Mang âm hưởng phơi phới những niềm vui, phấn khởi, tin tưởng, tràn đầy hy vọng, tác phẩm còn thể hiện một quan niệm mới mẻ của Bác về hạnh phúc. “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh” cho tất cả mọi người, không của riêng Việt Nam mà còn là của cả thế giới. Tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi cùng thời đại vì là sự học tập, kế thừa, kết tinh tư tưởng để trở thành mẫu số chung của văn hóa nhân loại nên mang giá trị phổ quát, phổ biến. Xét đến cùng, từ khi xuất hiện, dù trong lao động, dù trong tranh đấu, loài người đều nung nấu một mục đích, khát khao vươn tới hạnh phúc. Thế nên hạnh phúc biểu hiện tính người rõ nhất, điều mà triết học văn hóa của thế giới hôm nay đang lý giải, cắt nghĩa, phân tích, khái quát, tổng kết để tìm ra một mô hình con người văn hóa mới. Nhưng những điều ấy lại có tương đối đầy đủ và hệ thống trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
1. Con người hạnh phúc trước hết là con người có lý tưởng, sẵn sàng phấn đấu, cống hiến và hy sinh vì mục đích cao cả, tốt đẹp. Lý tưởng luôn đi cùng, gắn chặt với niềm tin. Người giàu lý tưởng cũng là người giàu niềm tin. Thời trung đại có nhà khoa học sẵn sàng lên giàn thiêu chỉ để nói lên một chân lý: Trái đất quay quanh mặt trời. Họ đã tin và coi chân lý lớn hơn sự sống bản thân và hạnh phúc là được chết cho chân lý, vì chân lý. Trong lịch sử, thời nào cũng có một lý tưởng làm điểm tựa tinh thần, mà điểm tựa ấy sẽ quyết định tính chất, nội dung và sự dài ngắn của thời đại ấy.
Những người cộng sản như Bác Hồ thì hạnh phúc là dâng hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo-là vì mục đích đó”; “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Cho nên Bác Hồ là người hạnh phúc nhất vì có lý tưởng đẹp nhất và đã thực hiện thành công trọn vẹn lý tưởng ấy. Dù đã đi xa nhưng “điều mong muốn cuối cùng” của Người là “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” hôm nay đã thành hiện thực. Cả dân tộc này được hưởng hạnh phúc của Người, theo đạo lý “ăn quả nhớ người trồng cây”, đang ngày càng ra sức nhân lên hạnh phúc ấy!
2. Hạnh phúc luôn có một nét nghĩa thỏa mãn trong hưởng thụ, hưởng thụ vật chất (ăn, ở, mặc…), hưởng thụ tinh thần (giáo dục, văn hóa…). Về phương diện này Bác Hồ là người nhìn thấy sớm nhất và có cách giải quyết tuyệt vời nhất. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước ta sa vào tình trạng kiệt quệ, dân đói, ngân khố trống rỗng; với tầm nhìn nhân văn, thiết thực mà cụ thể, Bác đề ra chủ trương ưu tiên hai nhiệm vụ cấp bách trước mắt là diệt giặc đói, diệt giặc dốt. Tháng 8-1945, ủy ban cách mạng họp ở đình Tân Trào, có một đoàn đại biểu đồng bào các dân tộc địa phương đến chúc mừng. Trong đoàn có mấy em nhỏ gầy gò, xanh xao. Rất xúc động, Bác nói với các đại biểu: “Nhiệm vụ của chúng ta là làm sao cho các cháu được ăn no, có quần áo mặc”. Một lời nói mà chứa đựng khát vọng bao đời của cả dân tộc.
Để có nhân tính thì con người phải có ăn có mặc, được học hành. Muốn thế phải thay môi trường phi nhân tính bằng môi trường có nhân tính. Bác là nhà nhân văn vĩ đại vì đã thay chế độ nô lệ bằng chế độ dân chủ, “đổi người nô lệ thành người tự do” để toàn dân ta hạnh phúc!
3. Hạnh phúc là cống hiến, là trách nhiệm, là sự sẻ chia. Ở góc độ này cũng thấy Bác là người hạnh phúc khi Người “hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”. Cũng chính Bác là tấm gương thể hiện sinh động nhất định nghĩa thế nào là “cống hiến”. Trước hết là phải học tập. Tự học và bền bỉ học tập suốt đời, học trong mọi hoàn cảnh, học lý luận gắn liền với thực tế, khi tuổi cao vẫn học: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học...”. Học để nâng cao tri thức, làm tốt hơn bổn phận và trách nhiệm công dân. Bác cũng là tấm gương sáng nhất về trách nhiệm và sẻ chia khi cả nước gặp buổi hoạn nạn, dân đói, dân rét thì Bác góp một vốc gạo, nhịn một bữa ăn, tặng một tấm áo... Giữa trời giá rét, Người cởi tấm áo bông đang mặc khoác cho tù binh và nhắc bộ đội phải cho tù binh đi giày vì họ không quen đi chân không... Đấy là biểu hiện của tình thương lớn chỉ có được từ một học vấn vĩ đại, một tâm hồn nhân ái bao la, sâu sắc một tình yêu con người, không chỉ thu phục nhân tâm mà còn thu phục cả lương tâm thời đại. Có được một người lãnh đạo như thế là hạnh phúc cho cả một dân tộc!
Bác Hồ dạy cán bộ phải là “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” cũng là dạy họ tình thương, trách nhiệm, phục vụ nhân dân không điều kiện. Cũng có nghĩa là Bác đã giáo dục họ hiểu về hạnh phúc!
4. Với Bác Hồ, học tập gắn liền với lao động. Học tập để thành quả lao động tốt hơn mà phục vụ tốt hơn nữa cho dân, cho nước nên học tập và lao động là hạnh phúc: “Lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của chúng ta”. Bác là người lao động thực thụ với 12 nghề khác nhau. Thời mới đi tìm đường cứu nước, Bác làm nghề nấu ăn, quét tuyết, chụp ảnh… Thời kháng chiến, Bác trồng rau, nuôi gà, tự túc thực phẩm. Khi làm Chủ tịch nước, Bác vẫn tự tay cuốc đất, tăng gia.
Quan niệm về đạo đức của Bác không bất biến mà luôn gắn liền với môi trường xã hội, với thời đại: “Người ta ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân ta còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon mặc đẹp, như vậy là không có đạo đức”. Người dạy thanh niên phải biết cống hiến trước khi hưởng thụ: “Khi làm bất kỳ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước… khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”. Bác đã dạy chúng ta về hạnh phúc là hài hòa hưởng thụ và cống hiến, phải đặt cống hiến lên trước. Đó là đạo đức của tấm lòng hy sinh vì mọi người! Đó còn là tầm nhìn thấu nhân tâm, thấu thời thế!
Dành cả cuộc đời đấu tranh với thực dân, đế quốc để đòi hạnh phúc cho các dân tộc thuộc địa, Bác đã sinh động hóa quan niệm của Mác: Hạnh phúc là đấu tranh. Người mong muốn các dân tộc thoát khỏi trạng thái nô lệ, cùng bước lên đài vinh quang của hạnh phúc được làm chủ. Mục đích ấy ngay những năm đầu ở Pháp, Người đã xác định cùng những người bạn cộng sản ở các nước thuộc địa: Giải phóng đồng bào, giải phóng nhân loại bị áp bức!
Những đóng góp to lớn của Hồ Chí Minh vào sự nghiệp giải phóng con người đã được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước khẳng định. Từ thực tiễn hôm nay, chúng ta thấy Bác còn có đóng góp lớn vào việc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Cả xã hội ta đang lên án, đấu tranh chống nạn tham nhũng, tệ quan liêu xa dân, hoang phí… thì tất cả những điều ấy đã được Bác Hồ tiên liệu từ trước. Người định nghĩa chủ nghĩa cá nhân rất cụ thể “là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình”, nên “Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu…”. Hôm nay cán bộ càng phải học Bác nhiều hơn để “nâng cao đạo đức cách mạng”, thật sự vì dân mới có thể “quét sạch” nó.
5. Hạnh phúc gắn liền với dân chủ. Một xã hội hạnh phúc là xã hội dân chủ, “dân là chủ” và “dân làm chủ”. Một biểu hiện cơ bản của dân chủ là tinh thần đối thoại, mà muốn thế phải có vốn tri thức sâu rộng về giao tiếp văn hóa, về lĩnh vực cùng quan tâm. Nhờ làm nhiều nghề, lăn lộn trong đời sống, tiếp xúc nhiều lớp người, am hiểu nhiều loại hình nghệ thuật, lại thành thạo nhiều ngôn ngữ chính nên Bác Hồ nắm rất chắc và làm chủ các "chìa khóa" giải mã văn hóa. Bác là một trong số rất ít vĩ nhân có thể đối thoại với hầu hết các nền văn hóa lớn. Cây đại thụ văn hóa cường tráng ấy có ba chùm rễ rất khỏe, cắm sâu vào ba mảnh đất văn hóa của văn hóa Việt (tinh thần yêu nước thương nòi), văn hóa phương Đông (tư tưởng tích cực của Nho giáo, Phật giáo) và văn hóa phương Tây (tinh thần khoa học, biện chứng) để cành lá vươn cao lên bầu trời nhân văn thế giới mà quang hợp ánh sáng của chủ nghĩa yêu nước, của tự do, bình đẳng, bác ái, của trí tuệ, tình thương... Nhờ thế, Người tạo cho riêng mình một phong cách độc đáo, đặc sắc, vừa phương Đông lại rất phương Tây, cổ điển, truyền thống mà mới mẻ, hiện đại; bình dân giản dị mà bác học trí thức; trong sáng hồn nhiên mà lịch thiệp sang trọng...
Nhìn từ lý thuyết đối thoại ta cũng thấy Bác Hồ là người hạnh phúc!
Trong đối thoại thì tất cả đều bình đẳng. Đối thoại văn hóa tối kỵ những câu mệnh lệnh thức hay cầu khiến… Trước một vấn đề, các bên đều có chính kiến, phản biện, bảo vệ… Hiểu sâu sắc vấn đề này, Bác từng nói dân chủ là phải để cho dân được “mở miệng”. Cho nên, một nguyên tắc đối thoại của Người với dân là luôn đưa ra những câu hỏi để được nghe trả lời từ bất cứ người dân nào. Hỏi để được biết tình hình, là đưa ra vấn đề rồi khơi gợi để dân nói. Trọng dân, hiểu dân, tin dân... đấy là phong cách Hồ Chí Minh.
6. Hạnh phúc còn là một tinh thần khỏe mạnh trong một thân thể khỏe mạnh, là sự vô tư trong sáng, quên tuổi tác: “Tự cung thanh đạm tinh thần sảng”, sống thanh đạm thì sảng khoái, nhẹ nhàng, vô tư, tinh thần sáng suốt, thông tuệ. “Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe/ Trần mà như thế kém gì tiên”. Bác Hồ có một định nghĩa về sức khỏe ngắn gọn, đầy đủ, chuẩn mực: “Khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe”. “Khí huyết lưu thông” tức là có một cơ thể vật chất khỏe mạnh, “tinh thần đầy đủ” là ý chí, bản lĩnh, nghị lực, đạo đức...
Như cụ Nguyễn Trãi ẩn cư nơi vùng Côn Sơn (Hải Dương), như Nguyễn Bỉnh Khiêm về với sông nước núi non quê Hồng Châu (Vĩnh Lại, Hải Phòng), như Nguyễn Khuyến về với núi Quế Sơn (Hà Nam), Bác Hồ mong muốn được sống giữa nơi thiên nhiên thanh sạch trong lành: “Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”. Người “tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý” để được sống hòa đồng giữa thiên nhiên, bầu bạn cùng thiên nhiên. Hồi ở Việt Bắc (năm 1954), đạo diễn điện ảnh Nga Roman Karmen hỏi: “Chủ tịch làm việc bao nhiêu tiếng một ngày?”. Bác trả lời: “Chim rừng đánh thức tôi, còn tôi đi nằm lúc trên trời xuất hiện những vì sao”. Thì ra Bác lấy thiên nhiên làm chuẩn mực để đo thời gian cho cuộc sống của mình. Khi phải gánh vác nhiệm vụ trọng đại, Bác vẫn dành thời gian hạnh phúc cùng thiên nhiên, làm thơ cùng “bạn” trăng: “Trăng vào cửa sổ đòi thơ”, dành thời gian hạnh phúc cùng con trẻ, cùng cỏ cây: “Việc quân, việc nước đã bàn/ Xách bương, dắt trẻ ra vườn tưới rau”…
Xét đến cùng, cái đích phấn đấu của vĩ nhân Hồ Chí Minh là sáu chữ vàng “Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”. Độc lập là tiền đề cơ sở, là điều kiện cho tự do, hạnh phúc: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Đó là một quan niệm biện chứng, một nguyên lý, một chân lý đóng góp một cách xuất sắc vào kho tàng lý luận cách mạng thế giới đã được chứng minh hùng hồn ở Việt Nam.
NGUYỄN THANH TÚ