nam Đàn luôn ra sức phấn đấu lao động sản xuất xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh sớm được như mong muốn của Bác. Điều đó được thể hiện bằng chính những thành quả, sản phẩm từ bàn tay, khối óc của mỗi người dân Kim Liên.

Trên con đường từ làng Sen sang làng Trù trải dài dưới nắng vàng, hai bên đường là những hồ sen thơm ngát. Khác với trước đây, người dân Kim Liên trồng sen để làm đẹp quê hương còn giờ đây sen đã trở thành sản phẩm cho thu nhập cao đối với bà con từ khi Hợp tác xã nông nghiệp Sen quê Bác thành lập. Xen lẫn những hồ sen là những ruộng lúa giống mới cho năng suất cao và những thửa ớt cay trĩu quả. Không còn phương thức sản xuất thô sơ như trước mà nhiều phương tiện cơ giới hóa rền vang trên đồng ruộng. Ghé thăm một gia đình làm nghề mây tre đan trong làng Trù, qua trao đổi với bác chủ nhà, chúng tôi được biết, hiện nay ở Kim Liên, các ngành nghề, dịch vụ phát triển mạnh, đặc biệt là phong trào làm kinh tế trang trại và xây dựng cánh đồng 70 triệu/ha đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Các mô hình về chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp tăng mạnh; các ngành nghề truyền thống như nghề mây tre đan, làm tranh đá quý được chú trọng phát triển. Hệ thống giao thông nông thôn được cứng hóa 100%, đời sống của người dân không ngừng nâng lên. Những năm qua, Kim Liên luôn là điểm sáng văn hóa của huyện Nam Đàn, là xã đang thực hiện mục tiêu xây dựng chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và Đảng bộ nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu.

Rời Kim Liên, chúng tôi xuôi theo đường du lịch ven sông Lam sang các xã bên kia sông. Đi đến đâu chúng tôi cũng cảm nhận sự đổi thay kỳ diệu của quê Bác. Rất nhiều công trình, khu công nghiệp nhỏ và vừa đang cho ra lò những sản phẩm chất lượng cao, hai bên đường bạt ngàn những cánh đồng sản xuất cây công nghiệp ngắn ngày.

leftcenterrightdel

Những hồ sen tỏa ngát ở Làng Sen. 

Được biết, một trong những yếu tố quyết định đưa nền kinh tế Nam Đàn phát triển đi lên là việc mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất độc canh cây lúa sang sản xuất dịch vụ hàng hóa. Hiện nay Nam Đàn có gần 20 khu công nghiệp và cụm công nghiệp nhỏ và vừa cùng với hơn 100 trang trại đang hoạt động đạt kết hiệu quả cao. Nhiều khu công nghiệp, trung tâm dịch vụ như: Trung tâm thương mại Nam Đàn CENTER; Trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao tại xã Nam Nghĩa; hai dự án dệt may tại cụm công nghiệp Nam Giang và Công ty Nam Đàn HANOISIMEX; Công ty HAIVINA Hàn Quốc; Khu trung tâm thương mại tại xã Vân Diên… trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. 

Chính nhờ chuyển dịch cơ cấu và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cùng với sự quan tâm, đầu tư của trên đã góp phần đưa nền kinh tế Nam Đàn liên tục tăng trưởng, tốc độ bình quân đạt từ 9-10%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22,1% (năm 2005) nay chỉ còn hơn 2%; kết cấu hạ tầng, hệ thống điện, đường, trường, trạm, thủy lợi, thiết chế văn hóa ngày càng được hoàn thiện, hệ thống giao thông cơ bản được bê tông hóa.

Cùng với việc chú trọng phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Nam Đàn luôn gìn giữ và xây dựng nếp sống “Người Nam Đàn”. Hằng năm, Lễ hội Làng Sen được tổ chức quy mô từ cấp cơ sở trở lên tạo thành một lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa quê Bác. Nhờ đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nên tỷ lệ gia đình văn hóa của Nam Đàn đạt gần 90%; đơn vị văn hóa hơn 90% và tỷ lệ xóm, khối văn hóa đạt 85,4%. Chất lượng giáo dục được quan tâm đúng mức và đạt nhiều thành quả đáng khích lệ: Hiện có 62/74 trường trường được công nhận trường chuẩn quốc gia, mỗi năm có gần 2.000 em thi đỗ vào các trường đại học và cao đẳng.

leftcenterrightdel

 Người dân Nam Đàn đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp. 

Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, Bí thư Huyện ủy Nam Đàn cho biết: “Chúng tôi xác định, trong giai đoạn hiện nay, việc học tập Bác một cách thiết thực nhất là quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng Nam Đàn trở thành Huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch. Đó vừa trách nhiệm, vừa là khát vọng cháy bỏng của các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân. Để thực hiện được mục tiêu đó, cấp ủy, chính quyền huyện đã và đang triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, bám sát thực tiễn trong từng giai đoạn, phát huy cao nội lực và sức mạnh tổng hợp để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng huyện Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, xứng đáng với niềm tin yêu và nguyện ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho quê hương”.

 Bằng tình cảm, trách nhiệm và với quyết tâm cao nhất, người dân quê Bác đang hiện thực mục tiêu “Xây dựng huyện Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch giai đoạn 2018-2025”. Tạm biệt Nam Đàn trong nắng chiều dịu ngọt, trong mỗi chúng tôi trào dâng chung niềm vui cùng người dân quê Bác về sự đổi thay của quê hương.

Bài, ảnh: THIÊN THẢO