Đảng cầm quyền: Tầm nhìn Hồ Chí Minh từ khi Đảng chưa ra đời

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã ghi rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Hiến pháp năm 2013 hiến định: Đảng Cộng sản Việt Nam là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. 

Qua nhiều kỳ đại hội đảng, 3 chữ "Đảng cầm quyền" đã được đề cập. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam được Đại hội toàn quốc lần thứ X và XI thông qua có ghi "Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền".

Nhưng ít ai biết rằng, vấn đề này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến từ rất sớm, ngay những năm đầu của thế kỷ 20, từ trước khi Đảng ta ra đời.

Lần giở bản gốc cuốn sách "Đường Kách mệnh" in năm 1927 ở nước ngoài, là tập hợp các bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dùng đào tạo đội ngũ cán bộ cho cách mạng Việt Nam những năm 1925-1927 ở Quảng Châu (Trung Quốc), chúng ta không khỏi kinh ngạc khi Bác Hồ đã nói về chuyện đảng cầm quyền từ rất sớm và sâu sắc đến vậy. Trong phần phân tích về cách mạng ở nước Nga, Nguyễn Ái Quốc viết có đoạn: “Đảng Cộng sản cầm quyền, tổ chức ra Chính phủ công, nông, binh, phát đất ruộng cho dân cày, giao công xưởng cho thợ thuyền, không bắt dân đi chết cho tư bản và đế quốc chủ nghĩa nữa, ra sức tổ chức kinh tế mới, để thực hành chủ nghĩa thế giới đại đồng”.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: tuyengiao.vn

Theo một số tài liệu nghiên cứu, V.I.Lênin đã đưa ra khái niệm "Đảng Cộng sản cầm quyền" vào năm 1922 và nhận định ở nước Nga chỉ có một "đảng cầm quyền duy nhất". Sau này, trong bản thảo Di chúc viết năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn và khẳng định: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”.

Một số vấn đề về phương thức lãnh đạo của Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Để đáp ứng sứ mệnh đảng cầm quyền, một vấn đề luôn được Bác Hồ đặc biệt quan tâm là Đảng phải làm sao có được cách thức, phương thức lãnh đạo thực sự hiệu quả.

Trong cuốn "Đường Kách mệnh", Người không chỉ phân tích câu chuyện cách mạng ở Nga, mà còn phân tích cả câu chuyện ở Mỹ. Sau khi ghi nhận những thành tựu, tiến bộ của cách mạng ở Mỹ, Người nhận xét: “Cách mệnh Mỹ là cách mệnh tư bản, mà cách mệnh tư bản là chưa phải cách mệnh đến nơi”. Và rồi Người giải thích “cách mệnh đến nơi”: “Nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”. Thật vô cùng sâu sắc, "quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người" cũng chính là vấn đề cốt lõi xoay quanh phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền, để làm sao quyền lực không bị lạm dụng, thật sự thuộc về nhân dân.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", Chủ tịch Hồ Chí Minh dành riêng một mục (mục V) nói về “Cách lãnh đạo”. Người đã đặt câu hỏi: “Lãnh đạo đúng nghĩa là thế nào?” và trả lời: “Lãnh đạo đúng nghĩa là: 1) Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng…”. 2) Phải tổ chức sự thi hành cho đúng…”. 3) Phải tổ chức sự kiểm soát…”(1).

Và theo Người, trong cả 3 việc trên, để làm cho đúng, đều phải dựa vào dân: “Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng. Mà muốn thế thì nhất định phải so sánh kinh nghiệm dân chúng. Vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo”, “Phải tổ chức sự thi hành cho đúng. Mà muốn vậy, không có dân chúng giúp sức thì không xong”, “Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được”.

Người cũng cho rằng để đề ra được đường lối, chủ trương đúng đắn thì: “Đảng và Chính phủ điều tra, nghiên cứu, cân nhắc cẩn thận nhằm vào lợi ích chung của nhân dân, đặt chính sách”(2).

Theo Người: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”(3).

Đường lối, chính sách theo Người phải bắt nguồn từ thực tiễn, phải điều tra, tìm hiểu kỹ trước khi xây dựng: “Đảng có hiểu rõ tình hình thì đặt chính sách mới đúng. Mà muốn Đảng hiểu rõ thì đảng viên và cán bộ phải điều tra và báo cáo rõ ràng tình hình từng xã, từng huyện, từng tỉnh, từng khu. Nếu không biết rõ tình hình mà đặt chính sách thì kết quả là “nồi vuông úp vung tròn”, không ăn khớp gì hết”(4).

Hồ Chí Minh còn chỉ ra mối quan hệ giữa định ra chủ trương, đường lối, tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát: “Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi. Song từ nguồn gốc đi đến thắng lợi thực sự, còn phải tổ chức, phải đấu tranh. Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách có đúng mấy cũng vô ích”(5).

Đổi mới phương thức lãnh đạo - đòi hỏi của giai đoạn cách mạng mới

Phương thức lãnh đạo của Đảng hiểu một cách khái quát là hệ thống những phương pháp, hình thức, biện pháp, quy trình, lề lối làm việc, tác phong công tác mà Đảng vận dụng để tác động vào các lực lượng xã hội, các tổ chức, cá nhân nhằm biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng thành nhận thức và hành động của đối tượng lãnh đạo, qua đó hoàn thành các nhiệm vụ cách mạng do Đảng đề ra.

Nội dung cơ bản phương thức lãnh đạo của Đảng đã được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) gồm: Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị, tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Đảng thường xuyên nâng cao năng lực cầm quyền và hiệu quả lãnh đạo, đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị.

Mặc dù đã có sự xác lập rõ ràng như vậy nhưng trong thực hiện phương thức lãnh đạo của Đảng thời gian qua, vẫn còn tồn tại một số vấn đề bất cập, đòi hỏi phải khắc phục và đổi mới. Văn kiện Đại hội XII của Đảng đánh giá: “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội còn chậm, nhất là việc cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của Đảng được xác định trong Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011; phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước có những nội dung còn lúng túng… Tình trạng nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít chậm được khắc phục”.

Trên cơ sở nhận định như vậy, Đại hội XII của Đảng xác định đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một trong 10 nhiệm vụ về xây dựng Đảng và nội dung đổi mới phương thức lãnh đạo được Đảng tập trung vào 5 vấn đề cơ bản, gồm: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện và tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và hệ thống chính trị; tiếp tục cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của Đảng được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); coi trọng xây dựng văn hóa trong các tổ chức đảng, hệ thống chính trị; nâng cao chất lượng việc xây dựng và ban hành nghị quyết của Đảng, pháp luật Nhà nước; nâng cao chất lượng việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về hoạt động lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng Đảng.

Nhìn lại nhiệm kỳ Đại hội XII, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đã có nhiều thành tựu, tiến bộ đáng ghi nhận; nhất là tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, làm trong sạch bộ máy. Việc đổi mới lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thiết thực nâng cao hiệu quả của Chính phủ kiến tạo, giúp đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để phát triển…

Hướng tới Đại hội XIII của Đảng, một vấn đề hết sức quan trọng đặt ra là phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hơn nữa phương thức lãnh đạo của Đảng. Trong đó, cần tập trung đổi mới và nâng cao năng lực hoạch định đường lối, chủ trương, định hướng chính sách của Đảng trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Yêu cầu hội nhập, đổi mới đặt ra hết sức mạnh mẽ để tạo động lực mới giúp đất nước phát triển, bứt phá nhưng không cho phép chệch hướng XHCN, không cho phép sai lầm về đường lối chiến lược. Đổi mới hơn nữa phương thức lãnh đạo-cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước theo tinh thần thượng tôn pháp luật, thể chế hóa sâu sắc. Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đảng và đảng viên, nhất là những người đứng đầu, có cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa. Đổi mới mạnh mẽ phương pháp, tác phong, phong cách, lề lối làm việc của hệ thống chính trị, hiện đại hóa phương thức lãnh đạo của Đảng gắn với hiện đại hóa hoạt động của Nhà nước trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0...

Đại tá, TS PHẠM THANH GIANG (Phó chủ nhiệm Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị)

------------------

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.325

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.249

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.14, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, tr.335

(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.636

(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.279