Họa sĩ Thái Hòa đã chia sẻ với Báo Quân đội nhân dân Điện tử về quá trình thực hiện những tác phẩm hội họa về Bác Hồ.

Phóng viên (PV): Được biết lúc nhỏ ông đã nhiều lần được gặp Bác Hồ, phải chăng từ những lần được gặp Bác thuở niên thiếu đã để lại trong ông niềm kính yêu với Bác và là động lực thôi thúc ông sáng tác về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh?

Họa sĩ Thái Hòa: Tôi may mắn có bố công tác trong ngành văn hóa và gia đình tôi lại ở Khu tập thể văn công Mai Dịch (Hà Nội). Những năm đầu thập niên 1960, Bác Hồ nhiều lần đến thăm các cháu thiếu nhi ở một số trường văn hóa nghệ thuật nằm trong Khu tập thể văn công Mai Dịch nên tôi đã được nhìn thấy Bác.

Tôi cũng nhận được nhiều đề nghị viết bài về Bác nhưng thời điểm tôi được gặp Bác là lúc còn quá nhỏ nên chưa thể hình dung đầy đủ và cũng không biết thể hiện cách viết thế nào. Cuối cùng, tôi quyết định chọn hội họa để thể hiện hình ảnh Người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc cũng là để bày tỏ tình cảm với Bác bằng bút vẽ chứ không phải bút viết.

leftcenterrightdel
Họa sĩ Thái Hòa và hai tác phẩm vẽ về Bác.

PV: Lần đầu tiên ông vẽ Bác Hồ khi nào?

Họa sĩ Thái Hòa: Năm 1979, trong một lần tôi dẫn học sinh đi thực tập tại một lâm trường. Khi lâm trường biết tôi là họa sĩ thì các cán bộ ở đó đề nghị chúng tôi vẽ cho họ một bức tranh Bác Hồ để treo trong nhà truyền thống. Lúc đó, tôi rất lo lắng bởi mình chưa bao giờ vẽ Bác và không có nhiều tư liệu thực hiện tác phẩm. Nhưng cuối cùng, với sự quyết tâm và cố gắng, chúng tôi đã thể hiện Bác khá thành công. Tôi đã hoàn thiện 3 bức tranh cho lâm trường, đây cũng là những bức tranh đầu tiên tôi vẽ về Bác. Từ đó, tôi luôn ấp ủ ý định vẽ Bác Hồ nhiều hơn nữa.

PV: Vẽ về Bác là một đề tài khó, tại sao ông vẫn chọn để thực hiện?

Họa sĩ Thái Hòa: Vẽ về Bác là một đề tài khó không chỉ với riêng tôi mà là tất cả các họa sĩ khác. Ở Bác cũng như các lãnh tụ kiệt xuất thì thần thái rất khó thể hiện, đó là điểm mấu chốt lớn. Bản thân tôi, khi cầm bút vẽ về Bác đã bị hỏng rất nhiều lần nhưng tôi vẫn quyết tâm thực hiện.

Để chuẩn bị cho triển lãm cá nhân đầu tiên về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh lần này, nhiều năm qua, tôi đã thực hiện rất nhiều phác thảo về chân dung Người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Mặc dù biết rằng đây là một đề tài không dễ thực hiện nhưng tôi vẫn chọn bởi tôi luôn dành tình cảm, tình yêu thương đặc biệt với Bác Hồ. Trong mỗi bức tranh, tôi không chỉ thể hiện tác phẩm dựa vào ký ức và cảm xúc chân thành mà còn phải kỳ công tìm kiếm các tư liệu ảnh, tài liệu tham khảo, sách, báo, thơ văn về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thậm chí, tôi phải tìm đến tận những nơi diễn ra các sự kiện lịch sử có liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác để thể hiện hình ảnh Người sao cho sinh động, tươi mới và sâu sắc, giàu tính nhân văn, tạo cảm giác thân quen, gần gũi với người xem.

leftcenterrightdel
Tác phẩm "Thăm trận địa".

PV: Tại sao ông lại chọn 13 bức tranh để trưng bày mà không phải một con số khác?

Họa sĩ Thái Hòa: Tôi chọn 13 tác phẩm để tượng trưng cho 130 năm Ngày sinh nhật Bác. Mỗi tác phẩm bức tranh sơn dầu khổ lớn trưng bày tại triển lãm đều ghi dấu những sự kiện lịch sử trong cuộc đời hoạt động của Người và lịch sử cách mạng Việt Nam. Trong đó có thể kể đến các tác phẩm tiêu biểu như: Đêm Pác Bó; Lo việc nước, Thăm trận địa, Bác Hồ đọc thư, Bác Hồ và các cháu thiếu nhi, Bắt nhịp, Kể chuyện cho trẻ thơ, Sự nghiệp trồng người..

Mỗi chi tiết trong bức tranh đều được tôi tính toán kỹ lưỡng, từ ý tưởng đến thực hiện các phác thảo, để làm sao cho tác phẩm toát lên được vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách lớn của Người lãnh tụ kính yêu, trọn đời vì nước, vì dân.

Mỗi tác phẩm vẽ về Bác, tôi đều gửi gắm vào đó điều tâm đắc, tư tưởng, tình cảm của mình với Bác. Tuy nhiên, bản thân tôi cảm thấy chưa thật ưng ý hoàn toàn với 13 tác phẩm này và tôi coi đây là bước đầu cho những triển lãm sau về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

leftcenterrightdel
Tác phẩm "Sự nghiệp trồng người".

PV: Sau triển lãm “Tháng Năm nhớ Bác”, ông có dự định tiếp tục thực hiện những triển lãm về chủ đề này?

Họa sĩ Thái Hòa: Tôi dự định vào tháng 5 của những năm tiếp theo, tôi sẽ tiếp tục tổ chức triển lãm để kính dâng lên Bác.

Năm tới, tôi dự kiến tổ chức triển lãm tranh về Bác nhưng chỉ vẽ tranh lụa. Tôi sẽ chỉ vẽ về Bác trên chất liệu lụa bởi tôi muốn chuyển tải đến người xem thông điệp, hình ảnh Bác luôn gắn liền với dân tộc Việt Nam mà lụa lại là một chất liệu truyền thống.

Tất cả những tác phẩm vẽ về Bác tôi sẽ không bán. Ngoài đề tài về Bác, tôi đã vẽ nhiều đề tài khác nhưng vẽ về Bác sẽ là mảng đề tài cuối cùng trong sự nghiệp sáng tác mà tôi sẽ dành tất cả tâm huyết để thực hiện. 

PV: Xin cảm ơn ông!

KHÁNH HUYỀN (thực hiện)