Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Để làm rõ hơn về vấn đề phê bình và tự phê bình trong Đảng ta hiện nay, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với GS,TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương.
 |
GS, TS Tạ Ngọc Tấn. |
Phóng viên (PV): Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, phê bình và tự phê bình là nguyên tắc, là việc làm thường xuyên của mỗi tổ chức đảng và đảng viên “như rửa mặt hàng ngày”. Ông đánh giá như thế nào về phương thức hoạt động này của Đảng ta?
GS, TS Tạ Ngọc Tấn: Trước hết, Đảng ta coi phê bình và tự phê bình là một nguyên tắc trong sinh hoạt đảng, một trong những yêu cầu bảo đảm cho tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Nếu như nói nguyên tắc tổ chức của Đảng là tập trung dân chủ, thì phê bình và tự phê bình là một trong những nguyên tắc để xây dựng Đảng. Trách nhiệm của mỗi đảng viên là phải đặt phê bình và tự phê bình như một nhiệm vụ thường xuyên của mình, cũng như việc đánh răng, rửa mặt hằng ngày vậy.
Bác Hồ từng chỉ ra rằng phê bình và tự phê bình là “chìa khóa vạn năng” để sửa chữa mọi sai lầm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Người nhấn mạnh, “Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Bác Hồ giải thích về phê bình và tự phê bình rất đơn giản, dễ hiểu nhưng cũng rất sâu sắc: “Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình cũng như có bệnh mà giấu. Không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết “cũng lê lết quả dưa”.
Bác Hồ là người nêu gương, dẫn đầu trong việc phê bình và tự phê bình. Bác cũng yêu cầu các đồng chí cán bộ, đảng viên có lỗi, phải thành khẩn nhận lỗi trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, để cố gắng sửa chữa, tiến bộ không ngừng. Bác Hồ và Bộ Chính trị đã kiểm điểm nghiêm khắc trước Hội nghị Trung ương 10 mở rộng, sau đó gửi thư đến toàn thể đảng viên để nhận lỗi về sai lầm trong cải cách ruộng đất. Việc tự phê bình nghiêm khắc đó chứng Đảng ta là Đảng mạnh, rất nghiêm khắc nhận ra khuyết điểm, thể hiện thái độ trách nhiệm cao đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước, với nhân dân.
Tuy nhiên, phê bình và tự phê bình chỉ là một trong những phương thức tổ chức hoạt động của Đảng, một yêu cầu trong công tác xây dựng Đảng, không phải thay thế cho những nguyên tắc, yêu cầu khác. Hơn nữa, phê bình và tự phê bình chỉ có ý nghĩa đầy đủ, hiệu quả thực sự cao khi nó gắn liền với kỷ luật nghiêm khắc của Đảng, với sự giáo dục, rèn luyện thường xuyên, với công tác kiểm tra chặt chẽ, cũng như sự giám sát của tổ chức, của nhân dân, của cộng đồng.
PV: Thưa ông, phê bình và tự phê bình có tác dụng như thế nào trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên?
GS, TS Tạ Ngọc Tấn: Muốn xây dựng Đảng thành công thì phải tiến hành đồng thời nhiều phương pháp, trong đó có hoạt động phê bình và tự phê bình.
Theo tôi, phê bình và tự phê bình như một người thầy thường xuyên bên cạnh mỗi cán bộ, đảng viên. Nó nhắc nhở, khuyên răn mỗi cán bộ, đảng viên tự học tập, rèn luyện, tự phấn đấu để vươn lên không ngừng về đạo đức, tư cách, năng lực trong công việc của mình, uy tín trong quần chúng nhân dân; từ đó hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác được giao, xứng đáng với trách nhiệm công việc, vị trí công tác mà Đảng và nhân dân giao phó.
Mặt khác, phê bình và tự phê bình làm con người gắn bó với tổ chức, đơn vị của mình hơn. Mỗi cán bộ, đảng viên được sống trong một tập thể mà mọi người chú ý đến nhau, trung thực, thẳng thắn, đoàn kết, bằng tình cảm của những người đồng chí, đồng đội thì sẽ tạo nên sức mạnh to lớn trong thực hiện nhiệm vụ. Bởi vì, bản chất của phê bình và tự phê bình trong sinh hoạt Đảng là sự phê bình và tự phê bình xuất phát từ tình đồng chí, đồng đội, để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, để cùng nhau chung lòng, góp sức, góp trí, thực hiện thành công các nhiệm vụ cách mạng. Đó không thể là thứ phê bình để dìm nhau, hạ nhau.
Nếu chúng ta thực hành phê bình và tự phê bình đúng đắn, sẽ giúp cho mỗi người trong một tập thể, trong tổ chức dễ nhận ra những điều tốt đẹp để noi theo, phấn đấu, dễ nhận ra những khuyết điểm để sửa chữa, để tiến bộ. Đấy chính là điều kiện để làm cho sức mạnh của mỗi cá nhân nâng lên, đồng thời nâng lên sức mạnh tập thể, nâng lên sự đoàn kết gắn bó, đồng thời giúp cho các thành viên chia sẻ, cảm thông với nhau, gắn bó với nhau chặt chẽ hơn.
PV: Ông đánh giá như thế nào về phê bình và tự phê bình trong các tổ chức đảng hiện nay?
GS, TS Tạ Ngọc Tấn: Theo tôi, trong phần lớn các tổ chức đảng, các cơ quan của hệ thống chính trị, nguyên tắc phê bình và tự phê bình vẫn được duy trì, thực hành thường xuyên, có hiệu quả, góp phần tích cực vào việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Những thành tích phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong thời gian qua có được chính là nhờ các tổ chức đảng, đoàn thể, các cơ quan Nhà nước dám nghĩ, dám làm, dám nhận ra các sai lầm, hạn chế để tự phê bình và phê bình để nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, của các tổ chức, đơn vị.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tổ chức đảng và một số đảng viên không làm tốt công tác phê bình và tự phê bình. Cùng với đó là sự xa rời lý tưởng, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Ở những cá nhân, đơn vị, tổ chức đó cũng thiếu sự kiểm tra, giám sát, buông lỏng kỷ luật đảng, kỷ cương, luật pháp nhà nước. Vì vậy dẫn tới một bộ phận không nhỏ đảng viên sa vào tội lỗi, tham nhũng, lãng phí, bòn khoét của dân, làm giàu cho riêng mình.
Trong tất cả hiện tượng đó có một phần lỗi từ các tổ chức đảng không duy trì tốt việc phê bình và tự phê bình, và cán bộ đảng viên không nghiêm túc thực hiện phê bình và tự phê bình.
 |
Toàn cảnh Hội nghị Trung ương lần thứ 12 khoá XII. Ảnh Nhật Bắc |
PV: Theo ông, nguyên tắc này có ý nghĩa như thế nào trong thời điểm này, trước thềm Đại hội XIII của Đảng sắp diễn ra?
GS, TS Tạ Ngọc Tấn: Vấn đề chọn cán bộ tốt là điều kiện sống còn của bất cứ tổ chức chính trị nào muốn hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình, đặc biệt đối với Đảng ta, một đảng cầm quyền. Vậy thì, vấn đề phê bình và tự phê bình có ảnh hưởng gì, ý nghĩa như thế nào đối với công tác lựa chọn nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng hiện nay?
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, hầu như toàn bộ các chức vụ, quyền hạn trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở đều do các đảng viên của Đảng nắm giữ. Đành rằng đó là trách nhiệm nặng nề mà Đảng phải gánh vác. Tuy nhiên, trách nhiệm nặng nề cũng là nguy cơ dẫn đến lợi dụng để thăng quan, làm giàu, mưu lợi cho cá nhân cho gia đình riêng nếu cán bộ, đảng viên không trong sáng, không thực sự chí công, vô tư. Vậy nên, phê bình và tự phê bình không chỉ là thuốc chữa bệnh, mà còn là thuốc phòng bệnh cho mỗi người cán bộ, đảng viên.
Bác Hồ cho rằng, cán bộ là gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Hay đồng chí Lê Duẩn từng khẳng định rằng, khi đường lối đúng thì mọi vấn đề do cán bộ quyết định. Nhưng thực ra, chính cán bộ cũng quyết định đường lối. Cho nên, đường lối đúng hay không thì cũng phụ thuộc vào việc có cán bộ hay tốt.
Cán bộ là những người có năng lực công tác chuyên môn, có trách nhiệm nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, biết lắng nghe ý kiến của nhân dân để giúp cho Đảng hoạch định đường lối đúng đắn, rồi thay mặt Đảng lãnh đạo nhân dân thực hiện đường lối đó. Mặt khác, Đảng là một tổ chức, trong đó cán bộ cũng chính là những đại diện cụ thể của Đảng, hình ảnh cụ thể của Đảng. Uy tín của Đảng đối với xã hội, niềm tin của nhân dân đối với Đảng chính là thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy, chọn cán bộ đúng ở bất cứ thời điểm nào đều là vấn đề sống còn, nhất là giai đoạn hiện nay. Bởi chúng ta đang bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa, một cách độc lập, tự chủ, không có bất cứ kinh nghiệm tiền lệ nào. Những mối quan hệ gắn bó, để có thể giúp đỡ chúng ta từ xung quanh đều khó khăn, không đơn giản. Môi trường thế giới đang vận động cực kỳ phức tạp, các mối quan hệ chính trị, kinh tế-xã hội rất khó lường.
Đó không chỉ là những vấn đề phức tạp do con người tạo ra mà còn là những vấn đề phụ thuộc vào thiên nhiên như dịch bệnh, nước biển dâng, biến đổi khí hậu... khiến môi trường và điều kiện phát triển vô cùng khó khăn. Điều đó càng đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ phải tài năng, có bản lĩnh, sống có lý tưởng cống hiến, trung thành với chế độ, thật sự liêm chính, chí công, vô tư thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong điều kiện ấy, phê bình và tự phê bình một cách nghiêm túc, trong sáng, phê bình và tự phê bình trong tình đồng chí nhưng phải "ráo riết, không nể nang" như ý của Bác Hồ, sẽ góp phần tốt trong chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng.
PV: Ông có thể nói rõ hơn, tại sao phê bình và tự phê bình có thể góp phần vào việc lựa chọn cán bộ tốt cho Đại hội XIII của Đảng sắp tới?
GS, TS Tạ Ngọc Tấn: Đúng là phê bình và tự phê bình có thể là một trong những phương pháp để lựa chọn được cán bộ tốt cho Đảng. Trước hết, đó là sự phê bình và tự phê bình một cách công khai, thẳng thắn trong các tổ chức đảng giúp cho tổ chức có thêm căn cứ để đánh giá đúng cán bộ. Thông qua phê bình và tự phê bình để phát hiện những biểu hiện tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, quan liêu, xa dân. Đồng thời, phê bình và nhất là tự phê bình như ngọn lửa thử vàng, qua đó mà thấy được ai là người cán bộ trung thực, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân.
Mặt khác, nói đến cán bộ tốt, tiêu chí hàng đầu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là mối quan hệ với dân, gắn bó chặt chẽ với dân, được dân tin yêu. Vì thế, phải dựa vào dân, dựa vào sự phê bình, góp ý của dân để đánh giá và lực chọn cán bộ. Dân là bộ máy sàng lọc tốt nhất để tuyển ra những cán bộ tốt cho Đảng. Cán bộ tốt phải là những người được đào luyện trong thực tiễn, có đủ tiêu chuẩn cán bộ gồm nhân, đức, trí, dũng, liêm, luôn gắn bó với nhân dân, được nhân dân tin cậy và thừa nhận. Từ đánh giá của người dân mới chọn lọc đúng cán bộ, mới loại được những cán bộ tìm cơ hội chui vào Đảng, leo lên những chức vụ trọng trách để lợi dụng chứ không phải vì mong muốn xây dựng Đảng.
PV: Đó là trong công tác lựa chọn cán bộ, vậy trong các mặt công tác khác của Đảng và hệ thống chính trị, hoạt động phê và tự phê còn có thể tác động như thế nào?
GS, TS Tạ Ngọc Tấn: Đương nhiên, phê bình và tự phê bình có ý nghĩa đối với mọi mặt công tác của Đảng và bộ máy tổ chức các cơ quan do Đảng lãnh đạo. Trong tất cả các mặt công tác, các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ kinh tế, vận dụng phê bình và tự phê bình như là một liều thuốc phòng bệnh và chữa bệnh rất cần thiết.
Thực ra trong xã hội, từ lâu rồi, phê bình và tự phê bình đã được coi như một động lực thúc đẩy phát triển, thúc đẩy những điều hay, việc làm tốt rồi. Ở đất nước Israel, những người nhân viên nói nhiều nhất, góp ý phê bình nhiều nhất là người được đánh giá cao nhất, được quan tâm cất nhắc trước tiên. Ở Phương Tây người ta có câu châm ngôn: “Người khen ta, đó là kẻ thù của ta; người chê ta, đó là bạn ta”. Ông cha ta có câu “Thuốc đắng dã tật”. Những người phê bình và góp ý chính là người thầy dạy khôn chúng ta.
PV:Thưa ông! Làm thế nào để thế hệ đảng viên trẻ trở thành lớp kế tục xứng đáng và áp dụng tự phê bình và phê bình một cách hợp lý trong thực tiễn đời sống hiện nay?
GS, TS Tạ Ngọc Tấn: Trước hết, cần phải nói là thế hệ thanh niên hiện nay, trong đó có đội ngũ đảng viên trẻ, là một thế hệ rất tài năng. Họ được sinh ra trong điều kiện kinh tế và điều kiện cơ sở vật chất tương đối tốt, khoa học kỹ thuật phát triển với những bước đi rất nhanh so với ngày xưa. Chính vì thế mà bản thân thế hệ trẻ thích ứng rất nhanh với điều kiện xã hội hiện đại. Họ có khả năng và trên thực tế đã xử lý nhiều công việc mà các thế hệ cha ông không làm nổi.
Để các đảng viên trẻ xứng đáng là những người kế tục sự nghiệp của các thế hệ đảng viên đi trước, làm cho đất nước phát triển hơn, dân tộc rạng danh hơn, theo tôi phải đề cập tới hai khía cạnh. Thứ nhất là trách nhiệm của thế hệ cha anh, trách nhiệm tổ chức Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội tham gia trong việc giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng, hướng dẫn, giúp đỡ tạo môi trường tích cực cho họ phấn đấu.
Hay nói cách khác, đó là sự hướng dẫn, giúp đỡ của những người đi trước, không phải bày đường chỉ việc mà còn phải tạo bệ đỡ thuận lợi nhất cho thanh niên sáng tạo và phát huy tài năng của mình. Đặc biệt, qua hoạt động của các tổ chức Đảng, cần rèn luyện cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ một lối sống lành mạnh, sống có lý tưởng, nhân văn, tránh xa sự bon chen, những vụ lợi cá nhân nhỏ nhen. Chính là qua sự giám sát, giúp đỡ thường xuyên của tổ chức, sự phê bình, góp ý tận tình, với tình yêu thương để giúp cho họ tiến bộ không ngừng.
Thứ hai, chính là sự nỗ lực học tập phấn đấu, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện của mỗi người, mỗi cán bộ, đảng viên trẻ. Mỗi đảng viên trẻ phải nhận thức đầy đủ ý nghĩa của phê bình và tự phê bình để biết trân trọng lắng nghe ý kiến phê bình của đồng chí, đồng nghiệp, ý kiến, dư luận của nhân dân để tự sửa mình. Phải biết tự soi lại mình thường xuyên, tự mình nhận ra những sai lầm khuyết điểm của mình để khắc phục, để tiến bộ không ngừng. Bác Hồ nói, “người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm thì có sai lầm”. Vấn đề là không sợ khuyết điểm, dám nhìn ra và thừa nhận khuyết điểm là dám khẳng định mình, là có thể vượt qua khuyết điểm để tiến bộ không ngừng. Những người trẻ tuổi là những người có dũng khí, có năng lượng dồi dào, cũng chính là những người có đầy đủ khả năng để vận dụng nguyên tắc phê bình và tự phê bình trong công tác và cuộc sống!
PV: Xin cảm ơn ông!
THU HÀ (thực hiện)